Thỏa thuận thương mại với Mỹ mở đường cho NHTW Nhật tăng lãi suất

Thỏa thuận thương mại với Mỹ đã mở ra cơ hội cho NHTW Nhật Bản (BoJ) tăng lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay, các nguồn tin thân cận với BOJ cho biết. Tuy nhiên theo các nguồn tin này, việc tăng lãi suất trong ngắn hạn khó có thể chắc chắn và thời điểm tăng lãi suất còn phụ thuộc diễn biến của nền kinh tế với mức thuế quan 15%.

Thị trường đang ngóng đợi phát biểu của Thống đốc BOJ Kazuo Ueda sau cuộc họp chính sách tháng 7

Thị trường đang ngóng đợi phát biểu của Thống đốc BOJ Kazuo Ueda sau cuộc họp chính sách tháng 7

Lạc quan hơn

“Khi những đám mây đen bao trùm chính sách thương mại của Mỹ tan biến, BOJ có thể thấy cơ hội tăng lãi suất trong năm nay”, một nguồn tin cho biết. Quan điểm này cũng được hai nguồn tin khác đồng tình.

Tuy nhiên theo một nguồn tin khác, “không phải tất cả những bất ổn liên quan đến thương mại đã tan biến”; đồng thời cho biết thêm rằng BOJ phải xem xét kỹ lưỡng dữ liệu trong suốt mùa thu để tìm manh mối về cách thức thuế quan mới của Mỹ ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Nền kinh tế lớn thứ tư thế giới đã bị ảnh hưởng bởi tiêu dùng ảm đạm, chi phí sinh hoạt tăng cao và ngành sản xuất suy yếu. Việc thiếu rõ ràng về kết quả các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Mỹ là một trong những yếu tố khiến BOJ cắt giảm dự báo tăng trưởng vào tháng 5 và tạm dừng tăng lãi suất.

Tuy nhiên, thông báo về thỏa thuận thương mại với Mỹ trong tuần này đã làm giảm bớt sự bất ổn và loại bỏ một rào cản quan trọng cho việc tiếp tục tăng lãi suất, các nguồn tin cho biết. Họ cho biết, BOJ có thể bắt đầu đưa ra những gợi ý về việc tái khởi động tăng lãi suất bằng cách đưa ra một cái nhìn ít bi quan hơn về triển vọng kinh tế so với hiện tại.

Trong dấu hiệu đầu tiên của sự lạc quan như vậy, Phó Thống đốc BOJ Shinichi Uchida cho biết hôm thứ Tư rằng, thỏa thuận này đã làm tăng khả năng Nhật Bản đạt được mục tiêu lạm phát 2% một cách bền vững - một điều kiện tiên quyết cho các lần tăng lãi suất tiếp theo. “BOJ cần điều chỉnh chính sách tiền tệ để cân bằng tốt nhất giữa rủi ro tăng và giảm”, ông Uchida nói, đồng thời nhấn mạnh áp lực lạm phát từ chi phí lương thực tăng cao.

Các nguồn tin cũng cho rằng, trong báo cáo quý dự kiến công bố tại cuộc họp chính sách tiếp theo vào ngày 30-31/7, BOJ có thể đưa ra quan điểm lạc quan hơn trước đây về tác động của thuế quan Mỹ. Cơ quan này cũng có thể điều chỉnh tăng dự báo lạm phát năm nay và xem xét điều chỉnh quan điểm hiện tại rằng rủi ro đối với triển vọng giá cả đang có xu hướng giảm.

Giới chuyên gia nói gì?

“Thỏa thuận thương mại mở đường cho BOJ tăng lãi suất”, chuyên gia kinh tế Ayako Fujita của JP Morgan Securities nhận định. “Điều này càng củng cố thêm lý do để BOJ điều chỉnh tăng dự báo”, ông Fujita, người dự kiến BOJ sẽ tăng lãi suất vào tháng 10, cho biết.

Mặc dù BOJ dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất vào tuần tới, nhưng thị trường đang kỳ vọng vào khả năng tăng lãi suất trong ngắn hạn. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn hai năm, vốn nhạy cảm nhất với kỳ vọng lãi suất, đã đạt mức cao nhất trong gần bốn tháng là 0,845% vào thứ Năm.

BOJ đã kết thúc chương trình kích thích kinh tế khổng lồ kéo dài cả thập kỷ vào năm ngoái và tăng lãi suất chính sách ngắn hạn lên 0,5% vào tháng 1 với quan điểm Nhật Bản đang tiến triển vững chắc để đạt được mục tiêu lạm phát.

Tuy nhiên dù lạm phát cơ bản vẫn duy trì trên mức mục tiêu 2% trong hơn 3 năm, nhưng BOJ vẫn thận trọng trong việc tăng lãi suất do lo ngại gây tổn hại đến nền kinh tế vốn đã mong manh.

Hiện vẫn chưa có sự đồng thuận trong hội đồng quản trị về thời điểm tăng lãi suất. Với việc lãi suất đang thực âm khá sâu, những nhà hoạch định chính sách theo quan điểm diều hâu đã cảnh báo về rủi ro của việc duy trì chính sách này quá lâu. Tuy nhiên, những người bi quan tại BOJ không tin rằng nền kinh tế đã thoát khỏi khó khăn do những rủi ro dai dẳng.

Trên thực tế nền kinh tế Nhật Bản đã suy giảm trong quý đầu tiên do chi phí sinh hoạt tăng cao gây áp lực lên tiêu dùng, làm dấy lên lo ngại về suy thoái. Mặc dù hiện xuất khẩu và sản lượng vẫn duy trì, nhưng các nhà phân tích dự đoán tác động từ thuế quan sẽ thể hiện rõ ràng hơn trong dữ liệu của những tháng tới.

Theo ước tính của cựu thành viên hội đồng quản trị BOJ Takahide Kiuchi, ngay cả khi tính đến thỏa thuận thương mại với mức thuế quan chỉ là 15%, nó cũng sẽ làm giảm 0,55 điểm phần trăm tăng trưởng GDP hàng năm.

Bản thân Phó Thống đốc Uchida, dù ca ngợi thỏa thuận thương mại đã làm giảm sự bất ổn, những vẫn cảnh báo rằng, vẫn chưa rõ thuế quan của Mỹ có thể ảnh hưởng đến tâm lý kinh doanh và kế hoạch chi tiêu như thế nào.

Điểm mấu chốt sẽ là cuộc khảo sát kinh doanh "tankan" tiếp theo của BOJ dự kiến diễn ra vào tháng 10 và cuộc họp hàng quý của các giám đốc chi nhánh khu vực trong tháng đó, nơi BOJ sẽ xem xét kỹ hơn cách các công ty trên khắp đất nước đang vượt qua tác động của thuế quan.

Kết quả nghiên cứu sẽ được công bố vào thời điểm BOJ tổ chức cuộc họp chính sách vào ngày 29-30/10. Hiện tại, thị trường đang tập trung vào những bình luận của ông Ueda, người sẽ trả lời phỏng vấn báo chí sau cuộc họp đánh giá lãi suất kéo dài hai ngày, kết thúc vào ngày 31 tháng 7.

“Báo cáo triển vọng và cuộc họp báo của thống đốc có thể sẽ báo hiệu rằng BOJ đang tiến gần hơn đến việc tăng lãi suất trở lại, mặc dù thận trọng”, ông Ryutaro Kono - chuyên gia kinh tế trưởng tại BNP Paribas nhận định.

Hà Vy

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/thoa-thuan-thuong-mai-voi-my-mo-duong-cho-nhtw-nhat-tang-lai-suat-167910.html