Phát triển đội ngũ và hoàn thiện thể chế, chính sách đối với nhà giáo
Công tác phát triển đội ngũ và hoàn thiện chính sách đối với nhà giáo năm học 2024-2025 được báo cáo tại Hội nghị Giám đốc Sở GD&ĐT 2025.

Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục báo cáo tại Hội nghị Giám đốc Sở GD&ĐT năm 2025.
Đội ngũ nhà giáo ngày càng được quan tâm phát triển
Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho biết: Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là một trong những yếu tố then chốt bảo đảm cho sự thành công của việc triển khai Chương trình giáo dục mầm non, phổ thông đã được Bộ GD&ĐT quan tâm, triển khai nghiêm túc.
Thực hiện các quy định của pháp luật theo thẩm quyền và chức năng quản lý nhà nước, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát, báo cáo đề xuất Trung ương bổ sung 10.304 biên chế giáo viên năm học 2024-2025. Đây là số biên chế còn lại trong tổng số 65.980 biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương trong giai đoạn 2022 - 2026.
Bộ GD&ĐT đồng thời chỉ đạo các địa phương thực hiện công tác quản lý biên chế, tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện để các địa phương tiếp tục thực hiện tuyển dụng giáo viên khi sắp xếp bộ máy thực hiện chính quyền 2 cấp, giải quyết khó khăn về thiếu giáo viên, hỗ trợ các cơ sở giáo dục có đủ điều kiện triển khai Chương trình giáo dục mầm non, phổ thông theo quy định.
Căn cứ hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các địa phương đã tích cực tổ chức tuyển dụng và đã đạt được kết quả nhất định.
Cụ thể, năm học 2024 - 2025 (tính đến tháng 5/2025), các địa phương đã tuyển dụng được 19.246 giáo viên cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.
Đến nay, đội ngũ nhà giáo cơ bản đáp ứng được về số lượng, khắc phục dần những bất cập về cơ cấu. Tính đến hết năm học 2024-2025, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông là 1.273.355 giáo viên mầm non, phổ thông (tăng 21.978 giáo viên so với năm học 2023 - 2024) và 98.903 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông (giảm 509 cán bộ quản lý so với năm học 2023 - 2024).
Cũng tính đến hết năm học 2024-2025, tỷ lệ đạt chuẩn được đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 của giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non là 90,5%, cấp tiểu học là 91,9%, cấp THCS là 94,8%, THPT 99,9%.
So với năm học 2023-2024, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 ở cấp mầm non tăng thêm 1,2%, cấp tiểu học tăng thêm 2,0%, cấp THCS tăng thêm 1,0%.
Việc đào tạo nâng chuẩn trình độ theo Nghị định số 71 đã được triển khai vượt các chỉ tiêu theo lộ trình.
Đội ngũ giáo viên luôn được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực, triển khai Chương trình giáo dục mầm non, phổ thông. Trong năm học vừa qua, Bộ GD&ĐT đã triển khai một số hoạt động, chỉ đạo các địa phương thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Các địa phương cũng đã triển khai công tác bồi dưỡng thường xuyên giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông theo đúng quy định.
Năng lực sư phạm của nhà giáo được nâng lên, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới nội dung, phương pháp dạy học triển khai thực hiện chương trình giáo dục mầm non, phổ thông.
Đội ngũ cán bộ quản lý phần lớn đều là các nhà giáo giỏi được điều động sang làm công tác quản lý, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, cơ bản đáp ứng được công tác lãnh đạo và quản lý ở các cơ sở giáo dục và các cơ quan quản lý giáo dục.
Về hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với nhà giáo, trong năm học 2024-2025, Bộ GD&ĐT đã tập trung xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật Nhà giáo. Đây là văn bản pháp lý có giá trị cao nhất, đã luật hóa các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển đội ngũ nhà giáo. Luật Nhà giáo được thông qua là cột mốc quan trọng, mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành giáo dục nước nhà, nơi đội ngũ nhà giáo được tôn vinh, bảo vệ và phát triển đúng với vai trò nòng cốt của họ trong sự nghiệp "trồng người".
