Thách thức khi tham gia thị trường carbon

Việc phát triển và vận hành thị trường carbon là để huy động nguồn vốn xã hội tham gia vào hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Theo ông Hoàng Văn Tâm - Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), Chính phủ Việt Nam cũng đang gấp rút chuẩn bị để sớm đưa thị trường carbon vào vận hành trong thời gian tới.

Doanh nghiệp quan tâm hơn đến phát thải

Hiện nay, xi măng là ngành có tỷ trọng phát thải khí nhà kính cao, chiếm gần 80% tổng phát thải trong sản xuất vật liệu xây dựng. PGS.TS. Lương Đức Long - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, trong 5 năm gần đây, mỗi năm ngành xi măng phát thải trung bình từ 62-70 triệu tấn CO2 và trong sản xuất xi măng, khâu sản xuất clinker là phát thải nhiều nhất, chiếm đến hơn 90% tổng lượng carbon phát thải ra trong quá trình sản xuất xi măng.

Hiện các doanh nghiệp xi măng đều đã biết đến nhiệm vụ phải giảm phát thải CO2 và từ năm 2026 thì Chính phủ sẽ chính thức giao hạn mức phát thải carbon cho từng nhà máy xi măng. Cho đến nay, Việt Nam có hơn 60 nhà máy sản xuất xi măng có sản xuất clinker và tất cả các nhà máy này đều nằm trong danh sách phải có hạn mức phát thải carbon do Chính phủ quy định sau này. Chính vì vậy, các doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị khác nhau để đón nhận những quy định mới của Chính phủ cũng như các giải pháp để có thể giảm thiểu được lượng phát thải carbon trong quá trình sản xuất.

Ông Nguyễn Võ Trường An - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Sàn Giao dịch Tín chỉ Carbon ASEAN (CCTPA) cho biết, chỉ trong hai năm trở lại đây, tín chỉ carbon, thị trường carbon và những chủ đề liên quan mới bắt đầu nóng lên trong xã hội và các doanh nghiệp mới bắt đầu tìm hiểu. Đây là một tín hiệu khá đáng mừng khi cùng với các cam kết của Chính phủ với thế giới thì một số doanh nghiệp và đặc biệt là những doanh nghiệp lớn, các tập đoàn lớn và các doanh nghiệp FDI đã có những chú trọng vào việc phát triển các chiến lược xanh trong nội tại doanh nghiệp và chuyển đổi xanh trong cộng đồng, các doanh nghiệp và tạo nên một mô hình lan tỏa rất tốt để chúng ta có thể khởi động cho một tương lai, một thị trường tín chỉ carbon mạnh trong khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, một thách thức lớn với doanh nghiệp là nếu khi được giao hạn mức, sử dụng mọi biện pháp, nguồn lực… để giảm phát thải, thì đâu là căn cứ để biết doanh nghiệp mình đang thuộc diện được bán chứng chỉ carbon hay phải mua để đảm bảo tuân thủ hạn mức được giao.

Ngành xi măng đang chiếm gần 80% tổng phát thải trong sản xuất vật liệu xây dựng

Ngành xi măng đang chiếm gần 80% tổng phát thải trong sản xuất vật liệu xây dựng

Khó biết mình phải mua hay bán tín chỉ

PGS.TS. Lương Đức Long cho biết, tín chỉ carbon là một loại hàng hóa nhưng định lượng như thế nào thì hiện nay chưa có công cụ. Công đoạn này phát thải ra bao nhiêu, công đoạn kia phát thải ra bao nhiêu thì hiện đang thuần túy tính toán từ các quá trình hóa học về mặt kỹ thuật. Thế nhưng, tất cả những tính toán đó đều cần phải được luật hóa, phải được quy định bằng các văn bản quy phạm pháp luật.

Hiện nay, Chính phủ cũng đã có nghị định về vấn đề này, tiếp tới sẽ cần phải có những thông tư, tiêu chuẩn quy định cụ thể việc tính toán, đo đạc, kiểm tra...; về mặt bộ máy thực hiện và kiểm soát cũng phải đầy đủ… thì lúc ấy mới biết được doanh nghiệp phát sinh ra bao nhiêu phát thải và so với hạn mức được giao (có thể gọi là hạn ngạch) thì thừa hay thiếu, khi đó nếu thừa có thể đem ra thị trường bán và thiếu thì mua.

PGS.TS. Lương Đức Long - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, trong 5 năm gần đây, mỗi năm ngành xi măng phát thải trung bình từ 62-70 triệu tấn CO2 và trong sản xuất xi măng, khâu sản xuất clinker là phát thải nhiều nhất, chiếm đến hơn 90% tổng lượng carbon phát thải ra trong quá trình sản xuất xi măng.

"Nhưng hiện nay, các doanh nghiệp cho đến các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan chuyên môn mới đang triển khai. Chúng tôi cũng rất mong là những công cụ, những quy định đó sớm ra đời để cho các doanh nghiệp có thể xác định được xem mình đã đạt hạn ngạch được giao hay vượt rồi", PGS.TS. Lương Đức Long cho hay.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Võ Trường An nêu một thách thức khác, đó là đến năm 2030 thì riêng lĩnh vực biến đổi khí hậu, ứng phó biến đổi khí hậu và tín chỉ carbon thiếu đến 150.000 nhân sự. Đó là một con số thực tế và rất đáng báo động, vì rõ ràng khi chúng ta thực hiện một chính sách, một công cụ hay một dự án nào đó thì vấn đề con người là rất quan trọng.

"Như mọi người đều biết, hiện tại chúng ta đang loay hoay, kể cả doanh nghiệp, kể cả chuyên gia, thậm chí là những chuyên gia hàng đầu của quốc tế khi tìm hiểu và có những hỗ trợ về thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam thì họ cũng loay hoay không biết nó sẽ được vận hành như thế nào giữa thị trường bắt buộc và thị trường tự nguyện. Tất nhiên, cả về phương pháp trong từng nội tại doanh nghiệp, chiến lược của doanh nghiệp như thế nào, chính sách của mỗi doanh nghiệp để có phương pháp, giải pháp để chúng ta giảm phát thải một cách hiệu quả, vừa tuân thủ được quy định pháp luật hiện hành và vừa có những lợi ích về mặt kinh tế, về mặt tài chính để có thể tái đầu tư cho các công nghệ chuyển đổi xanh và giảm phát thải", ông Nguyễn Võ Trường An cho hay.

Bên cạnh đó, để tiếp cận công nghệ chuyển đổi xanh và giảm phát thải thì nguồn lực tài chính là rất quan trọng, vì những công nghệ được coi là giúp giảm phát thải và chuyển đổi xanh thì luôn đòi hỏi một suất đầu tư cực kỳ lớn và lớn hơn những công nghệ truyền thống hiện nay rất nhiều. Vậy làm thế nào để doanh nghiệp có được tài chính, có được những khoản hỗ trợ về tài chính để có thể đầu tư những công nghệ đó để góp phần vào mục tiêu Net Zero, đạt được mục tiêu giảm phát thải của doanh nghiệp để ủng hộ cho mục tiêu Net Zero của quốc gia thì đó cũng là một dấu chấm hỏi hiện tại mà ở thị trường Việt Nam chúng ta đang gặp phải.

Hải Yến

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/thach-thuc-khi-tham-gia-thi-truong-carbon-155333.html