Thị trường chứng khoán bớt nỗi lo bất định
Tính bất định do các yếu tố khó lường từ câu chuyện thuế quan đã phần nào giảm bớt, câu chuyện nội lực từ sức mạnh của nền kinh tế cùng các doanh nghiệp được kỳ vọng trở lại, ảnh hưởng đến diễn biến thị trường chứng khoán.
Trở lại với nội tại
Thị trường chứng khoán Việt Nam mở đầu tháng 7/2025 bằng một tuần giao dịch tích cực. VN-Index tiến sát mốc 1.390 điểm sau 4/5 phiên đóng cửa trong sắc xanh, cùng 4/5 phiên ghi nhận dòng vốn ngoại vào ròng. Các nhà đầu tư nước ngoài nhờ vậy ghi nhận tuần giải ngân đáng chú ý với giá trị mua ròng gần 5.200 tỷ đồng.
Trong phiên 3/7, sau thông tin được Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng trên mạng xã hội cho biết, phía Mỹ đã đạt được thỏa thuận thương mại với Việt Nam, dòng tiền đã chảy mạnh vào thị trường chứng khoán Việt Nam, với giá trị giao dịch hơn 38.200 tỷ đồng. Thỏa thuận này dù chưa có văn bản chi tiết, nhưng vẫn được đánh giá là cột mốc quan trọng giúp giảm rõ rệt tính bất định thông tin và định hướng đầu tư.
Triển vọng nâng hạng thị trường tích cực
Theo kế hoạch định kỳ, FTSE Russell sẽ công bố báo cáo phân loại thị trường vào ngày 7/10. Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tài chính đầu tháng 7/2025, ông Hoàng Văn Thu, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, cơ quan này đã và đang nỗ lực để đạt được mục tiêu này trong kỳ đánh giá của FTSE sắp tới.
Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng Công ty cổ phần Chứng khoán SSI đánh giá, mức thuế khởi điểm mà Mỹ có thể áp dụng với Việt Nam là “trung tính” và kỳ vọng đây là mức không quá chênh lệch với các nước có trình độ phát triển tương đương, từ đó giữ được vị thế cạnh tranh của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo ông Hồ Tuấn Hữu Hiếu, chuyên gia chiến lược đầu tư tại Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư SSI, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên và hiếm hoi đạt được thỏa thuận về thuế với Mỹ. Điều này có ý nghĩa tích cực khi đã giảm lo ngại về rủi ro thuế quan của nhà đầu tư, bao gồm cả các cá nhân và tổ chức.
“Tính bất định của thông tin là nỗi lo ngại lớn với nhà đầu tư thời gian qua. Việc đạt được thỏa thuận dù chưa có văn bản cụ thể, nhất là các quy định về nguồn gốc xuất xứ, đã làm giảm tính bất định không chỉ về thông tin, mà còn về góc nhìn đầu tư về Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Tính bất định giảm đi, thị trường sẽ tập trung nhiều hơn vào động lực kinh tế trong nước và động lực thực tế từ tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết”, ông Hiếu nhận định.
Trong đó, số liệu tăng trưởng GDP của Việt Nam trong nửa đầu năm 2025 mang đến nhiều tín hiệu khả quan. Theo đó, tăng trưởng GDP ghi nhận mức cao nhất trong gần 20 năm, nhiều chỉ tiêu, chỉ số về sản xuất - kinh doanh, ngân sách nhà nước… tốt hơn qua từng tháng, từng quý. Trong đó, xuất siêu ước đạt 7,63 tỷ USD, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập cao hơn 20% so với số rút lui khỏi thị trường, tăng trưởng tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý II ở mức hai con số…
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, tốc độ tăng trưởng năm 2025 của Việt Nam tiếp tục được dự báo cao nhất ASEAN và thuộc nhóm dẫn đầu thế giới, khu vực.
Chờ mùa báo cáo quý II
Theo thống kê, trong 10 năm gần đây, VN-Index ghi nhận 7 năm tăng điểm trong tháng 7/2025. Ngoài ảnh hưởng từ chính sách thương mại của Mỹ, tương tự các năm, thị trường chứng khoán tháng này tiếp tục đón chờ điểm rơi của mùa công bố kết quả kinh doanh quý II.
Theo dự báo về kết quả kinh doanh quý II/2025 của ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS), lợi nhuận nhiều ngân hàng sẽ tăng trưởng tốt trở lại. Cùng với đó, việc luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14 có thể tạo động lực giúp ngành ngân hàng xử lý nợ xấu tốt hơn.
Trong khi đó, nhóm bán lẻ được kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ. Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số (FPT Retail), Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động và Công ty cổ phần Thế giới số (Digiworld) được dự báo tăng trưởng rất tốt. Lợi nhuận của Digiworld có thể tăng gấp rưỡi, còn FPT Retail được dự báo tăng tới 290%.
Cũng có đánh giá tích cực, Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) dự báo, lợi nhuận toàn thị trường quý II/2025 có thể ghi nhận mức tăng trưởng 14% so với cùng kỳ. Trong đó, lợi nhuận ngành ngân hàng dự báo tăng trưởng 15% so với cùng kỳ, được hỗ trợ bởi tăng trưởng tín dụng khả quan, biên lãi ròng (NIM) không giảm thêm.
Đánh giá tích cực về ngành cảng biển, logistics, chuyên gia từ MBS kỳ vọng, một số doanh nghiệp ngành này có thể “hưởng lợi” trong quý II nhờ tình hình thương mại sôi động, với kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng tích cực, giá cước vận tải biển trên thế giới hồi phục mạnh từ đáy tháng 4.
Với nhóm dầu khí, các chuyên gia cho rằng, biến động giá dầu và nền cao cùng kỳ năm 2024 sẽ tạo sự phân hóa giữa các phân khúc. Nhóm thượng nguồn tăng trưởng mạnh như Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVDrilling) hay Công ty cổ phần Bọc ống dầu khí Việt Nam (PVCoating), trong khi nhóm hạ nguồn như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) hay Công ty TNHH một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) có thể ghi nhận lợi nhuận giảm mạnh do giá vốn cao.
Nhóm bất động sản khu công nghiệp cũng được dự báo sẽ phân hóa rõ rệt, với tăng trưởng tiếp tục tích cực ở một số công ty như Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG, Công ty cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, nhưng sẽ yếu ở Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex) và Tổng công ty Idico…
Với lĩnh vực bất động sản dân cư, lợi nhuận một số doanh nghiệp có thể vào giai đoạn thấp điểm. Tuy vậy, triển vọng của các doanh nghiệp bất động sản nửa sau năm 2025 sẽ tích cực hơn nhờ loạt dự án gối đầu dự kiến được bàn giao trong giai đoạn tới. Ngoài ra, biến động của tỷ giá trong quý II sẽ gây tác động trái chiều đến các doanh nghiệp, khi hỗ trợ phần nào cho doanh nghiệp xuất khẩu, nhưng ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp vay nợ ngoại tệ.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thi-truong-chung-khoan-bot-noi-lo-bat-dinh-d323888.html