Nước mắt làm vợ ở xứ Hàn

Những hình ảnh về cuộc sống hoa mỹ đã từng khiến không ít phụ nữ Việt Nam tìm mọi cách để đạt được mục đích về làm dâu ở xứ Hàn. Nhưng trải qua thời gian, nhiều chị em phải gánh chịu không ít tủi hờn, thậm chí phải trả giá đắt.

Tổ chức COPION (Hàn Quốc) tặng quà một phụ nữ từng lấy chồng Hàn Quốc hồi hương hoàn cảnh khó khăn

Tổ chức COPION (Hàn Quốc) tặng quà một phụ nữ từng lấy chồng Hàn Quốc hồi hương hoàn cảnh khó khăn

Cuộc chạy trốn giữa đêm

Cách đây khoảng 10 năm, chị H.T.L. ở TP Hải Dương ly dị chồng, khi đã có 1 người con trai. Cuộc sống chốn thôn nghèo khiến chị đã nghĩ đến bước đường làm dâu nơi xứ người, mong có cơ hội thay đổi cuộc đời. Qua dịch vụ, chị đã gật đầu lấy một người đàn ông Hàn Quốc hơn mình khoảng 5 tuổi. Nhưng để đi được trót lọt, người môi giới đã giúp chị L. làm giấy tờ giả với tên gọi khác. Chỉ trong một thời gian ngắn, sau khi các thủ tục đã xong, chị L. và người đàn ông Hàn Quốc tổ chức đám cưới ở Việt Nam. Sau đó, chị L. khăn gói theo chồng về nơi xứ người, mơ đến cuộc sống ở miền đất hứa.

Thế nhưng tất cả đã trở thành ác mộng khi chị L. đặt chân đến Chungcheongnam-do. “Lúc môi giới, người ta bảo tôi là nhà anh ta có cả trang trại rộng lớn canh tác nông nghiệp. Sang đến nơi mới biết, sự rộng lớn ấy chỉ là mấy mẫu ruộng, thậm chí có chỗ còn phải cấy bằng tay, vất vả hơn ở Việt Nam nhiều”, chị L. kể.

Tiếp theo đó là liên tục những sự thất vọng của chị L., thậm chí là khiếp sợ. Đến từ một vùng đất hoàn toàn xa lạ, không hiểu ngôn ngữ, phong tục khiến chị L. vô cùng cô đơn trong nhà chồng. Theo lời kể của chị L., nhà chồng chị rất hà khắc, mọi quyền lực tập trung vào trong tay nàng dâu cả (vợ chồng chị ở cùng nhà với mẹ chồng và vợ chồng anh trai). Vì sợ chị bỏ trốn, họ bắt chị ở nhà nấu nướng cơm nước, dọn dẹp nhà cửa không cho ra ngoài. Do không hợp với khẩu vị của người Hàn Quốc nên chị không ăn được nhiều. Chị ngỏ ý muốn ăn mì tôm thì chị dâu cũng không cho. Sau khi chung sống, chị mới nhận ra rằng, chồng chị có vấn đề về sức khỏe tâm thần nên chị không thể nhờ vả được gì.

Thời gian ấy, tại Hàn Quốc, rộ thông tin có một số cô gái Việt Nam do bỏ trốn nên đã bị nhà chồng bắt lại và hành hạ dã man, có người đã thiệt mạng. Trong một lần đang nấu ăn, chị L. nghe được những người nhà chồng nói chuyện với nhau. Người chị chồng nhìn về phía chị, đe rằng nếu chị L. có ý định bỏ trốn cũng sẽ đánh chết. Quá hoảng sợ, chị L. đã cầu cứu đến người mai mối. Biết rằng không thể ở lại nhà chồng nên chị L. đã đánh cược mạng sống bằng một cuộc chạy trốn trong đêm.

Nhớ lại những ngày tháng sống trong nhà chồng ở Hàn Quốc, chị H.T.L. vẫn cảm thấy rùng mình

Nhớ lại những ngày tháng sống trong nhà chồng ở Hàn Quốc, chị H.T.L. vẫn cảm thấy rùng mình

“Đi ban ngày là mình bị bắt lại ngay. Đi ban đêm thì khi nào thấy ánh đèn sáng mình sẽ nhảy vào lùm cây ẩn nấp. Sau một đêm, tôi đã mò mẫm ra được đến đường lớn và đến nơi có người đón an toàn. Nhưng lúc đó khắp cơ thể đều bị rách toạc vì gai cứa. Dù đau nhưng tôi đã trút bỏ được nỗi sợ hãi khi sống trong nhà chồng”, chị L. rùng mình nhớ lại.

Sau khi bỏ trốn khỏi nhà chồng, chị L. làm việc chui tại một số cơ sở ở Hàn Quốc. Do là lao động bất hợp pháp nên chị L. bị chèn ép và chỉ được nhận mức lương bằng 1/3 lao động địa phương. Nhiều lần chị cũng phải tìm cách trốn sự truy lùng của chính quyền. Sau khoảng 2 năm như vậy, tiền thì không kiếm được nhiều mà cuộc sống quá bấp bênh, chị L. đành phải tìm cách hồi hương.

