Startup Caty Food định giá theo cảm tính, Shark Bình khuyên nên để AI làm cho chuẩn xác

Trong khi Caty Food tự tin đặt ra các mục tiêu tham vọng, tổ 'cá mập' Shark Tank lại bày tỏ thận trọng và cho rằng cách định giá của công ty đang rất chủ quan.

Xuất hiện trong tập 100 kỷ niệm chặng đường 7 mùa phát sóng của Shark Tank Việt Nam, thương hiệu mì tôm thanh long Bình Thuận đã thu hút các “cá mập” khi mở đầu với câu slogan “Lần đầu tiên trái thanh long có trong mì tôm” quen thuộc. Đây cũng từng là câu hát trở thành hiện tượng mạng xã hội, thu hút hàng trăm triệu lượt xem và khiến nhiều người tò mò muốn thử.

Câu slogan “Lần đầu tiên trái thanh long có trong mì tôm” từng gây bão mạng xã hội một thời với chiến dịch giải cứu thanh long. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam.)

Câu slogan “Lần đầu tiên trái thanh long có trong mì tôm” từng gây bão mạng xã hội một thời với chiến dịch giải cứu thanh long. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam.)

Sự thành công của mì thanh long đã vượt quá cả mong đợi của công ty. Như Shark Minh Beta đã chia sẻ, vào thời điểm sản phẩm trở nên hot, mì thanh long gần như “cháy hàng” trên thị trường. Điều này cho thấy nhu cầu của người tiêu dùng đối với những sản phẩm mới lạ, độc đáo và mang đậm dấu ấn Việt Nam là rất lớn.

Chia sẻ quá trình tạo dựng nên thương hiệu mì tôm thanh long Bình Thuận với shark Bình và các "cá mập", chị Phan Thị Na - Tổng giám đốc, đồng sáng lập Công ty Cổ phần Caty Food cho biết: “Là thành viên của Hiệp hội thanh long Bình Thuận, công ty chúng tôi rất trăn trở, khát khao để tìm đầu ra cho trái thanh long ở vùng trồng Bình Thuận. Sau 2 năm nghiên cứu cùng trường Đại học Công thương TP. Hồ Chí Minh, Viện Khoa học Kinh tế và Công nghệ Sài Gòn phát triển. Đơn vị đã phát triển thành công mì ăn liền thanh long công nghệ nano, trong vắt mì chứa 12% hàm lượng thanh long. Mì thanh long đã được cấp giấy chứng nhận là sản phẩm của doanh nghiệp khoa học công nghệ của tỉnh Bình Thuận”.

Với một thị trường mì ăn liền tiềm năng như Việt Nam, nơi tiêu thụ hơn 8 tỷ gói mì mỗi năm, Caty Food đã nhanh chóng nhận ra cơ hội lớn cho sản phẩm mì thanh long độc đáo của mình. Mặc dù phải cạnh tranh với nhiều ông lớn trong ngành, nhưng với vị thế là sản phẩm mì gói đầu tiên kết hợp trái cây, Caty Food tự tin mì thanh long hoàn toàn không có đối thủ và tiềm năng phát triển vô cùng lớn.

Đặt ra mục tiêu sẽ chiếm được 5% thị phần vào năm 2026. Thành công của chiến dịch marketing “Lần đầu tiên trái thanh long có trong mì tôm” đã chứng minh điều đó. Chỉ trong một thời gian ngắn, sản phẩm đã có mặt tại hơn 10.000 điểm bán trên toàn quốc và mang về doanh thu ấn tượng. Ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu 2023 là 46 tỷ, lợi nhuận sau thuế đạt 8%.

Dự kiến trong cuối năm nay, công ty sẽ mở rộng thị trường ra các nước như Nga, Indonesia và Úc hướng tới mục tiêu trở thành một thương hiệu mì ăn liền hàng đầu không chỉ ở Việt Nam mà còn trên trường quốc tế.

Đến với chương trình Shark Tank Việt Nam, Caty đã gọi vốn 1 triệu USD cho 5% cổ phần.

Chị Phan Thị (phải) và cộng sự lên Shark Tank lần này gọi vốn 1 triệu USD cho 5% cổ phần. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam.)

Chị Phan Thị (phải) và cộng sự lên Shark Tank lần này gọi vốn 1 triệu USD cho 5% cổ phần. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam.)

Trước sự thành công vang dội của chiến dịch “Lần đầu tiên trái thanh long có trong mì tôm”, Shark Minh Beta đã đặt ra một câu hỏi thú vị: “Liệu thành công này có phải là do may mắn?”.

Đáp lại câu hỏi đó, anh Danh – đại diện của Caty Food đã chia sẻ rằng: "May mắn chỉ là một yếu tố trong chiến dịch. Đội ngũ marketing của công ty rất trẻ, rất am hiểu văn hóa đại chúng, nắm bắt được các xu hướng, đã tính toán được là sau khi tung chiến dịch này sẽ có độ lan truyền nhất định. Thực tế sức hút lớn hơn kỳ vọng nên đã tạo nên một cuộc 'khủng hoảng dương' khiến cho chiến dịch nhanh chóng thành công."

Với mỗi công mì giao động từ 700 đến 800 triệu đồng, các hợp đồng xuất khẩu mà Caty Food đã ký kết với Mỹ và Trung Quốc là một minh chứng rõ ràng cho tiềm năng phát triển của sản phẩm. Không dừng lại ở đó, công ty cũng đang tích cực đàm phán để mở rộng thị trường sang Nga và Indonesia.

