Sau nhiều năm, metro số 2 vẫn vướng 1 mặt bằng

Dự án tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương sau nhiều năm nỗ lực giải phóng mặt bằng hiện vẫn vướng 1 trường hợp.

Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) vừa có văn bản gửi Sở Tài chính TP.HCM báo cáo tình hình, kết quả kinh tế - xã hội tháng 5, nhiệm vụ tháng 6.

Theo đó, MAUR cũng báo cáo về tiến độ tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương). Cụ thể, tuyến metro số 2 có tỉ lệ bàn giao mặt bằng đạt 584/585 trường hợp. Hiện còn duy nhất 1 trường hợp là đất công ở quận 3 còn vướng thủ tục pháp lý bàn giao. Công an TP đã thống nhất hỗ trợ mặt bằng để thực hiện công tác di dời hạ tầng kỹ thuật tại phạm vi ngoài rào.

 Sau nhiều năm, metro số 2 vẫn vướng 1 mặt bằng. Ảnh: ĐT

Sau nhiều năm, metro số 2 vẫn vướng 1 mặt bằng. Ảnh: ĐT

Cạnh đó, công tác di dời hạ tầng kỹ thuật tuyến metro số 2 đang được tích cực triển khai các hạng mục như điện, cấp nước, thoát nước, biển báo, chiếu sáng, đèn tín hiệu giao thông... tại 12/12 vị trí.

Dự án metro số 2 có 8 gói thầu xây lắp chính. Đến nay, gói thầu CP1 - xây dựng tòa nhà văn phòng và các công trình phụ trợ tại Depot Tham Lương đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. 7 gói thầu chính còn lại đang được cập nhật, rà soát điều chỉnh.

Về thủ tục dừng vốn ODA của dự án theo Luật Đầu tư công, UBND TP đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc dừng vốn ODA. Thay vào đó, TP sẽ sử dụng vốn đầu tư công để thực hiện. Đến nay, Ban Thường vụ Thành ủy đã thống nhất theo đề xuất của Ban cán sự đảng UBND TP.HCM.

Đặc biệt, tuyến metro số 2 sẽ áp dụng cơ chế đặc thù, đặc biệt từ Nghị quyết 188 của Quốc hội. Dự kiến, TP.HCM sẽ khởi công dự án này vào tháng 12-2025.

MAUR cho biết khó khăn lớn nhất hiện nay của dự án metro số 2 là công tác giải phóng mặt bằng, quản lý di dời hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là không gian thi công rất chật hẹp... ảnh hưởng đến tiến độ.

Trước thực trạng trên, MAUR kiến nghị UBND quận 3 tiếp tục hoàn tất công tác bàn giao mặt bằng và quản lý, triển khai thi công các hạng mục di dời hạ tầng kỹ thuật.

Bên cạnh đó, MAUR tiếp tục phối hợp với các bên liên quan trong quá trình thực hiện thủ tục chuyển đổi nguồn vốn, thu xếp vốn của dự án. Đồng thời, tiếp tục điều chỉnh khối lượng công việc, giá gói thầu của một số hợp đồng Tư vấn của dự án, ý kiến của Sở Tài chính về việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch lựa chọn nhà thầu của dự án.

Dự án metro số 2 được phê duyệt từ năm 2010 với tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 1,3 tỉ USD (tương đương 26.000 tỉ đồng). Đến năm 2019, tổng mức đầu tư đã được điều chỉnh tăng lên hơn 2 tỉ USD (tương đương 47.900 tỉ đồng).

TP.HCM đang hoàn thiện thủ tục chuyển đổi nguồn vốn từ sử dụng ODA sang đầu tư công. Sau đó, TP sẽ tổ chức đấu thầu và khởi công dự án vào cuối năm 2025. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác vào cuối năm 2030.

Tuyến metro số 2 là tuyến đường sắt đô thị thứ hai của TP.HCM, sau metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Đặc biệt, dự án này sẽ thực hiện theo Nghị quyết 188 với nhiều cơ chế đặc thù.

Hiện nay, có một liên danh nhà thầu DCH quan tâm tới tuyến metro số 2. Liên danh này vừa có văn bản gửi UBND TP xin được đầu tư các tuyến đường sắt đô thị tại TP.HCM. Đáng chú ý, đơn vị này xin tham gia vào các dự án đường sắt sẽ khởi công trong năm 2025, thực hiện theo đúng Nghị quyết 68/NQ-TW về Phát triển kinh tế tư nhân.

ĐÀO TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/sau-nhieu-nam-metro-so-2-van-vuong-1-mat-bang-post851856.html