Tài sản số, tín chỉ carbon có thể làm tài sản thế chấp vay ngân hàng?

Với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số và quá trình chuyển đổi xanh, vấn đề đặt ra là liệu các loại tài sản mới như tài sản số, tín chỉ carbon có thể được chấp nhận như thế nào với vai trò là tài sản bảo đảm cho khoản vay ngân hàng.

Nhiều nước đã sử dụng tài sản số, tín chỉ carbon làm tài sản thế chấp

Tại Hội thảo “Tài sản bảo đảm ngân hàng - Những vấn đề quan tâm hiện nay” do Thời báo Ngân hàng tổ chức sáng 28/5 tại Hà Nội, ông Giacomo Merello, Chủ tịch Hội đồng Thúc đẩy Kinh doanh tài sản Kỹ thuật số Antigua & Barbuda; đặc phái viên Kinh tế đặc biệt của Thủ tướng Antigua & Barbuda tại Singapore cho hay, trên thế giới, một số nước đã cho phép sử dụng tài sản số nói chung, tiền mã hóa nói riêng làm tài sản thế chấp tại các ngân hàng.

Đơn cử, Thụy Sĩ cho phép các ngân hàng cung cấp khoản vay được bảo lãnh bằng tiền mã hóa, song dịch vụ này chủ yếu cung cấp cho các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp lớn, không áp dụng cho cá nhân nhỏ lẻ.

Các chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo

Các chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo

Đối với tín chỉ carbon, TS Vũ Thị Vân Anh - Trưởng phòng Cao cấp Khối ESG - KPMG Việt Nam cũng cho biết, nhiều nước đã hoặc đang xem xét công nhận là tài sản bảo đảm trong các giao dịch tài chính.

Bộ Phát triển Kinh doanh Thái Lan mới đây đã thảo luận với các cơ quan liên quan để thúc đẩy xem xét điều này. Theo đó, tín chỉ carbon có thể được sử dụng làm tài sản đảm bảo trong các khoản vay, đặc biệt là các dự án đầu tư thích ứng với biến đổi khí hậu, cung cấp một cách đo lường và quản lý rủi ro liên quan đến khí hậu.

Tại Brazil, Dự án Mombak – một startup - đã nhận được 100 triệu real từ Santander Brasil và Ngân hàng Phát triển Quốc gia Brazil (BNDES) để phục hồi rừng Amazon, tạo ra tín chỉ carbon bán cho các công ty như Microsoft và Google. Đây là dự án đầu tiên được hỗ trợ bởi Quỹ Khí hậu Mới của Brazil, trị giá 10 tỷ real...

Còn tại thị trường châu Âu, một số quốc gia thành viên EU (như Pháp) đã phân loại EUA (tín chỉ phát thải) là tài sản vô hình có thể chuyển nhượng, cho phép sử dụng nó làm tài sản thế chấp hoặc tài sản bảo đảm trong các giao dịch tài chính.

Các tổ chức tài chính đã chấp nhận EUA làm tài sản đảm bảo cho vay vốn hoặc giao dịch hợp đồng mua lại (repo), đặc biệt khi giá trị EUA tăng mạnh từ khoảng 5–7 Euro vào năm 2017 lên hơn 90 Euro vào năm 2022.

Việt Nam cần có hành lang pháp lý rõ ràng

Tại Việt Nam, TS Lê Thị Giang, Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, hiện nay, khung pháp lý cho tài sản số vẫn đang trong quá trình xây dựng. Tại Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số đã bước đầu xác lập khái niệm tài sản số và quyền sở hữu với tài sản này. Đây là bước đi quan trọng mở đường cho việc xác lập và giao dịch bảo đảm đối với tài sản số trong tương lai.

Với tín chỉ carbon, việc xác lập giao dịch bảo đảm vẫn chưa có quy định cụ thể trong pháp luật Việt Nam.

Chính vì vậy, theo TS Lê Thị Giang, nếu coi tài sản số, tín chỉ carbon là tài sản bảo đảm ngân hàng, ngân hàng sẽ e ngại bởi khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào phải dựa trên cơ sở pháp lý được quy định rõ ràng.

Dù vậy, một số quy định hiện hành đã manh nha định hướng cho việc này. Tại điểm 8, Nghị định số 21/2021/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ quy định tài sản bảo đảm bao gồm tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai trừ tài sản đang bị cấm mua bán, cấm chuyển nhượng, cấm chuyển giao. Vì vậy hoàn toàn có thể khẳng định, Luật đã quy định rất rộng về tài sản bảo đảm.

Tuy nhiên, việc triển khai trên thực tế lại là một bài toán vô cùng khó đối với các ngân hàng do đây là loại tài sản rất mới mẻ, các ngân hàng chưa có kinh nghiệm.

TS. Luật sư Vũ Văn Tính đề nghị, Việt Nam nên nghiên cứu ban hành luật hoặc Nghị định riêng về tài sản số, quy định rõ trách nhiệm của các bên liên quan; tăng cường giám sát chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, yêu cầu sàn giao dịch đăng ký với cơ quan quản lý.

Trong giai đoạn trước mắt có thể ban hành quy chế thử nghiệm sandbox cho phép một số ngân hàng hoặc tổ chức tài chính thí điểm cho vay thế chấp bằng tài sản số trong 3-5 năm; Đánh giá kết quả thí điểm để điều chỉnh khung pháp lý, đảm bảo cân bằng giữa đổi mới và kiểm soát rủi ro.

Đối với tín chỉ carbon, TS Vũ Thị Vân Anh cho rằng cần có những chuẩn bị để đưa nó trở thành tài sản bảo đảm.

Theo đó, cơ quan quan quản lý cần xây dựng khung pháp lý; xây dựng cơ chế định giá và đánh giá rủi ro; thực hiện thí điểm, phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu và kết nối sàn giao dịch carbon quốc gia; nghiên cứu ban hành các quy định cụ thể liên quan đến tín chỉ carbon, việc sử dụng tín chỉ carbon làm TSĐB;

Nghiên cứu bổ sung các văn bản pháp lý liên quan hỗ trợ như Luật Các tổ chức tín dụng, Thông tư, hướng dẫn...; hướng dẫn nguyên tắc định giá tín chỉ carbon theo thông lệ thị trường…

Hà An

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tai-san-so-tin-chi-carbon-co-the-lam-tai-san-the-chap-vay-ngan-hang-post610336.antd