Thông dòng vốn đầu tư hạ tầng hàng hải
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, nguồn vốn đầu tư hàng trăm nghìn tỷ đồng sẽ được huy động chủ yếu từ ngoài ngân sách. Cần làm gì để hiện thực hóa chủ trương này?
Quy mô phát triển gấp 5 lần
Ngay trong quý I/2025, hai bến số 5 và 6 bến cảng HHIT (Công ty CP Hateco là nhà đầu tư) tại khu bến Lạch Huyện (Hải Phòng) sẽ chính thức được đưa vào khai thác.
![Dự án bến số 5, 6 Lạch Huyện là dự án do doanh nghiệp tư nhân đầu tư và khai thác. Ảnh: Tạ Hải.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_30_51462381/ab3b9485a4cb4d9514da.jpg)
Dự án bến số 5, 6 Lạch Huyện là dự án do doanh nghiệp tư nhân đầu tư và khai thác. Ảnh: Tạ Hải.
Ngày 6/2 vừa qua, cảng chính thức đón chuyến tàu thương mại đầu tiên vào khai thác. Cũng trong quý I, dự kiến giai đoạn 1 của bến cảng 3,4 (Công ty CP Cảng Hải Phòng là nhà đầu tư) sẽ đưa vào khai thác.
Đây cũng là hai dự án cảng biển điển hình do các doanh nghiệp đầu tư, khai thác. Hai dự án được kỳ vọng tiếp tục phát triển năng lực của hệ thống cảng biển Hải Phòng nói riêng và hệ thống cảng biển Việt Nam nói chung.
Từ khi quy hoạch cảng biển đầu tiên được Thủ tướng phê duyệt (năm 1999), hệ thống cảng biển mới chỉ có 20km cầu cảng với năng lực thông qua 80 triệu tấn/năm.
Đến nay, hệ thống cảng biển Việt Nam đã phát triển gấp 5 lần về quy mô (khoảng gần 100km cầu cảng). Năng lực thông qua tăng đến gần 10 lần với công suất khoảng 750 triệu tấn/năm.
Có thể kể đến một số bến cảng đã được đầu tư từ nguồn vốn doanh nghiệp trong và ngoài nước, đạt hiệu quả khai thác cao như bến cảng container số 1, 2 Lạch Huyện, các bến cảng container quốc tế cái Mép (CMIT), cảng quốc tế Gemalink tại Cái Mép…
Tìm hiểu của PV, hiện nhiều bến cảng lớn đang được các nhà đầu tư quan tâm như: dự án bến cảng tại Lạch Huyện (cảng biển Hải Phòng), Liên Chiểu (cảng biển Đà Nẵng), Cần Giờ (TP.HCM), Cái Mép Hạ (Bà Rịa - Vũng Tàu)…
Hơn 99% hạ tầng cảng biển được xã hội hóa
Đại diện Cục Hàng hải Việt Nam khẳng định, hàng hải là một trong những lĩnh vực xã hội hóa sớm và nhanh nhất. Tính tới nay, có tới hơn 99% kết cấu hạ tầng cảng biển được đầu tư bằng nguồn xã hội hóa của tư nhân và các tổ chức trong, ngoài nước. Riêng từ năm 2015 tới nay, toàn bộ kết cấu hạ tầng cảng biển đều được đầu tư bằng nguồn xã hội hóa.
Trong khi đó, nguồn lực nhà nước tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng, đặc biệt là các cảng cửa ngõ quốc tế, phục vụ chung cho khu vực, có tính lan tỏa.