Nỗi buồn dai dẳng

Năm 2011, chị H.T.H. ở TP Chí Linh mới tròn 20 tuổi. Cô gái mới lớn nơi thôn quê chưa từng trải đã nhanh chóng bị cuốn vào giấc mơ lấy chồng Hàn. Sau khi được môi giới, chị H. đã kết hôn với một người đàn ông Hàn Quốc hơn mình gần 20 tuổi và theo anh ta về đảo Jeju sinh sống. Sang đến nơi, chị H. mới thực sự biết mình đã bị lừa vì mọi thứ không hề có “màu hồng” như lời của người môi giới. Đập vào mắt chị là cuộc sống đầy khó khăn của một gia đình Hàn Quốc với bố mẹ chồng làm nghề nhặt ve chai, chồng đi làm công nhân thu nhập thấp. Bị kẹt trong hoàn cảnh ấy, cuộc sống của chị H. vô cùng khó khăn, ngột ngạt.

Do không biết tiếng, chị H. không thể xin việc làm nên chỉ đành ở nhà nội trợ, phụ giúp bố mẹ chồng đi nhặt ve chai. Năm 2014, chị H. sinh con gái đầu lòng. Cuộc sống vốn đã vất vả nhưng người chồng của chị lại rất thờ ơ, không quan tâm đến vợ con. Hai vợ chồng tuy sống cùng nhà nhưng như 2 thế hệ hoàn toàn tách biệt.

Đến năm 2017, chị H. lại sinh thêm con trai thứ 2. Lần này, bi kịch đẩy lên đến đỉnh điểm, vì trong thời gian chị H. sinh con, cả gia đình chồng đều không ngó ngàng đến, bỏ mặc chị một mình trong bệnh viện. Quá tủi thân và bế tắc, chị H. đã bị trầm cảm nặng.

“Thời điểm ấy, có lúc tôi đã nghĩ đến chuyện tự tử để thoát khỏi cuộc sống bế tắc ấy. Chỉ khi nghe tiếng con khóc, tôi mới tỉnh ngộ lại, biết rằng mình cần phải sống vì các con”, chị H. tâm sự.

Đến năm 2018, quá xót thương con gái, bố mẹ chị H. đã gom tiền gửi sang cho chị H. về quê cùng với con trai. 3 năm trước, chị H. có quay lại Hàn Quốc thăm con gái, ngỏ ý muốn đưa con về Việt Nam sinh sống cho đỡ khổ. Tuy nhiên, cô bé đã quen ở với ông bà nội nên không về cùng chị.

Thành viên Tổ chức COPION (Hàn Quốc) đến thăm hỏi, tặng quà, động viên mẹ con chị H.T.H.

Thành viên Tổ chức COPION (Hàn Quốc) đến thăm hỏi, tặng quà, động viên mẹ con chị H.T.H.

Do hoàn cảnh kinh tế hiện nay của chị H. khó khăn nên chị không có điều kiện để hoàn thành các thủ tục pháp lý ly dị người chồng Hàn Quốc. Mong ước của chị H. lúc này là được sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức, đoàn thể trong nước cũng như phía Hàn Quốc để có thể sớm chấm dứt cuộc hôn nhân mai mối ấy, kết thúc hoàn toàn bi kịch từ một lần lầm lỡ của cuộc đời.

Chị L., chị H. chỉ là số ít trong số những phụ nữ Việt Nam nói chung, Hải Dương nói riêng từng lấy chồng Hàn Quốc theo con đường mai mối. Theo một thống kê vào thời điểm trước của Hàn Quốc, chỉ có khoảng 50% số phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc có cuộc sống hạnh phúc. Nhưng đó chỉ là con số khảo sát của cơ quan chức năng, còn theo chị L. và chị H. - những người trong cuộc thì con số ấy rất thấp. Bởi những người đàn ông Hàn Quốc chấp nhận lấy vợ Việt Nam qua mai mối đa phần là những người không có khả năng lấy vợ Hàn Quốc, không có kinh tế, thậm chí là hạn chế về sức khỏe, nhận thức. Với họ để xây dựng một cuộc sống hạnh phúc với người vợ hoàn toàn xa lạ, bất đồng ngôn ngữ, văn hóa… là cực kỳ khó khăn.

Dù đã trở về Việt Nam an toàn, có gia đình mới song chị L. vẫn giữ lại mọi giấy tờ và những tấm ảnh chụp cùng chồng Hàn Quốc trong ngày cưới. Chị L. bảo, chị coi đó là bài học xương máu cho mình, bài học về hạnh phúc phải xây dựng bằng tình cảm chân thành từ 2 phía chứ không phải là những mơ mộng hão huyền nơi xứ người với một người đàn ông hoàn toàn xa lạ.

NGỌC THANH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/nuoc-mat-lam-vo-o-xu-han-411010.html