Bên cạnh việc mang lại doanh thu cao, việc xuất khẩu mì thanh long còn góp phần quảng bá hình ảnh của nông sản Việt Nam ra thế giới. Mặc dù có mức giá khá phải chăng, chỉ 10.000 đồng/gói, mì thanh long vẫn đảm bảo chất lượng vượt trội nhờ vào việc sử dụng nguyên liệu tươi ngon và quy trình sản xuất hiện đại. Sự kết hợp độc đáo giữa trái thanh long và mì ăn liền không chỉ tạo nên một hương vị mới lạ mà còn mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe người tiêu dùng, giúp giảm lượng tinh bột và tăng cường hệ miễn dịch.

Shark Tillman Schulz đã đưa ra con số so sánh về giá thành nhập khẩu mì từ Thái Lan khi ông đặt mua lô sỉ từ 15-20 triệu gói với giá thành chỉ 3.100 đồng/gói. Thì với số lượng và giá thành như vậy liệu Caty Food có sản xuất được không?

Tuy nhiên, bà Phan Thị Na đã khẳng định rằng với công suất sản xuất hiện tại lên tới 1 triệu gói/ngày và giá thành xuất xưởng chỉ 7.000 đồng/gói. Bà cũng cho biết, mặc dù giá thành sản phẩm của Caty Food có thể cao hơn so với một số sản phẩm nhập khẩu, nhưng chất lượng và sự độc đáo của mì thanh long là điều mà không phải sản phẩm nào cũng có thể sánh bằng. Với công suất sản xuất lớn và giá thành xuất xưởng hợp lý, Caty Food hoàn toàn có thể đáp ứng được các đơn hàng lớn, kể cả những đơn hàng xuất khẩu.

Thị trường mì ăn liền, dù tiềm năng nhưng cũng đầy rẫy những thách thức. Shark Minh Beta đã ví von thị trường này “đỏ như vỏ trái thanh long”, ngụ ý sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp lớn nhỏ. Ông cũng bày tỏ lo ngại về biên lợi nhuận thấp của ngành và cho rằng mức định giá mà Caty Food đưa ra là khá cao so với kết quả kinh doanh hiện tại.

Tương tự, Shark Vân và Shark Nga cũng nhận thấy những hạn chế nhất định trong mô hình kinh doanh của Caty Food. Shark Vân cho rằng việc tập trung vào một sản phẩm duy nhất như mì tôm chưa đủ để xây dựng một hệ thống kinh doanh bền vững, trong khi Shark Nga lo ngại về sự bền vững của thành công hiện tại và thiếu đi một tầm nhìn rõ ràng cho tương lai. “Khi nói về bức tranh kinh doanh tương lai trong và ngoài nước thì lại không nhìn thấy một điểm sáng rõ ràng nào.”

Trước những nghi vấn của các Shark về việc định giá công ty, đại diện của Caty Food đã chia sẻ về mục tiêu doanh thu đầy tham vọng trong tương lai. “Mục tiêu trong ba năm tới của Caty Food sẽ được được 2.000 tỷ trong năm 2026 và chiếm lĩnh 5% thị phần.”

Tuy nhiên, công ty cũng thẳng thắn thừa nhận rằng đây chỉ là một con số dự kiến và hoàn toàn sẵn sàng điều chỉnh nếu kết quả kinh doanh thực tế không đạt được như mong muốn. Đáp lại, Shark Bình đã thẳng thắn chỉ ra rằng nhiều startup Việt Nam thường có xu hướng định giá doanh nghiệp một cách chủ quan, dựa trên cảm tính và mong muốn cá nhân hơn là những phân tích cụ thể. Ông cho rằng việc định giá một doanh nghiệp không hề phức tạp và có thể tham khảo từ nhiều nguồn thông tin khác nhau, thậm chí là sử dụng công nghệ AI định giá có khi còn hợp lý hơn các startup Việt định giá.

Shark Tillman Schulz đã dành những lời khen ngợi cho sự sáng tạo và tiềm năng của sản phẩm mì thanh long, đặc biệt là việc xuất khẩu thành công sang thị trường Mỹ và đạt được chứng nhận FDA. Tuy nhiên, ông lại tỏ ra khá thận trọng khi đưa ra quyết định đầu tư. Shark Tillman Schulz lo ngại về khả năng cạnh tranh lâu dài của sản phẩm do công nghệ sản xuất có thể dễ dàng được sao chép.

Thương vụ gọi vốn của Caty Food đã kết thúc với một kết quả vô cùng khả quan. Sau quá trình đàm phán căng thẳng, Shark Bình đã đưa ra lời đề nghị hấp dẫn nhất: đầu tư 1 triệu USD để sở hữu 11,1% cổ phần công ty. Đội ngũ Caty Food đã chấp nhận đề nghị này và quyết định bán 10% cổ phần cho Shark Bình. Với số vốn mới thu được, Caty Food sẽ có thêm điều kiện để mở rộng sản xuất, tiếp thị và đưa sản phẩm mì thanh long đến gần hơn với người tiêu dùng.

Minh Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/startup-caty-food-dinh-gia-theo-cam-tinh-shark-binh-khuyen-nen-de-ai-lam-cho-chuan-xac-353890.html