Phát triển thương mại điện tử theo hướng 'Made in Vietnam'
Từ một doanh nghiệp gia đình nhỏ chuyên sản xuất trái cây sấy và gia vị khởi nghiệp năm 2013 với vốn chỉ 4 triệu đồng, bà Võ Thị Hoàng Vân - nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành V. KAUS chia sẻ, doanh nghiệp đã vươn mình trở thành câu chuyện thành công trong ngành F&B (Thực phẩm và Đồ uống) toàn cầu nhờ tận dụng nền tảng thương mại điện tử.
Nắm bắt thời cơ từ kinh tế số
Bắt đầu với những đơn hàng nhỏ lẻ, rải rác, nhưng nhờ sự kiên trì và chiến lược rõ ràng, doanh nghiệp đã từng bước đạt được những hợp đồng xuất khẩu trị giá hàng triệu USD. Trong đó, có đến 2,5 triệu USD đến từ xuất khẩu thông qua sàn Alibaba kể từ năm 2024 đến nay. Công ty đặt mục tiêu tăng gấp đôi doanh thu xuất khẩu trong 12 tháng tới, đồng thời phát triển các kênh bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng tại các thị trường mục tiêu trọng điểm.
Thương mại điện tử xuyên biên giới đang ngày càng rộng mở với doanh nghiệp Việt được đầu tư bài bản, chuyên nghiệp và biết nắm bắt cơ hội. Được thành lập vào năm 2017 tại Bình Dương, Công ty TNHH Sukavina cung cấp danh mục sản phẩm đa dạng, bao gồm nội thất gỗ và kim loại, giường tầng, kệ trang trí, xe đẩy hàng và các linh kiện cơ khí theo yêu cầu. Thông qua việc tập trung chiến lược vào phân khúc B2B toàn cầu qua nền tảng điện tử xuyên biên giới, Sukavina đã mở rộng thị trường sang các khu vực trọng điểm như Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia, ký thành công các đơn hàng trị giá hàng triệu USD.
Với sự đồng hành, hỗ trợ từ các bộ, ngành, địa phương, hiện nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang từng bước tận dụng hiệu quả các nền tảng thương mại điện tử toàn cầu như Alibaba, Amazon, TikTok Shop… để đưa sản phẩm “Made in Vietnam” đến với người tiêu dùng quốc tế. Chỉ tính riêng trên sàn Amazon, trong 5 năm qua, lượng sản phẩm bán ra từ các đối tác Việt Nam tăng hơn 300%; số lượng nhà bán hàng Việt Nam đăng ký thương hiệu trên Amazon tăng gấp 35 lần.
Theo Bộ Công Thương, kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2026 - 2030 được xác định tại Quyết định số 1568/QĐ-BCT ngày 3/6/2025 của Bộ trưởng Bộ Công Thương. Trong đó, mục tiêu là tập trung vào nâng cao năng lực cạnh tranh và không ngừng mở rộng quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam. Tăng cường tiêu thụ sản phẩm Việt Nam thông qua thương mại điện tử, mở ra thị trường rộng lớn hơn cho hàng hóa nội địa cả trong và ngoài nước, đồng thời đẩy mạnh giao dịch xuyên biên giới. Bên cạnh đó, thu hẹp khoảng cách phát triển thương mại điện tử giữa các địa phương, đảm bảo lợi ích của thương mại điện tử được phân bổ đồng đều, không chỉ tập trung ở các thành phố lớn; Phát triển thương mại điện tử theo hướng xanh, tuần hoàn và bền vững, hướng đến một nền kinh tế hiệu quả, góp phần xây dựng xã hội công bằng và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Người dân ngày càng ưa chuộng mua sắm trực tuyến, nhất là các sản phẩm “Made in Vietnam”
Định vị giá trị riêng trên trường quốc tế
Những tín hiệu tích cực này cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam đang nắm bắt khá tốt cơ hội xuất khẩu qua thương mại điện tử, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế số quốc gia. Tuy nhiên, thách thức đặt ra, nhất là với doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng không ít. Đó là nguồn nhân lực vận hành về thương mại điện tử còn yếu; thiếu thông tin về xu hướng và các quy định liên quan của thị trường nước ngoài; các kỹ năng, kiến thức xây dựng chiến lược kinh doanh, thương hiệu và bảo vệ thương hiệu trong thương mại điện tử xuyên biên giới còn nhiều hạn chế…
Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Nguyễn Thị Minh Huyền cho rằng, để giải quyết những khó khăn, thách thức trên, cần có sự chung tay của cơ quan quản lý, các sàn thương mại điện tử lớn, các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ và doanh nghiệp. Kế hoạch quốc gia cũng đã định hướng 6 nhóm giải pháp trọng tâm là xây dựng và hoàn thiện thể chế; Hoàn thiện hạ tầng cho thương mại điện tử bền vững; Xây dựng các nền tảng, hệ thống cốt lõi; Tăng cường liên kết vùng trong thương mại điện tử; Nâng cao năng lực ứng dụng thương mại điện tử; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong thương mại điện tử.
Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam Gijae Seong cho biết, Amazon Global Selling sẽ phối hợp cùng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số định hình lộ trình giúp các doanh nghiệp Việt Nam phát triển và khai thác tiềm năng xuất khẩu qua thương mại điện tử. Kế hoạch này tập trung vào 4 lĩnh vực trọng tâm, gồm: Phát triển nhân lực thương mại điện tử xuyên biên giới cho Việt Nam; Thúc đẩy hệ sinh thái dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới; Kết nối và tăng cường nội lực cho sản xuất địa phương; Quảng bá thương hiệu Việt Nam ra thế giới.
Từ góc nhìn chuyên gia, PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng (Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, doanh nghiệp cần làm mới mình thông qua chuẩn hóa, số hóa toàn bộ sản phẩm; đồng thời phải có chứng chỉ chất lượng, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn và công nghệ theo yêu cầu của các sàn quốc tế. Do đó, cần tập trung xây dựng các nền tảng thương mại điện tử “Made in Vietnam” lớn mạnh, theo hướng giá rẻ, dễ tiếp cận để kết nối tốt hơn với các thị trường lớn như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào các nền tảng nước ngoài.
Cùng chung nhận định này, PGS. TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cũng khuyến nghị, cần xây dựng thương hiệu quốc gia và thương hiệu riêng. Việc xây dựng thương hiệu “Made by Vietnam” thay vì chỉ là “Made in Vietnam” sẽ giúp hàng hóa Việt Nam định vị được giá trị riêng, nâng cao quyền định giá và sự tin cậy từ thị trường quốc tế. Đồng thời, việc mở rộng hợp tác với các hiệp hội tiêu chuẩn quốc tế sẽ tạo bàn đạp để doanh nghiệp tiếp cận các yêu cầu khắt khe, mở rộng thị trường và nâng tầm sản phẩm, từ đó gia tăng giá trị thương hiệu hàng hóa Việt trong xuất khẩu.