Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 19-26/7: Giá dầu về thấp nhất 3 tuần, vàng cũng giảm mạnh, ca cao duy trì đà tăng ấn tượng
Kết thúc tuần giao dịch từ 19-26/7, thị trường hàng hóa thế giới phân hóa rõ nét khi giá dầu giảm về mức thấp nhất 3 tuần, vàng và nhóm nông sản cũng lùi sâu, còn ngược lại, ca cao cùng quặng sắt, thép… tiếp tục tăng ấn tượng.

Năng lượng: Dầu thô xuống mức thấp nhất 3 tuần, khí LNG nhích tăng
Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu giảm vào thứ Sáu (28/7) và đóng cửa ở mức thấp nhất 3 tuần do lo ngại về nguồn cung tăng. Mức giảm được hạn chế bởi sự lạc quan rằng, các thỏa thuận thương mại của Mỹ có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu dầu mỏ trong tương lai.
Cụ thể, giá dầu thô Brent giảm 74 cent (-1,1%) xuống 68,44 USD/thùng, trong khi dầu thô Mỹ (WTI) giảm 87 cent (-1,3%) xuống 65,16 USD/thùng. Đây là mức đóng cửa thấp nhất của dầu Brent kể từ ngày 4/7 và dầu WTI kể từ ngày 30/6. Trong tuần, giá dầu Brent giảm khoảng 1%, dầu WTI giảm khoảng 3%.
Tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, doanh thu tài chính đã giảm 0,3% trong 6 tháng đầu năm 2025 so với cùng kỳ năm trước.
Tại Nga, nhà sản xuất dầu thô lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ, lượng dầu xuất khẩu hàng ngày từ các cảng phía Tây của nước này dự kiến đạt khoảng 1,77 triệu thùng/ngày trong tháng 8, giảm so với mức 1,93 triệu thùng/ngày trong kế hoạch của tháng 7.
Tại Mỹ, trong tuần qua, các công ty năng lượng đã cắt giảm số lượng giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên đang hoạt động lần thứ 12 trong 13 tuần, Công ty Dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết.
Trên thị trường khí đốt, giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Mỹ tăng nhẹ do dự báo nhiệt độ sẽ gần đạt kỷ lục vào đầu tuần này, khiến các nhà máy điện phải đốt nhiều khí hơn để đáp ứng nhu cầu điều hòa không khí tăng cao. Cụ thể, giá LNG giao tháng 8 trên Sàn giao dịch hàng hóa New York tăng 1,6 cent (+0,5%) lên 3,11 USD/mmBTU.
LSEG cho biết, sản lượng khí trung bình tại 48 tiểu bang của Mỹ đã tăng lên 107,3 tỷ feet khối mỗi ngày tính đến thời điểm hiện tại trong tháng 7, tăng từ mức cao kỷ lục hàng tháng là 106,4 bcfd vào tháng 6.
LSEG dự báo, nhu cầu khí trung bình tại 48 tiểu bang của Mỹ, bao gồm cả xuất khẩu, sẽ tăng từ 106,1 bcfd trong tuần này lên 110,0 bcfd vào tuần tới trước khi giảm xuống 107,6 bcfd trong hai tuần kế tiếp.
Lượng khí trung bình vào 8 nhà máy xuất khẩu LNG lớn của Mỹ đã tăng lên 15,7 bcfd tính đến thời điểm hiện tại trong tháng 7 từ mức 14,3 bcfd trong tháng 6, nhưng vẫn thấp hơn mức cao kỷ lục hàng tháng là 16,0 bcfd trong tháng 4.
Kim loại: Vàng và đồng giảm trở lại, quặng sắt và thép tiếp tục đi lên
Ở nhóm kim loại quý, tuần qua, giá vàng thế giới giảm trở lại khi không thể vượt qua các mốc kháng cự quan trọng. Dù từng tiến sát mốc 3.400 USD/ounce, giá vàng giao ngay đã giảm hơn 1% về 3.338,36 USD/ounce trong phiên thứ Sáu (25/7) và giảm tổng cộng 0,62% trong tuần.
Áp lực chính đến từ sự dịch chuyển dòng tiền sang thị trường chứng khoán, nơi nhiều cổ phiếu đang ở mức đỉnh, cùng với tâm lý lạc quan trước khả năng đạt thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Nhật Bản, cũng như kỳ vọng tiến triển trong đàm phán với EU.