Thời gian qua, nhiều dự án đầu tư kết cấu hạ tầng hàng hải đã được thực hiện như: đầu tư đê chắn sóng chắn cát, luồng hàng hải tại khu bến Lạch Huyện, tuyến luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu với tổng mức đầu tư ban đầu gần 8.000 tỷ đồng. Cùng đó là dự án đầu tư nâng cấp luồng Cái Mép cũng được đầu tư. Hiện đang tiếp tục đề xuất các dự án mở rộng nâng cấp đê chắn sóng Vũng Áng, luồng hàng hải Nghi Sơn…
Cần cơ chế thông thoáng hơn
Năm 2024, dự án nâng cấp luồng hàng hải Hải Phòng (đoạn kênh Hà Nam) được coi là dự án tiên phong trong việc sử dụng nguồn vốn xã hội hóa để nâng cấp hạ tầng hàng hải công cộng.
Dự án do Công ty CP Cảng Nam Đình Vũ làm chủ đầu tư, nâng cấp đoạn luồng từ vũng quay tàu bến cảng container quốc tế Hải Phòng đến khu vực cảng Nam Đình Vũ xuống độ sâu -8.5m, đáp ứng cho các tàu có mớn nước tới -8.5m ra vào cảng làm hàng thuận lợi, không tốn nhiều thời gian chờ đợi.
Sau đó, Bộ GTVT cũng tiếp tục chấp thuận chủ trương nâng cấp hai đoạn luồng từ thượng lưu bến cảng Nam Đình Vũ đến khu vực cảng Nam Hải Đình Vũ và đoạn luồng từ thượng lưu bến cảng Nam Đình Vũ đến bến cảng Đình Vũ.
Hai dự án đều do doanh nghiệp chủ động đề xuất và được thực hiện bằng nguồn kinh phí của doanh nghiệp. Các dự án không tận thu sản phẩm nạo vét và sau khi hoàn thành sẽ được bàn giao cho Cục Hàng hải Việt Nam để khai thác, bảo trì.
Ông Vũ Thế Hưng, Quyền trưởng phòng Kế hoạch - Đầu tư, Cục Hàng hải VN cho biết, trong bối cảnh nguồn lực của Nhà nước có hạn, tập trung thực hiện theo kế hoạch đầu tư công trung hạn và bám sát các quy hoạch, việc các doanh nghiệp muốn đầu tư kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng luôn được khuyến khích.
Đại diện Cục Hàng hải VN cho rằng, nếu doanh nghiệp bỏ chi phí thực hiện, sẽ trực tiếp được hưởng lợi từ độ sâu của luồng hàng hải. Bởi thế, việc đầu tư thế nào, lợi ích cụ thể của việc xã hội hóa cho đầu tư hạ tầng luồng hàng hải công cộng ra sao sẽ theo kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.
Điển hình, sau khi dự án nâng cấp luồng hàng hải Hải Phòng (đoạn kênh Hà Nam) hoàn thành, các tàu ra vào cảng biển trong khu vực đã không phải chờ thủy triều, rút ngắn thời gian chờ đợi 3-4 tiếng so với trước.
Tuy nhiên, để thu hút nguồn lực xã hội hóa cho hạ tầng hàng hải công cộng, ông Phạm Quốc Long, Chủ tịch Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ hàng hải (Visaba) đánh giá cần nhiều yếu tố.
Một trong những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp khi nạo vét, duy tu luồng hàng hải hay khu nước trước bến hiện nay là các thủ tục hành chính về môi trường, tìm chỗ đổ chất nạo vét thường tốn nhiều thời gian và phức tạp.
"Cơ chế thủ tục nạo vét luồng cần thông thoáng hơn. Các địa phương cũng cần quy hoạch các khu vực đổ chất nạo vét để doanh nghiệp có thể thuận tiện hơn trong việc tìm chỗ đổ thải", ông Long nói và cho rằng, việc phân định rõ vật chất nạo vét và tài nguyên cũng cần được rõ ràng để không làm khó doanh nghiệp.
Theo Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021 – 2025, đến năm 2030, nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển cần khoảng 351.500 tỷ đồng.
Trong đó, nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng hàng hải công cộng khoảng 72.800 tỷ đồng và nhu cầu vốn đầu tư cho bến cảng khoảng 278.700 tỷ đồng.