Rộn ràng 'Vũ điệu kết đoàn'

'Vũ điệu kết đoàn' - tác phẩm thể hiện tình đoàn kết dân tộc, do đồng chí Tòng Thị Phóng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội sáng tác, đã và đang được lan tỏa rộng khắp, hiện diện trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc Sơn La.

Cứ 20 giờ hàng ngày, nơi sinh hoạt văn nghệ quen thuộc của Câu lạc bộ khiêu vũ tổ 3, phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La, lại ngân vang “Vũ điệu kết đoàn”. Trên nền nhạc cuốn hút, các hạt nhân văn nghệ say sưa thể hiện từng động tác, vừa uyển chuyển, tinh tế, vừa khỏe khoắn, sinh động.

Tập huấn, truyền dạy tác phẩm múa "Vũ điệu kết đoàn".

Tập huấn, truyền dạy tác phẩm múa "Vũ điệu kết đoàn".

Chị Lê Thị Hương Liên, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ, chia sẻ: Thời gian gần đây, chúng tôi thường xuyên tập bài “Vũ điệu kết đoàn” để chuẩn bị cho các chương trình văn hóa, văn nghệ sắp tới của tổ, đặc biệt là chương trình chào Xuân mới. Các động tác múa và giai điệu âm nhạc vừa quen thuộc, vừa mới mẻ, hấp dẫn, mang lại cho người tập sự hứng khởi, vui tươi.

Dường như không có khoảng cách, vũ điệu thu hút mọi người ở nhiều độ tuổi, ngành nghề khác nhau tham gia tập luyện. Với bà Nguyễn Thị Hoa, hội viên cao tuổi nhất của CLB, tác phẩm đã để lại cho bà nhiều cảm xúc đặc biệt. Bà Hoa chia sẻ: Từ khi xem “Vũ điệu kết đoàn” trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi đã thấy rất yêu thích. Năm nay, tôi đã hơn 70 tuổi, nhưng tôi học theo rất nhanh, bởi các động tác dễ tập, dễ nhớ. Tôi cũng rất tự hào khi mà vùng đất và con người Sơn La được quảng bá qua tác phẩm của bà Tòng Thị Phóng.

Những ngày này, “Vũ điệu kết đoàn” cũng đang rộn ràng trên nhiều bản làng của huyện vùng cao Bắc Yên. Được biết, sau khi được đơn vị cử tham gia lớp tập huấn bước 1 của tỉnh, chị Vì Thì Đức, Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện Bắc Yên trở về đã truyền dạy vũ điệu trên địa bàn. Chị Đức cho biết: Chúng tôi vừa tham gia phổ biến vũ điệu cho các hạt nhân văn nghệ tại 5 xã vùng cao Tà Xùa, Làng Chếu, Xím Vàng, Háng Đồng và Hang Chú. Sau đó, các hạt nhân văn nghệ sẽ về các bản để tiếp tục hướng dẫn cho bà con. Vũ điệu đã được đông đảo người dân đón nhận và hào hứng luyện tập.

Luyện tập "Vũ điệu kết đoàn".

Luyện tập "Vũ điệu kết đoàn".

Cứ vậy, từ vùng thấp đến vùng cao, từ nông thôn tới thành thị, trong nhịp sống văn hóa tinh thần của bà con các dân tộc Sơn La, nơi đâu cũng hiện diện “Vũ điệu kết đoàn” – tác phẩm nghệ thuật đặc biệt, được tác giả Tòng Thị Phóng sáng tác bằng những tình cảm, tâm huyết của một người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Sơn La giàu truyền thống cách mạng, thắm đượm tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em.

Là nghệ sĩ được tiếp nhận ý tưởng từ tác giả, tham gia dàn dựng, biên đạo tác phẩm, Nghệ sĩ ưu tú Phạm Hồng Thu, Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc Sơn La cho rằng, nét độc đáo của tác phẩm là sự hội tụ những điệu múa dân gian đặc sắc của 12 dân tộc sinh sống tại Sơn La, cùng những nét đẹp văn hóa của các dân tộc Việt Nam và thế giới. Tác phẩm được dàn dựng và phát trên sóng truyền hình với thời lượng chỉ gần năm phút, nhưng chứa đựng dung lượng lớn về ngôn ngữ múa của các dân tộc, tích hợp sự giao thoa về văn hóa nói chung, nghệ thuật múa nói riêng. Như điệu au eo của người Khơ Mú, điệu múa hái bông của người Mường, nghệ thuật chèo của đồng bằng Bắc bộ... Có những động tác tích hợp ngôn ngữ múa phương Tây, như trong bước nhảy của Đông Âu, chào xòe tay của các nền văn hóa tiên tiến của các nước Pháp, Đức.

Tháng 11/2021, tác phẩm “Vũ điệu kết đoàn” đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả. Với mong muốn tác phẩm cùng thông điệp ý nghĩa được lan tỏa sâu rộng, các sở, ngành, địa phương của tỉnh Sơn La đã tích cực triển khai kế hoạch ghi hình, sản xuất và phổ biến tác phẩm “Vũ điệu kết đoàn”.

Ông Trần Tân Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sơn La, cho biết: Chúng tôi đã phối hợp với sở, ngành, đơn vị chuyên môn triển khai ghi hình tác phẩm, xây dựng các video clip, phóng sự tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức tập huấn, truyền dạy cho cán bộ văn hóa, hạt nhân văn nghệ của 12 huyện, thành phố. Đồng thời, chuẩn bị cho việc in và phát hành khoảng 1.000 đĩa. Chỉ một thời gian ngắn, “Vũ điệu kết đoàn” đi vào lòng người một cách tự nhiên bằng chính những giá trị mà nó hàm chứa, có sức sống mạnh mẽ trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc tỉnh Sơn La.

Mùa xuân mới đang về, “Vũ điệu kết đoàn” ngày ngày lan tỏa, là món ăn tinh thần đặc biệt, là thông điệp kết nối tình đoàn kết, là niềm tự hào của cộng đồng các dân tộc Sơn La và sẽ lan tỏa tới mọi miền Tổ quốc và thế giới.

Lê Hạnh

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/ron-rang-vu-dieu-ket-doan-47527