Ngoài ra, số liệu kinh tế tích cực từ Mỹ, đặc biệt là thị trường lao động, càng củng cố dự đoán Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ giữ nguyên lãi suất, qua đó hỗ trợ USD và gây áp lực lên giá vàng. Tuy vậy, dòng vốn đổ vào các quỹ ETF vàng vẫn tăng mạnh, cho thấy nhà đầu tư còn quan tâm đến vàng trong dài hạn.
Theo khảo sát, 66% nhà đầu tư cá nhân kỳ vọng giá sẽ tăng trong tuần này, trong khi giới chuyên gia tỏ ra thận trọng hơn. Vàng vẫn có thể được hỗ trợ nếu kinh tế Mỹ suy yếu hoặc bất ổn toàn cầu quay trở lại, qua đó duy trì vai trò là kênh trú ẩn an toàn.
Ở nhóm kim loại màu, giá đồng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) và Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE) giảm nhẹ, trong bối cảnh các nhà giao dịch tạm dừng điều chỉnh giá trước thời hạn chót ngày 1/8/2025 - thời điểm chính sách thuế quan thương mại, bao gồm thuế nhập khẩu kim loại 50%, bắt đầu có hiệu lực giữa Mỹ và các đối tác thương mại.
Cụ thể, giá đồng kỳ hạn 3 tháng trên sàn LME giảm 0,1% về 9.867,5 USD/tấn, nhưng vẫn tăng 0,92% trong tuần. Trên sàn SHFE, hợp đồng đồng được giao dịch nhiều nhất giảm 0,69% xuống 79.290 CNY (11.083,16 USD)/tấn, nhưng tăng 1,16% trong tuần.
Ủy ban Châu Âu (EC) hôm thứ Năm cho biết, một giải pháp thương mại với Mỹ đang trong tầm tay. Trong khi đó, các quốc gia EU đã bỏ phiếu thông qua kế hoạch áp thuế trả đũa lên tới 93 tỷ Euro (109 tỷ USD) đối với hàng hóa Mỹ nếu đàm phán đổ vỡ và Tổng thống Donald Trump có thể áp thuế 30% đối với EU vào ngày 1/8/2025.
Phó Thủ tướng Trung Quốc He Lifeng dự kiến thăm Thụy Điển từ ngày 27-30/7 để tham gia vòng đàm phán kinh tế - thương mại mới với Mỹ. Thời hạn chót ngày 12/8 giữa 2 bên có thể được gia hạn tùy diễn biến đàm phán.
Chênh lệch giá giữa đồng COMEX và đồng LME duy trì ở mức 29%, vẫn thấp hơn mức thuế nhập khẩu 50% mà Tổng thống Trump dự kiến áp dụng, khi thị trường chờ xác nhận chính thức vào ngày 1/8 và danh mục sản phẩm chịu thuế.
Trên sàn LME, giá kẽm giảm 0,25% về 2.836,5 USD/tấn; niken giảm 0,06% về 15.455 USD/tấn; trong khi nhôm tăng 0,06% lên 2.648,5 USD/tấn; thiếc tăng 0,16% lên 34.680 USD/tấn.
Trên sàn SHFE, giá thiếc giảm 1% về 271.210 CNY/tấn; niken giảm 0,71% về 123.160 CNY/tấn; kẽm giảm 0,7% về 22.820 CNY/tấn; trong khi nhôm tăng 0,05% lên 20.745 CNY/tấn.
Ở nhóm kim loại đen, giá quặng sắt kỳ hạn đã khép lại tuần tăng thứ năm liên tiếp, vượt qua áp lực giảm ban đầu dù lượng hàng tồn kho tại cảng tăng và sản lượng thép toàn cầu sụt giảm.
Cụ thể, hợp đồng quặng sắt giao tháng 9 được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE), Trung Quốc giảm 1,11% về 802,5 CNY (112,01 USD)/tấn, nhưng tăng gần 1% trong tuần. Giá quặng sắt chuẩn tháng 8 (SZZFQ5) trên sàn giao dịch Singapore giảm 2% về 102,95 USD/tấn, nhưng cả tuần tăng 2,16%.
Theo số liệu từ Hiệp hội Thép thế giới, sản lượng thép toàn cầu trong tháng 6/2025 giảm 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng thép thô tại Trung Quốc, nhà sản xuất và tiêu thụ hàng đầu, giảm mạnh 9,2%.
