Tái định hình chiến lược thu hút FDI
Trong bối cảnh địa chính trị, kinh tế và chuỗi cung ứng toàn cầu biến động, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, Việt Nam định hướng chuyển dịch trọng tâm thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) theo hướng có chọn lọc. Chính sách mới sẽ ưu tiên các dự án công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, tạo giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường, thay vì chạy theo số lượng bằng mọi giá.

Trong bối cảnh mới, Việt Nam tái định hình chiến lược thu hút FDI theo hướng có chọn lọc, không chạy theo số lượng. Ảnh: ST
Vốn FDI tăng cao, bất chấp những tác động bất lợi
Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư quốc tế nhờ chiến lược thu hút FDI phù hợp. Đất nước có nền chính trị ổn định, vị thế ngày càng cao và môi trường đầu tư thuận lợi. “Dòng vốn FDI vào Việt Nam hiện đang duy trì rất tích cực, bất chấp nhiều tác động bất lợi từ bên ngoài”, Bộ trưởng nhận định.
Cụ thể, tính đến ngày 31/5/2025, cả nước có gần 44.000 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt 517 tỷ USD. Trong đó, vốn thực hiện lũy kế đạt 331,5 tỷ USD, tương đương 64,6% tổng vốn đăng ký. Riêng khu vực FDI đã đóng góp khoảng 20,5 tỷ USD vào ngân sách nhà nước năm 2024 (tăng 12% so với 2023), chiếm 24,7% tổng thu. Đặc biệt, trong quý I/2025, vốn FDI thực hiện ước đạt 4,96 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước - mức cao nhất quý I kể từ năm 2020.
Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đánh giá thu hút FDI là “điểm sáng” góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế năm 2024, đồng thời là nền tảng để hướng đến mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt từ 8% trở lên.
Nếu không thay đổi việc thu hút FDI thì chúng ta không thể vượt qua được bẫy thu nhập trung bình. Bởi vì, phần gia công trong chuỗi giá trị sản phẩm không bao giờ vượt quá 15% giá trị của sản phẩm, cho nên phải thu hút đầu tư nước ngoài cộng với chuyển giao, phát triển khoa học công nghệ, công nghiệp phụ trợ. Đó là những việc cần phải làm để tái cơ cấu lại nền kinh tế.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình
Tuy nhiên, Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế trong thu hút và sử dụng FDI chậm được khắc phục. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp FDI có vốn chủ sở hữu thấp, chủ yếu dựa vào vốn vay, làm tăng chi phí khấu hao và dẫn đến hiệu quả kinh doanh thấp. Tình trạng đầu tư "chui", "núp bóng" vẫn xảy ra tại một số địa phương, gây khó khăn trong công tác quản lý, giám sát. Một số doanh nghiệp còn vi phạm pháp luật môi trường, sử dụng lao động nước ngoài trái phép, làm ảnh hưởng đến trật tự, an ninh xã hội và gây lãng phí tài nguyên, đất đai.
Ngoài ra, liên kết giữa khu vực FDI và các thành phần khác trong nền kinh tế còn lỏng lẻo, thiếu tính lan tỏa đến doanh nghiệp trong nước. Phần lớn các dự án FDI tập trung ở các công đoạn sử dụng nhiều lao động và công nghệ trung bình, với phụ tùng và nguyên vật liệu chủ yếu nhập khẩu thay vì từ doanh nghiệp nội địa.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) nhận định, tuy vốn FDI đạt mức cao, phản ánh niềm tin của nhà đầu tư quốc tế vào Việt Nam, nhưng phần lớn vẫn tập trung ở lĩnh vực lắp ráp, gia công với giá trị gia tăng thấp. Tỷ lệ nội địa hóa trong khu vực FDI còn dưới 30% ở nhiều ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Sự liên kết với doanh nghiệp nội địa còn mờ nhạt. Từ đó, yêu cầu đặt ra là cần có hành động cụ thể và một chiến lược rõ ràng để thu hút FDI có giá trị cao hơn.
Có chiến lược cạnh tranh riêng để thu hút FDI, phục vụ tăng trưởng
Nói về định hướng tương lai, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nền kinh tế, Việt Nam đang định hình một chiến lược cạnh tranh riêng để thu hút FDI và phát triển bền vững, hướng đến mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045.
“Chiến lược này sẽ chuyển trọng tâm từ ưu đãi thuế sang nâng cao chất lượng môi trường đầu tư và dịch vụ hỗ trợ; chú trọng phát triển hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế đồng bộ; đảm bảo nguồn điện, quỹ đất sạch, nguồn nhân lực chất lượng cao; rút ngắn thủ tục hành chính nhằm rút ngắn thời gian triển khai dự án”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Quý I/2025, vốn FDI thực hiện ước đạt 4,96 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh minh họa
Việt Nam sẽ tiếp tục ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, có giá trị gia tăng cao và thân thiện môi trường, thay vì tập trung vào số lượng. Các đối tác chiến lược như: G7, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore... sẽ tiếp tục là trọng tâm trong xúc tiến đầu tư, gắn với các lĩnh vực Việt Nam đang khuyến khích phát triển.
Chính phủ cũng đặt ra yêu cầu bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường trong công tác quản lý FDI. Việc lựa chọn, sàng lọc dự án phải chặt chẽ theo đúng tiêu chí; đồng thời xử lý dứt điểm các dự án gây ô nhiễm, sử dụng đất kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài hoặc không thực hiện đúng cam kết.
Đại biểu Phạm Hùng Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam) nhấn mạnh, lợi thế nổi bật của nguồn vốn FDI so với các nguồn vốn khác là khả năng gắn với chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực R&D và đổi mới sáng tạo. Trong bối cảnh Việt Nam đang triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, việc xây dựng cơ chế khai thác tối ưu lợi thế từ dòng vốn FDI là điều kiện cần thiết.
Bộ Tài chính đang xây dựng thể chế để hình thành các khu công nghiệp chuyên biệt phát triển khu công nghiệp thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), nhằm nâng cao hàm lượng công nghệ và lan tỏa tới khu vực doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và chương trình đào tạo nhân lực ngành bán dẫn đến năm 2030, với mục tiêu đào tạo ít nhất 50.000 người phục vụ chuỗi giá trị này.
Chính phủ cũng sẽ đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp trong nước liên doanh, liên kết với doanh nghiệp FDI bằng hình thức góp vốn, mua cổ phần trong các ngành công nghệ cao, công nghệ mới. Mục tiêu là tiến tới sở hữu, làm chủ công nghệ, từ đó biến FDI thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo nội địa, giúp doanh nghiệp Việt vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu./.
Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/tai-dinh-hinh-chien-luoc-thu-hut-fdi-41505.html