Cùng với việc xây dựng Luật Nhà giáo, Bộ GD&ĐT đồng thời triển khai hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy pháp luật liên quan đáp ứng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Các chế độ, chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, việc chi trả tiền lương và các chế độ phụ cấp, công tác bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp, thăng hạng chức danh nghề nghiệp, công tác tôn vinh, khen thưởng nhà giáo… về cơ bản vẫn được các địa phương được thực hiện theo quy định, bảo đảm quyền lợi cho nhà giáo, kịp thời ghi nhận, động viên, khuyến khích nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp.
Bên cạnh các chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, chính sách thu hút học sinh giỏi vào ngành sư phạm, Đảng và Nhà nước quan tâm chăm lo tới đội ngũ nhà giáo, với nhiều chính sách hỗ trợ ngoài lương để nhà giáo tăng thêm thu nhập.
Việc điều chỉnh bảng lương áp dụng đối với giáo viên mầm non, tiểu học, THCS tương ứng với việc nâng trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định tại Luật Giáo dục 2019 đã giúp cho giáo viên mới ra trường tăng thêm thu nhập, giáo viên thăng hạng được chuyển xếp sang bảng lương có hệ số chênh lệch giữa các bậc lương cao hơn và có dải lương kéo dài hơn.
Ngoài áp dụng các chính sách chung của Nhà nước, nhiều địa phương và các cơ sở giáo dục có các chính sách riêng để thu hút, hỗ trợ nhà giáo.

Thừa, thiếu giáo viên còn phổ biến tại nhiều địa phương
Về tồn tại, hạn chế, ông Vũ Minh Đức cho biết, tại các địa phương, biên chế sự nghiệp giáo dục được giao không được tổ chức tuyển dụng hết. Nhiều địa phương dành lại biên chế được giao để thực hiện tinh giản biên chế 10% làm tình trạng thiếu giáo viên càng chậm được khắc phục.
Việc sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục là một thách thức lớn đối với ngành giáo dục, cần có lộ trình phù hợp.
Tỷ lệ bình quân giáo viên/lớp ở một số địa phương thấp, khó đảm bảo chất lượng giáo dục khi giáo viên phải làm việc nhiều hơn định mức nhiều. Một số địa phương còn bị động trong tuyển dụng giáo viên do thiếu nguồn tuyển để dạy một số môn học đặc thù (Ngoại ngữ, Tin học, Nghệ Thuật…).
Mức độ sẵn sàng và tinh thần vượt khó trong đổi mới của một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên còn hạn chế; chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục không đồng đều, đặc biệt là ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, còn khoảng cách lớn so với các vùng thuận lợi.
Tình trạng thừa, thiếu giáo viên còn diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn học mới (các môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật) nhưng chậm được khắc phục
Cơ cấu đội ngũ nhà giáo còn mất cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau. Chỉ tiêu phân bổ giáo viên cho các địa phương đa số thấp hơn so với nhu cầu thực tế. Tỷ lệ giáo viên/lớp ở các cấp học đều thấp hơn định mức quy định của Bộ GD&ĐT.
Một bộ phận nhỏ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục ngại đổi mới, chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của công tác bồi dưỡng thường xuyên nên việc bồi dưỡng còn hình thức, đối phó, thời gian dành cho việc tự học, tự bồi dưỡng còn hạn chế. Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục không đồng đều, đặc biệt là ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, còn khoảng cách lớn so với các vùng thuận lợi.
Kho học liệu đã được xây dựng trên hệ thống TEMIS, tuy nhiên số lượng học liệu được số hóa còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu bồi dưỡng, tự bồi dưỡng của giáo viên trên nền tảng công nghệ số hiện nay.