Dữ liệu từ SteelHome cho thấy, tổng lượng tồn kho quặng sắt tại các cảng Trung Quốc đạt 131 triệu tấn tính đến ngày 25/7/2025, tăng nhẹ 0,11% so với tuần trước, tiếp tục gây áp lực giảm lên giá.
Sản lượng kim loại nóng - thước đo quan trọng về nhu cầu quặng sắt, đã giảm 0,1% trong tuần qua so với tuần trước nữa, theo báo cáo từ Công ty tư vấn Mysteel. Tuy nhiên, công suất hoạt động của các lò cao tại Trung Quốc tăng nhẹ 0,31% lên 83,46% trong tuần qua so với tuần trước nữa.
Dù tốc độ tăng trưởng nhu cầu thép trong lĩnh vực sản xuất có xu hướng chậm lại, nhưng Công ty Môi giới Galaxy Futures nhận định giá quặng sắt vẫn có khả năng phục hồi trong thời gian tới.
Các nhà đầu tư đang chờ đợi kết quả cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc dự kiến diễn ra trong tuần này. Sự kiện được kỳ vọng sẽ định hướng chính sách kinh tế trong nửa cuối năm nay.
Trong khi đó, các nguyên liệu đầu vào sản xuất thép trên sàn Đại Liên tiếp tục tăng mạnh, với giá than cốc và than mỡ lần lượt tăng 7,98% và 2,38%.
Trên sàn Thượng Hải, hợp đồng thép cây giao tháng 5/2026 tăng 53 CNY lên mức 3.341 CNY/tấn. Bên cạnh đó, các sản phẩm thép giao ngay đều ghi nhận đà tăng: Thép cây tăng 2,32%; thép cuộn cán nóng tăng 1,98%; thép dây tăng 1,55% và thép không gỉ tăng 0,93%.
Nông sản: Giá đồng loạt giảm
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) ghi nhận giá lúa mì, ngô và đậu tương kỳ hạn tiếp tục giảm, chịu ảnh hưởng từ nguồn cung dồi dào và bất ổn thương mại toàn cầu.
Cụ thể, giá lúa mì kỳ hạn giảm mạnh xuống dưới ngưỡng 5,40 USD/giạ trong phiên giao dịch 25/7, đánh dấu tuần đi xuống do nguồn cung toàn cầu dồi dào đã làm lu mờ tác động tích cực từ nhu cầu xuất khẩu của Mỹ.
Theo số liệu mới nhất, xuất khẩu lúa mì của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 17/7/2025 đạt 712.000 tấn - mức cao nhất trong dự đoán thị trường, phản ánh sức mua ổn định từ nước ngoài. Tuy nhiên, vụ thu hoạch đang mở rộng khắp Bắc bán cầu tiếp tục gia tăng áp lực lên thị trường, giữ giá không thể phục hồi.
Tại Mỹ, khảo sát mùa vụ tại bang Bắc Dakota cho thấy, năng suất lúa mì đỏ cứng Xuân ước đạt trung bình 49 giạ/mẫu Anh, giảm đáng kể so với mức 54,5 giạ/mẫu Anh năm trước. Trong khi đó, tình hình mùa vụ tại các bang lân cận có phần trái chiều: Minnesota ghi nhận sản lượng khả quan gần mức kỷ lục, còn Montana - từng có vụ mùa rất kém, hiện đang có dấu hiệu cải thiện.
Giá ngô kỳ hạn CBOT sụt nhẹ trong phiên này, chịu sức ép từ kỳ vọng về một vụ thu hoạch thuận lợi tại Mỹ và điều kiện thời tiết được dự báo có lợi cho năng suất cây trồng ở vùng Trung Tây.
Cụ thể, hợp đồng ngô tháng 12 (CZ25) giảm 1,75 cent về 4,19 USD/giạ, trong khi hợp đồng ngô giao dịch nhiều nhất (ZC1!) giảm gần 2,05% trong cả tuần.
