Sớm đưa Đắk Nông thành tỉnh phát triển khá

Quy hoạch Đắk Nông xác định mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành địa phương có nền kinh tế năng động và bền vững của vùng Tây Nguyên vào năm 2025

Ngày 5-4, tại hội nghị thẩm định quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là quy hoạch tỉnh Đắk Nông) diễn ra ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết Đắk Nông là địa phương thứ 31 của cả nước và là tỉnh đầu tiên của vùng Tây Nguyên hoàn thiện hồ sơ và đủ điều kiện để Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh thẩm định.

Xác định 3 trụ cột

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, Đắk Nông phải coi việc lập quy hoạch tỉnh lần này là cơ hội quan trọng để rà soát, đánh giá nguồn lực phát triển, xác định vấn đề mấu chốt, điểm nghẽn ảnh hưởng đến phát triển tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Qua đó đề ra các mục tiêu, chiến lược và phân bổ không gian phát triển, phân bổ nguồn lực cho thời kỳ quy hoạch.

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười nhìn nhận tỉnh còn nhiều khó khăn, chưa phát huy được hết các tiềm năng, lợi thế. Do đó, trong công tác lập quy hoạch mới, tỉnh đã tổ chức nghiên cứu công phu, nghiêm túc để xác định các trụ cột, điểm đột phá. Theo ông Hồ Văn Mười, cơ quan chủ trì đã phân tích, xây dựng dựa trên hệ thống thông tin, dữ liệu đầy đủ, đáng tin cậy về hiện trạng, tiềm năng và khả năng phát triển, bảo đảm tính khả thi cho giai đoạn tới.

Báo cáo của UBND tỉnh Đắk Nông cho biết quy hoạch xác định mục tiêu xây dựng Đắk Nông trở thành địa phương có nền kinh tế năng động và bền vững của vùng Tây Nguyên vào năm 2025. Xác định công nghiệp là động lực cho tăng trưởng, đưa Đắk Nông trở thành trung tâm công nghiệp bô-xít - nhôm và sau nhôm của quốc gia; là trung tâm năng lượng tái tạo của vùng Tây Nguyên. Phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Tây Nguyên. Về nguồn lực thực hiện quy hoạch, tỉnh Đắk Nông xác định khu vực ngoài nhà nước chiếm khoảng 80% và khu vực nhà nước chiếm khoảng 20%.

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông xác định 3 đột phá, gồm: Tổ hợp công nghiệp bô-xít - nhôm - luyện kim và công nghiệp năng lượng sạch; nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với thị trường; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với cảnh quan thiên nhiên, cộng đồng và công viên địa chất. Bên cạnh việc phát triển, nâng cấp các đô thị, quy hoạch định hướng hình thành 4 hành lang kinh tế, gồm: Đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14) và trục cao tốc Ngọc Hồi (Kon Tum) - Chơn Thành (Bình Phước); trục hành lang Bắc - Nam phía Tây Đắk Nông là Quốc lộ 14C, hành lang an ninh kinh tế mậu biên; Quốc lộ 28 - trục hành lang kinh tế đô thị du lịch - thương mại - dịch vụ.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chủ trì hội nghị thẩm định quy hoạch tỉnh Đắk Nông. Ảnh: ĐỨC TRUNG

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chủ trì hội nghị thẩm định quy hoạch tỉnh Đắk Nông. Ảnh: ĐỨC TRUNG

Làm nổi bật điểm riêng có của Đắk Nông

Tại hội nghị, các thành viên Hội đồng Thẩm định đánh giá cao việc thực hiện nhiệm vụ lập quy hoạch của tỉnh Đắk Nông. Góp ý một số vấn đề cụ thể cho quy hoạch tỉnh Đắk Nông, TS Dương Đình Giám, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách công nghiệp - Bộ Công Thương, cho rằng cần làm rõ hơn về tiềm năng, lợi thế và các đặc thù riêng có của Đắk Nông để tạo sự bứt phá giai đoạn tới. TS Dương Đình Giám cũng đề nghị tỉnh Đắk Nông rà soát, xác định rõ hơn về phát triển nguồn nhân lực trong quy hoạch, bởi 3 trụ cột nêu trên, nếu không nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì khó đáp ứng được yêu cầu.

Góp ý về định hướng phát triển du lịch tại quy hoạch, TS Trương Sỹ Vinh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, cho rằng Đắk Nông kỳ vọng vào Công viên địa chất toàn cầu là một trong những yếu tố để giúp du lịch tỉnh nhà cất cánh là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, việc khai thác công viên này cần phải có một đề án riêng, xác định lộ trình cụ thể. "Công viên này được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận, nên việc khai thác du lịch có sự can thiệp của con người phải rất thận trọng" - ông Vinh lưu ý.

Đối với hạ tầng giao thông, ông Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải, đề nghị tỉnh Đắk Nông cần có rà soát, đánh giá toàn diện về việc khai thác khoáng sản trên địa bàn trong thời kỳ quy hoạch để dự báo về lưu lượng giao thông, từ đó quy hoạch mạng lưới giao thông phù hợp. Theo ông Chung, nếu không tính toán kỹ việc kết nối từ mỏ khoáng sản - nhà máy - cảng để xuất khẩu thì giao thông vẫn sẽ là điểm nghẽn của tỉnh. Ông Chung kiến nghị cần đưa vào quy hoạch hạ tầng cảng cạn ở Đắk Nông.

Sau phần thảo luận, với 100% thành viên có mặt bỏ phiếu đồng ý, Hội đồng Thẩm định đã thông qua hồ sơ quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hội đồng thẩm định đề nghị tỉnh Đắk Nông khẩn trương chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ quy hoạch để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông Lê Văn Chiến khẳng định tỉnh sẽ tiếp thu các góp ý quý giá của các thành viên Hội đồng Thẩm định, đại diện các bộ, ngành để hoàn thiện hồ sơ quy hoạch.

Đưa kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn vào quy hoạch

TS Nguyễn Huy Dũng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Điều tra Quy hoạch rừng, đề nghị lồng ghép vấn đề về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn vào quy hoạch tỉnh Đắk Nông. Bên cạnh đó, nhiệm vụ bảo vệ rừng tự nhiên cũng cần được đưa vào mục tiêu của quy hoạch với những con số cụ thể để làm cơ sở cho tỉnh thực hiện trong giai đoạn tới.

MINH CHIẾN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/som-dua-dak-nong-thanh-tinh-phat-trien-kha-20230405211230186.htm