Ông Trump tuyên bố đạt được thỏa thuận thương mại với Indonesia
Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo, ông đã đạt được thỏa thuận với Indonesia, theo đó hàng hóa từ nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á sẽ chịu mức thuế 19%, trong khi hàng xuất khẩu của Mỹ sẽ không bị đánh thuế.

Trao đổi các phóng viên hôm 15-7 tại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump cho biết, theo thỏa thuận mới đạt được, Indonesia sẽ trả mức thuế 19% khi bán hàng vào Mỹ. Ảnh: Bloomberg
“Indonesia sẽ phải trả mức thuế 19% và chúng tôi không phải trả bất cứ khoản thuế nào. Chúng tôi sẽ được tiếp cận hoàn toàn với thị trường Indonesia”, ông Trump nói với các phóng viên hôm 15-7 tại Nhà Trắng.
Trước đó, ông Trump đã công bố thỏa thuận này trên mạng xã hội Truth Social. Ông cho biết, ông đã làm việc trực tiếp với Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto để hoàn tất thỏa thuận.
“Theo thỏa thuận, Indonesia cam kết mua 15 tỉ đô la hàng hóa năng lượng 4,5 tỉ đô la nông sản của Mỹ và 50 máy bay Boeing, với nhiều chiếc trong số đó là Boeing 777”, ông Trump viết.
Trong tuần qua, ông Trump đã gửi thư thông báo áp thuế đối ứng tới nhiều đối tác thương mại, có hiệu lực vào ngày 1-8. Việc đạt được thỏa thuận với Mỹ giúp Indonesia tránh được mức thuế đối ứng 32% vào đầu tháng tới.
Thư ký Bộ Điều phối các vấn đề kinh tế Indonesia Susiwijono Moegiarso cho biết, Indonesia đang chuẩn bị một tuyên bố chung với Mỹ, trong đó sẽ nêu chi tiết thêm thông tin về thỏa thuận với Mỹ.
Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á trước đó đã đề xuất mức thuế gần bằng 0 đối với khoảng 70% hàng nhập khẩu của Mỹ, cũng như các thỏa thuận kinh doanh trong lĩnh vực khoáng sản, năng lượng, nông nghiệp và quốc phòng quan trọng. Dù vậy, các nhượng bộ này đã không thuyết phục được ông Trump đồng ý giảm mức thuế 32% đối với hàng hóa Indonesia.
Tổng kim ngạch thương mại giữa Indonesia và Mỹ đạt gần 40 tỉ đô la vào năm 2024 và vẫn đang tăng trưởng. Xuất khẩu của Mỹ sang Indonesia đã tăng 3,7% vào năm ngoái, trong khi nhập khẩu từ Indonesia tăng 4,8%, khiến Mỹ thâm hụt thương mại hàng hóa gần 18 tỉ đô la.
Các mặt hàng nhập khẩu hàng đầu của Mỹ từ Indonesia trong năm ngoái là dầu cọ, thiết bị điện tử, giày dép, lốp xe ô tô, cao su tự nhiên và tôm đông lạnh.
Thỏa thuận với Indonesia sẽ là khuôn khổ thương mại thứ tư mà ôngTrump công bố với các chính phủ nước ngoài, sau Việt Nam và Anh. Mỹ và Trung Quốc cũng đã đạt được một thỏa thuận đình chiến thuế quan, bao gồm việc nối lại hoạt động thương mại khoáng sản quan trọng và công nghệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Hàng loạt các mối đe dọa thuế quan của Mỹ bao gồm thuế quan theo ngành áp vào lĩnh vực chip, dược phẩm và kim loại đồng đã thúc đẩy các nước mở rộng các quan hệ thương mại để giảm phụ thuộc vào Mỹ. Indonesia đã đạt được một thỏa thuận kinh tế tạm thời với Liên minh châu Âu (EU) vào cuối tuần trước.
Các nước khác trong khu vực Đông Nam Á bao gồm Thái Lan vẫn đang trong quá trình đàm phán và cân nhắc cách thuyết phục Mỹ giảm mức thuế quan đối ứng mà mà không nhượng bộ quá nhiều và gây ra bất ổn trong nước.
Các quan chức Philippines cũng đang nỗ lực để đạt được thỏa thuận với Mỹ trước thời hạn 1-8. Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. có kế hoạch đến thăm Washington vào cuối tháng này trong nỗ lực giảm hoặc xóa bỏ mức thuế quan 20% mà Trump dự kiến áp dụng đối với quốc đảo này.
Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của EU, chuẩn bị nhắm mục tiêu vào 72 tỉ euro hàng hóa xuất khẩu của Mỹ sang khối này hàng năm nếu đàm phán thương mại với Washington thất bại.
Ông Trump đang đe dọa áp thuế 30% đối với hàng nhập khẩu từ EU từ ngày 1-8 nếu EU không đạt được thỏa thuận với Mỹ trước thời hạn này.
Sau cuộc họp ở Brussels (Bỉ) hôm 14-7, các quan chức thương mại EU cho biết vẫn đang nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận để tránh đòn thuế quan nặng nề của ông Trump.
Tuy nhiên, Cao ủy Thương mại EU Maros Sefcovic nhấn mạnh, các quan chức tham dự cuộc họp đã bày tỏ quyết tâm chưa từng có trong việc bảo vệ các doanh nghiệp EU bằng các biện pháp đối trả đụa nếu cuộc đàm phán với Washington bế tắc.
Theo Bloomberg, Reuters