Bất chấp xu hướng giảm, hoạt động xuất khẩu ngô của Mỹ vẫn duy trì tốt. Bộ Nông nghiệp Mỹ đã xác nhận 2 thương vụ lớn: 140.000 tấn ngô vụ mới bán cho Hàn Quốc và 102.870 tấn cho Mexico. Tuy nhiên, dự báo thời tiết cho thấy, nhiệt độ ban đêm mát mẻ hơn trong tháng 8 - thời điểm quyết định năng suất, khiến thị trường giảm bớt kỳ vọng tăng giá.
Ngoài ra, các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng trước thời hạn áp thuế mới của chính quyền Trump vào ngày 1/8/2025, khiến hoạt động giao dịch không có đột phá. Trong khi đó, Liên minh châu Âu và Mỹ được kỳ vọng sẽ đạt thỏa thuận khung thương mại vào cuối tuần, giảm phần nào áp lực lên ngành xuất khẩu của EU.
Trên bình diện quốc tế, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cảnh báo hạn hán và nhiệt độ cao có thể tiếp diễn tại một số vùng, làm suy giảm sản lượng ngũ cốc mùa thu. Cùng lúc, Nga đã cắt giảm thuế xuất khẩu ngô và lúa mạch để kích thích xuất khẩu, thông qua việc điều chỉnh cơ chế tính thuế.
Giá thầu ngô tại Trung Tây Mỹ nhìn chung ổn định hoặc giảm nhẹ, đặc biệt tại các nhà máy sản xuất ethanol.
Giá đậu tương kỳ hạn CBOT rơi xuống dưới ngưỡng 10 USD/giạ trong phiên thứ Sáu (25/7), khi lo ngại về thương mại và nhu cầu xuất khẩu suy yếu tiếp tục tạo sức ép lên thị trường.
Tình trạng thiếu rõ ràng trong các cuộc đàm phán thương mại và tâm lý hoài nghi về triển vọng tiêu thụ khiến giới đầu tư dè dặt. Mặc dù điều kiện thời tiết không gây áp lực trực tiếp, nhưng vẫn là yếu tố ảnh hưởng đến kỳ vọng trong giai đoạn thu hoạch then chốt.
Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết, doanh số xuất khẩu đậu tương hàng tuần hiện ở mức thấp, gần chạm đáy trong phạm vi dự đoán, làm dấy lên lo ngại về nhu cầu ngắn hạn. Dù vậy, thông tin Mỹ bán được 142.500 tấn đậu tương vụ mới cho Mexico giúp thị trường không giảm sâu hơn, dù mức hỗ trợ còn hạn chế.
Tâm lý phòng ngừa rủi ro trước thời điểm áp thuế quan ngày 1/8/2025 tiếp tục chi phối xu hướng giao dịch, khiến nhiều nhà đầu tư chưa vội điều chỉnh chiến lược mua bán.
Nguyên liệu công nghiệp: Ca cao tiếp tục tăng ấn tượng, đường và cà phê cùng giảm, cao su diễn biến trái chiều
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua (25/7), thị trường cà phê thế giới chứng kiến xu hướng giảm khi nguồn cung được củng cố nhờ hoạt động thu hoạch tại các quốc gia sản xuất lớn.
Cụ thể, hợp đồng cà phê Robusta (RC2!) trên sàn ICE giảm 121 USD (-3,6%) về 3.228 USD/tấn và cả tuần giảm 4% - từng chạm đáy 16 tháng ở mức 3.166 USD/tấn vào ngày thứ Ba (22/5). Giá cà phê Arabica (KC1!) giảm 2,4% xuống 2,9755 USD/pound và giảm 3,7% trong tuần.
Theo Công ty Tư vấn Safras & Mercado, tính đến ngày 23/7/2025, nông dân Brazil đã thu hoạch được 84% diện tích cà phê cho niên vụ 2025-2026, tăng 7% so với tuần trước nữa nhờ thời tiết khô ráo thuận lợi. BMI - đơn vị thuộc Fitch Solutions, cũng điều chỉnh tăng dự báo sản lượng cà phê Việt Nam cho niên vụ 2025-2026 lên thêm 5,2% so với năm ngoái, nhờ điều kiện thời tiết tích cực.
Giá ca cao tiếp tục duy trì đà tăng ấn tượng trong tuần qua, bất chấp những bất ổn về cung ứng tại các quốc gia trồng ca cao lớn. Cụ thể, giá ca cao London (C2!) tăng 103 bảng (+2%) lên 5.300 bảng/tấn trong phiên 25/7 và khép lại tuần với mức tăng 7%. Tương tự, giá ca cao New York (CC1!) tăng 2,5% lên 8.329 USD/tấn - đánh dấu tuần tăng thứ hai liên tiếp với tổng mức tăng 7%.
