'TP.HCM không bao giờ quên sự hỗ trợ, chia sẻ của đồng bào cả nước trong dịch COVID-19'

Đại biểu Trần Hoàng Ngân đã nêu ra nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong thực hiện Nghị quyết 43 và mong sớm được khắc phục để gói hỗ trợ đi vào thực tiễn.

Sáng 25-5, Quốc hội đã nghe báo cáo kết quả thực hiện giám sát chuyên đề thực hiện Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết về một số dự án quan trọng quốc gia.

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) bày tỏ đồng tình cao với báo cáo giám sát. Theo ông, Đoàn giám sát đã làm việc rất nỗ lực, chi tiết, chỉ ra được những thành công, những tồn tại trong quá trình thực hiện Nghị quyết 43.

 Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn TP.HCM. Ảnh: QH

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn TP.HCM. Ảnh: QH

Đại biểu Ngân nhìn nhận đại dịch COVID-19 đã để lại hậu quả rất nặng nề kéo dài nhiều năm và TP.HCM là địa phương bị tổn thương rất nặng nề. Chính vì vậy, chính quyền TP rất quan tâm, mong muốn có gói hỗ trợ chính sách để phục hồi, phát triển kinh tế.

“Đầu năm 2022, tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 43/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với tỉ lệ tán thành rất cao. Điều đó đã cho thấy sự cấp thiết của nghị quyết này đối với sự phục hồi, phát triển kinh tế đất nước” – ông Ngân nói và cho rằng sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trên cả ba mục tiêu đề ra là kiểm soát đại dịch, phục hồi tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã hội.

“Qua thực tiễn thực hiện các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội cũng như Nghị quyết 43, kinh tế của chúng ta đã thực sự phục hồi, phát triển” – đại biểu Ngân nói và dẫn chứng năm 2021 do ảnh hưởng đại dịch COVID-19 nên tăng trưởng chỉ đạt 2,6% nhưng đến năm 2022 đã đạt 8,12% và năm 2023 là 5,05%...

Đặc biệt, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, việc thực hiện Nghị quyết đã giúp đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cân đối thu chi, kéo giảm nợ công (từ 43% năm 2022 xuống còn 37% năm 2023)… trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, bất thường.

Về mục tiêu kiểm soát đại dịch cũng đã đạt được, trong đó TP.HCM bắt đầu mở giãn cách bắt đầu từ 10-2021, còn cả nước là quý I-2022. Về mục tiêu an sinh xã hội, đã có nhiều chương trình có ý nghĩa được thực hiện, nhiều người lao động đã được hỗ trợ tiền thuê nhà.

“Theo thống kê đã có 5,2 triệu lượt người lao động được hỗ trợ” – ông nói và cho rằng các chính sách miễn giảm thuế, giảm tiền thuê đất… cũng có giá trị nhất định đối với sự phục hồi của các doanh nghiệp.

 Các đại biểu tại phiên thảo luận sáng 25-5. Ảnh: QH

Các đại biểu tại phiên thảo luận sáng 25-5. Ảnh: QH

Nhấn mạnh về gói đầu tư phát triển, đại biểu Ngân cho biết bên cạnh chi tiêu đầu tư phát triển theo đầu tư công trung hạn thì đã có thêm nguồn lực đầu tư là hơn 187 ngàn tỉ đồng dành cho 272 dự án từ gói hỗ trợ này. “Đó là những nỗ lực đáng trân quý” – đại biểu Ngân khẳng định.

Dù vậy, theo ông vẫn còn những tồn tại và nêu ra những nguyên nhân để khắc phục.

Thứ nhất, đây là việc chưa có tiền lệ, không ai mong muốn xảy ra đó là dịch COVID-19. “TP.HCM không thể quên những tháng ngày đó và cũng không bao giờ quên sự giúp đỡ, hỗ trợ, chia sẻ của đồng bào cả nước với nhân dân TP” – đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.

Thứ hai là về thể chế và là nguyên nhân rất quan trọng. Ông cho rằng thời điểm đó vừa cấp bách làm để cứu dân vừa hỗ trợ doanh nghiệp… nhưng lại sợ hậu kiểm có sai không? Hay như gói hỗ trợ lãi suất vay vốn 2%, doanh nghiệp rất muốn nhưng họ cũng lo ngại sau này hậu kiểm liệu có xảy ra vấn đề gì, có an toàn hay không…

Thứ ba, theo ông Ngân, sau đại dịch thì Việt Nam còn bị ảnh hưởng xung đột Nga – Ukrainer dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng, giá xăng dầu tăng, giá nguyên vật liệu cũng tăng, lạm phát thế giới tăng 8,8% (gấp 4 lần so với trước).

“Tôi mong những vấn đề trên sớm được khắc phục để gói hỗ trợ được đi vào thực tiễn, phù hợp với thực tế phát sinh” – đại biểu Trần Hoàng Ngân kỳ vọng.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho rằng qua nghiên cứu báo cáo kết hợp với thực tiễn triển khai tổ chức giám sát nội dung này tại địa phương cho thấy việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn cụ thể thực hiện Nghị quyết 43 còn chậm.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương). Ảnh: QH

“Trong số 21 văn bản được thống kê trong phụ lục của báo cáo về tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan chỉ có duy nhất một văn bản được ban hành đúng thời hạn, còn lại 20 văn bản đều chậm và muộn” – bà dẫn chứng và nêu rõ Nghị quyết 43 có thời hạn hai năm thì mất một cho công tác ban hành văn bản. Nhiều văn bản chậm từ 2-7 tháng.

Theo đại biểu Nga, Nghị quyết 43 ra đời trong tình trạng cấp bách, để thực hiện những nhiệm vụ cấp bách, trong sức nén thời gian là hai năm, tuy nhiên việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật vẫn bị chậm, muộn như thời gian trước.

“Việc chậm, muộn ban hành văn bản quy phạm pháp luật này là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tỉ lệ giải ngân thấp, một số chính sách chưa đạt được mục tiêu đề ra, ảnh hưởng đến kết quả chung” – đại biểu Việt Nga nhấn mạnh và đề nghị Quốc hội tiếp tục giám sát việc kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân trong các tồn tại, hạn chế đã nêu.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-khong-bao-gio-quen-su-ho-tro-chia-se-cua-dong-bao-ca-nuoc-trong-dich-covid-19-post792434.html