Phê duyệt quy hoạch Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Phật Tích

Quy hoạch nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Phật Tích; bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, các di vật, bảo vật quốc gia và các giá trị di sản văn hóa phi vật thể gắn với di tích.

Toàn cảnh Chùa Phật Tích. Nguồn: LDO.

Toàn cảnh Chùa Phật Tích. Nguồn: LDO.

Phó Thủ tướng Mai Văn Chính vừa ký Quyết định số 757 ngày 14/4/2025 phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Phật Tích, tỉnh Bắc Ninh.

Mục tiêu quy hoạch nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc - nghệ thuật của Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Phật Tích; bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái, các di vật, bảo vật quốc gia và các giá trị di sản văn hóa phi vật thể gắn với di tích.

Đồng thời, hình thành điểm du lịch văn hóa, tín ngưỡng và cảnh quan sinh thái của tỉnh Bắc Ninh và toàn vùng châu thổ sông Hồng; kết nối di tích với các điểm tham quan, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh và vùng phụ cận để tạo chuỗi sản phẩm du lịch phong phú, đặc sắc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tăng diện tích khu vực bảo vệ của Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Phật Tích

Một trong những nội dung chính trong quy hoạch là điều chỉnh quy mô khu di tích. Theo đó, điều chỉnh tăng diện tích khu vực bảo vệ của Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Phật Tích, nhằm khắc phục những hạn chế hiện có, bảo vệ toàn diện yếu tố gốc, mở rộng không gian cảnh quan, văn hóa truyền thống và nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ di tích.

Cụ thể, điều chỉnh tăng diện tích Khu vực bảo vệ I thành 1,28 ha (tăng 0,05 ha so với diện tích được xác định trong hồ sơ khoa học xếp hạng di tích); điều chỉnh tăng diện tích Khu vực bảo vệ II thành 15,24 ha (tăng khoảng 14,46 ha so với diện tích được xác định trong hồ sơ khoa học xếp hạng di tích).

Quy hoạch các phân khu chức năng

Theo quy hoạch, vùng bảo vệ di tích có diện tích 16,52 ha, gồm:

Khu vực bảo vệ I (diện tích 1,28 ha) là khu vực bảo vệ nghiêm ngặt các yếu tố gốc của di tích; gồm các công trình hiện hữu: Gác chuông, tam bảo (tiền đường, thiêu hương, chân tháp cổ, thượng điện), hậu đường, hai dãy hành lang, phủ chúa, nhà tổ, nhà mẫu, giảng đường và trai đường, ao rồng, vườn tháp, nhà soạn lễ, quan âm viện, nhà khách.

Khu vực bảo vệ II (diện tích 15,24 ha) là khu vực bảo vệ cảnh quan và phát huy giá trị tích; gồm: núi Phật Tích (tính từ độ cao 33 m theo mực nước biển trở lên), tứ trụ, hồ nước (hồ Đông, hồ Tây), các công trình hiện hữu (gồm: giếng rồng, nhà trưng bày di tích, nhà tăng, nhà bếp, nhà vệ sinh, sân di tích); công trình đình làng Phật Tích (phục dựng).

Vùng phát huy giá trị di tích có diện tích 8,43 ha: bố trí các cơ sở dịch vụ và không gian công cộng phục vụ khách du lịch và người dân địa phương.

Vùng đệm bảo vệ cảnh quan di tích có diện tích 8,71 ha: là các khu vực còn lại thuộc núi Phật Tích (tính từ độ cao 33 m theo mực nước biển trở xuống đến ranh giới quy hoạch); có biện pháp bảo vệ, tôn tạo để hình thành vùng đệm cảnh quan sinh thái gắn với bảo vệ thiên nhiên và phát triển du lịch bền vững.

Cũng theo quy hoạch vừa được phê duyệt, về quy hoạch tổ chức không gian bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích: bảo vệ nguyên trạng các di tích gốc, các di vật, cổ vật, bảo vật thuộc di tích. Giữ gìn cảnh quan tự nhiên, cảnh quan văn hóa, môi trường sinh thái của di tích gắn với bảo vệ núi Phật Tích.

Tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích trên cơ sở tài liệu, tư liệu lịch sử, hồ sơ khoa học của di tích, bảo đảm yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể gắn với di tích.

Các công trình xây dựng mới nhằm phát huy giá trị di tích phải bảo đảm quy mô phù hợp với tổng thể không gian của di tích, không ảnh hưởng đến kiến trúc cảnh quan chung, không tác động xấu đến di tích và các hoạt động, sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng tại di tích.

Pho tượng Phật A Di Đà bằng đá xanh nguyên khối nặng 3.000 tấn, cao 27 m. Nguồn: LDO.

Pho tượng Phật A Di Đà bằng đá xanh nguyên khối nặng 3.000 tấn, cao 27 m. Nguồn: LDO.

Định hướng phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch

Về định hướng phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch, tập trung thu hút thị trường khách gần như khách nội tỉnh, khách từ thủ đô Hà Nội và khách từ các tỉnh lân cận. Chú trọng khách du lịch lễ hội, sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng và khách du lịch cuối tuần.

Sản phẩm du lịch chủ yếu là du lịch tham quan, tìm hiểu giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương và thiên nhiên vùng núi Phật Tích; du lịch chuyên đề gắn với hoạt động trải nghiệm sinh hoạt tôn giáo, văn hóa dân gian.

Du lịch lễ hội, đa dạng hóa các hoạt động trong lễ hội truyền thống Chùa Phật Tích. Phát triển các sự kiện văn hóa, du lịch gắn với các lễ hội dân gian, lễ hội truyền thống địa phương.

Bên cạnh đó, hình thành tuyến du lịch chuyên đề chùa cổ Việt Nam kết nối Chùa Phật Tích với Chùa Dâu, Chùa Bút Tháp (Thuận Thành); Chùa Tiêu (Từ Sơn),... các tuyến du lịch lễ hội, du xuân; tuyến du lịch sông Đuống...

Chùa Phật Tích (còn gọi là Chùa Vạn Phúc) là một ngôi chùa nằm ở sườn phía Nam núi Phật Tích (còn gọi núi Lạn Kha, non Tiên), xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Trong chùa có tượng đức Phật bằng đá thời nhà Lý lớn nhất Việt Nam.

Theo tài liệu cổ thì chùa Phật Tích được khởi dựng vào năm Long Thụy Thái Bình thứ 4 (năm 1057) với nhiều tòa ngang dãy dọc. Chùa được xây dựng vào thời nhà Lý do Lý Thánh Tông xây dựng nên.

Vào thời nhà Lê, năm Chính Hòa thứ bảy đời vua Lê Hy Tông, năm 1686, chùa được xây dựng lại với quy mô rất lớn, có giá trị nghệ thuật cao và đổi tên là Vạn Phúc Tự. Người có công trong việc xây dựng này là Bà Chúa Trần Ngọc Am - đệ nhất cung tần của Chúa Thanh Đô Vương Trịnh Tráng, khi bà đã rời phủ Chúa về tu ở chùa này.

Sự thịnh vượng của chùa Phật Tích cũng chỉ tồn tại sau đó được gần 300 năm. Kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ và chùa bị tàn phá nhiều. Chùa đã bị quân đội Pháp đốt cháy hoàn toàn vào năm 1947.

Khi hòa bình lập lại từ năm 1954 đến nay, Chùa Phật Tích được khôi phục dần. Năm 1959, Bộ Văn hóa cho tái tạo lại 3 gian chùa nhỏ làm nơi đặt pho tượng A Di Đà bằng đá quý.

Ngày 28/4/1962, Chùa Phật Tích được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa tại Quyết định số 313 của Bộ Văn hóa và được Thủ tướng Chính phủ ký và xếp hạng 62 trong các Di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam.

Thu Thảo

Theo Cổng TTĐT Chính phủ

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/phe-duyet-quy-hoach-di-tich-quoc-gia-dac-biet-chua-phat-tich-40405.html