Giới thương nhân nhận định, các báo cáo lợi nhuận sắp tới từ Hershey (HSY) và Mondelez (MDLZ) sẽ làm rõ thêm nhu cầu tiêu thụ toàn cầu. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp chế biến ca cao tại Bờ Biển Ngà đang lo ngại bị đẩy tới bờ vực phá sản vì chi phí tuân thủ quy định chống phá rừng của EU.
Tại châu Phi, sản lượng ca cao Uganda dự kiến sẽ tăng mạnh 29% trong năm nay nhờ mở rộng diện tích canh tác.
Trong khi đó, giá đường thế giới tiếp tục giảm khi thị trường điều chỉnh sau đợt phục hồi ngắn. Cụ thể, giá đường thô (SB1!) giảm 0,28 cent (-1,7%) về 16,29 cent/pound trong phiên 25/7 và cả tuần giảm 3,1%. Phiên trước đó giá tăng 2%.
Cùng xu hướng, giá đường trắng (SF1!) giảm 1,9% về 471 USD/tấn, sau khi có phiên tăng tương đương vào ngày thứ Năm. Các nhà giao dịch châu Âu cho biết, Pakistan vừa mở thầu quốc tế để nhập khẩu 100.000 tấn đường trắng tinh luyện, góp phần tác động tới diễn biến giá toàn cầu.
Tại Nhật Bản, giá cao su thiên nhiên RSS3 trên sàn giao dịch Tocom - Tokyo ghi nhận diễn biến ổn định với mức giá dao động nhẹ giữa các kỳ hạn. Cụ thể, hợp đồng giao tháng 8/2025 đứng ở mức 332 JPY/kg, tháng 9 đạt 332,7 JPY/kg, tháng 10 đạt 331,9 JPY/kg, tháng 11 đạt 331,8 JPY/kg và tháng 12 tăng nhẹ lên 334,8 JPY/kg.
Trong khi đó, tại Singapore, giá cao su kỹ thuật tiêu chuẩn TSR20 trên sàn SGX cũng có xu hướng nhích lên ở các kỳ hạn xa. Hợp đồng tháng 8/2025 đạt 175,90 cent/kg, tháng 9 tăng lên 178,90 cent/kg, tháng 10 tăng lên 180,70 cent/kg, tháng 11 đạt 181,00 cent/kg và tháng 12 đạt 181,10 cent/kg. Những diễn biến này cho thấy kỳ vọng phục hồi nhẹ của thị trường cao su trong thời gian tới.
Tuần qua, giá cao su thế giới ghi nhận biến động mạnh, với xu hướng tích cực rõ nét vào cuối tuần. Giá cao su trên sàn SGX tăng ổn định hơn so với sàn Tocom, nơi các hợp đồng có sự phân hóa rõ rệt. Đặc biệt, đà bứt phá ngày 26/7 trên cả 2 sàn cho thấy tâm lý thị trường đang chuyển dịch sang trạng thái lạc quan. Theo Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), năm 2025, nguồn cung cao su toàn cầu dự báo chỉ tăng 0,5%, trong khi nhu cầu tiêu thụ tăng 1,3%, gây ra mức thâm hụt khoảng 673.000 tấn. Tình trạng thiếu hụt này có thể kéo dài đến năm 2031, là yếu tố hỗ trợ giá cao su trong trung và dài hạn.
Về diễn biến kỹ thuật, giá trên sàn Tocom còn chịu tác động bởi tỷ giá JPY/USD - đồng JPY yếu có thể thúc đẩy đà tăng giá. Trong khi đó, sàn SGX - được định giá bằng USD - phản ánh sát nhu cầu toàn cầu. Trung Quốc tiếp tục là thị trường tiêu thụ chủ lực, bên cạnh đó là Hàn Quốc và Indonesia với nhu cầu lớn trong sản xuất lốp và chế biến công nghiệp. Dù triển vọng giá ngắn hạn tích cực, thị trường cao su vẫn đối mặt rủi ro từ biến động tỷ giá và chi phí logistics.
(Nguồn: Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Thời báo Tài chính Việt Nam, Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập)
(1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
(USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).