Những nữ học viên báo chí đầu tiên tại chiến khu Việt Bắc

Việc tổ chức lớp huấn luyện kịp thời trong điều kiện đó đã ghi một mốc son tự hào trong lịch sử dân tộc giai đoạn 1945 - 1954, góp phần đặt nền móng quan trọng cho sự phát triển mạnh mẽ của nền báo chí Cách mạng nước ta.

 Một số học viên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Bà Phương Lâm đứng ngoài cùng bên trái. Ảnh: Bảo tàng Báo chí Việt Nam

Một số học viên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Bà Phương Lâm đứng ngoài cùng bên trái. Ảnh: Bảo tàng Báo chí Việt Nam

Tiếp tục sứ mệnh tuyên truyền, đấu tranh Cách mạng, từ năm 1946 đến 1954, ngoài các cơ quan báo chí lớn như: Đài Tiếng nói Việt Nam, Việt Nam Thông tấn xã, Sự Thật, Cứu Quốc, Độc Lập… đã kịp thời chuyển từ Thủ đô Hà Nội lên Chiến khu Việt Bắc, tại đây, nhiều cơ quan báo chí mới được ra đời như:

Báo Nhân Dân, Quân đội Nhân Dân, Công an Nhân Dân, Phụ nữ Việt Nam… Hội những người viết báo Việt Nam cũng ra đời trong giai đoạn này.

Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong giai đoạn chuẩn bị tổng phản công và tổng phản công thắng lợi, việc đào tạo lực lượng báo chí nòng cốt cho Cách mạng được đặt ra.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Tổng bộ Việt Minh xúc tiến việc thành lập một cơ sở đào tạo báo chí ngay tại Chiến khu và ngôi trường mang tên "Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng" chính thức ra đời. Trường học nằm dưới tán cây rừng thuộc xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Cơ sở vật chất và đời sống trong trường do Báo Cứu Quốc đảm đương.

Sau khi hoãn lịch nhập học với lí do "muốn cho học viên ở xa kịp xin ghi tên và kịp tới dự lớp huấn luyện làm báo Huỳnh Thúc Kháng do Tổng bộ Việt Minh mở hoãn lại đến ngày 4 tháng Tư sắp tới này mới bắt đầu khai giảng" (1), đúng ngày 4/4/1949, Trường chính thức khai giảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đến việc tổ chức dạy và học của Trường. Người đã 2 lần gửi thư động viên tinh thần học tập của các học viên nhà trường.

Lãnh đạo và học viên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng trong ngày khai giảng 4/4/1949. Ảnh: Bảo tàng Báo chí Việt Nam

Lãnh đạo và học viên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng trong ngày khai giảng 4/4/1949. Ảnh: Bảo tàng Báo chí Việt Nam

Khóa học có 42 học viên, chủ yếu là những người đang công tác tại các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương hoạt động từ Nghệ An trở ra. Lớp có 3 học viên nữ là: Lý Thị Trung, Phương Lâm (Báo Phụ nữ Cứu Quốc Liên khu X), Phạm Thị Mai Cương (Báo Lao Động).

Chương trình đào tạo được xây dựng rất bài bản, sát với tình hình thực tế làm báo trong kháng chiến. Học viên sau khi kết thúc khóa huấn luyện về là có thể làm báo được ngay. Nội dung huấn luyện gồm 3 phần chính: Lý thuyết, chuyên môn và thực hành. Với chương trình học đa dạng, thiết thực, học viên được học các môn kết hợp giữa lý thuyết và thực hành.

Riêng phần thực hành, Báo Cứu Quốc đã chuẩn bị các thiết bị để các học viên có thể thực hành làm báo ngay tại Trường.

Sau 3 tháng huấn luyện, lớp học bế giảng vào ngày 6/7/1949. Trong Lễ bế giảng, nhiều học viên đã được Hội đồng Trường tổ chức khen tặng do có thành tích học tập tốt, phần thưởng là những tập sách, "… đây gồm có các giải thưởng của Hồ Chủ tịch, ông Hoàng Quốc Việt, báo Vui sống, báo Phụ nữ Việt Nam và nhà trường…" (2), có các giải thưởng dành cho cá nhân và các tổ thi đua như: Giải học tập, Giải tư cách, Giải xung phong công tác chung, Giải quân sự.

Một trong 3 học viên nữ được vinh dự nhận phần thưởng trên là bà Phương Lâm, với danh hiệu "Giải viết văn có triển vọng". Đây thực sự là những phần thưởng thiết thực cho các học viên sau khi rời ghế nhà trường trở về đơn vị công tác.

Hai trong số 3 nữ học viên của Trường đều trở về công tác tại các cơ quan báo chí của phụ nữ. Bà Phương Lâm công tác tại Báo Phụ nữ Cứu Quốc Liên khu X; bà Lý Thị Trung sau về công tác tại Báo Phụ nữ Thủ đô.

Có thể nói, phần thưởng cao quý nhất dành cho các học viên là được tham gia lớp huấn luyện báo chí trong điều kiện chiến tranh đang ở giai đoạn khốc liệt; thiếu thốn, vất vả có đủ. Trường là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực báo chí đầu tiên và duy nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Việc tổ chức lớp huấn luyện kịp thời trong điều kiện đó đã ghi một mốc son tự hào trong lịch sử dân tộc giai đoạn 1945 - 1954, góp phần đặt nền móng quan trọng cho sự phát triển mạnh mẽ của nền báo chí Cách mạng nước ta.

Nhằm tri ân công ơn của thầy và trò nhà trường, năm 2019, Hội Nhà báo Việt Nam, trực tiếp là Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã xúc tiến việc công nhận địa điểm của Trường thành khu Di tích Quốc gia.

Hiện nay, công trình này tiếp tục được tu bổ, tôn tạo thành quần thể khang trang hơn, xứng đáng với sự tôn vinh và một lần nữa khẳng định những di sản báo chí to lớn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà báo Cách mạng tiền bối để lại cho các thế hệ nhà báo hôm nay.

----

(1) Báo Cứu Quốc, số 1194, thứ Sáu ngày 18.3.1949.

(2) Báo Cứu Quốc, số 1344, thứ 2 ngày 12.9.1949.

Nguyễn Thu Hiền

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nhung-nu-hoc-vien-bao-chi-dau-tien-tai-chien-khu-viet-bac-20240620164422898.htm