Trịnh Hoài Đức công thần nhiều công đức: Bài 3: Chuyến đi sứ của Trịnh Hoài Đức và quốc hiệu Việt Nam

Theo tự sự của Trịnh Hoài Đức trong Cấn Trai thi tập do Đỗ Thị Hảo dịch, Trịnh Hoài Đức là chánh sứ đầu tiên được vua Gia Long cử sang nước Đại Thanh, trực tiếp tham gia đàm phán với Thanh triều về việc đặt quốc hiệu Việt Nam.

Nguyên Ủy viên Ban TVTU, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Huỳnh Văn Tới dâng hương mộ Trịnh Hoài Đức. Ảnh: Huy Anh

Nguyên Ủy viên Ban TVTU, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Huỳnh Văn Tới dâng hương mộ Trịnh Hoài Đức. Ảnh: Huy Anh

Mùa xuân năm Nhâm Tuất (1802), Nguyễn Ánh lên ngôi vua, bang giao với Đại Thanh là việc hệ trọng hàng đầu, liền cử đoàn sứ thần đến Thanh triều để thiết lập quan hệ với chủ thể mới. Đoàn sứ thần do Trịnh Hoài Đức (vừa được triệu về Kinh thăng chức Thượng thư Bộ Hộ) làm Chánh sứ. Hai Phó sứ là Tĩnh Viễn hầu Ngô Nhân Tĩnh - Tham tri Bộ Binh và Uẩn Tài hầu Hoàng Ngọc Uẩn - Tham tri Bộ Hình. Nhiệm vụ được giao ban đầu cho đoàn sứ thần: Báo với Thanh triều để công nhận chủ quyền của vua Gia Long, đề nghị thu hồi các ấn phong, sắc phong của Thanh triều cho Tây Sơn, bàn giao những phạm nhân nội địa Trung Hoa bị bắt giữ vì tội cướp phá, gồm những: Mạc Quan Phù, Lương Văn Canh, Phan Văn Tài.

Đoàn sứ đi trên hai tàu chiến Bạch Yến và Huyền Hạc, xuất phát từ cửa biển Thuận An ngày 12-6; đến ngày 19-6 qua địa phận phủ Tam Châu thuộc vùng biển đất Việt, gặp bão lớn, mặt biển điên đảo, tàu bị gió đánh quay cuồng, sóng cao như núi, cực kỳ dữ dội; tàu bị xô nghiêng ngả như chiếc lá trong chỗ nước xoáy, tình trạng rất nguy ngập.

Chánh sứ Trịnh Hoài Đức ở tàu Bạch Yến vượt được cơn bão dạt vào bãi cát Thượng Xuyên. Hai Phó sứ ở tàu Huyền Hạc giữa biển khơi, chống đỡ với gió dữ, cột buồm gãy, tàu bị dạt vào vùng Đại Áo thuộc vùng biển nước Việt.

Đến ngày 1-7, bão yên, hai thuyền mới hợp nhau, cùng đến Hổ Môn quan thuộc Việt Đông (nay thuộc tỉnh Quảng Tây); trình báo với quan Tổng đốc Lưỡng Quảng của Thanh triều là Giác La Cát Khanh - Thượng thư Bộ Binh, tước Thái tử Thái Bảo, Hiệp biện đại học sĩ. Đoàn sứ nghỉ ở dịch quán, chờ hồi báo của triều đình.

Hoàn thành sứ mệnh, đoàn sứ thần về nước, qua ải Nam quan; mùng 1 Tết Giáp Tý (1804) về đến thành Thăng Long, làm lễ triều yết, lưu lại để dự đại lễ nhận sách phong. Vua Gia Long giao Trịnh Hoài Đức làm thị giá (theo hầu vua), Tĩnh Viễn hầu Ngô Nhân Tĩnh tiếp sứ Tề Bố Sâm - Bố chính tỉnh Quảng Tây sang làm lễ sách phong; do cả Trịnh Hoài Đức và Ngô Nhân Tĩnh đều thông thạo văn hóa Hoa nên việc giao tiếp, khoãn đãi chu toàn, lễ sách phong được tổ chức trang trọng, giữ gìn quốc thể.

Mãi đến tháng 10 mới được tiếp chỉ của Thanh triều chuẩn cho đoàn sứ bộ lên đường tiến kinh. Lúc này, đoàn sứ bộ nhận được tin vua Gia Long thu hồi toàn cõi đất nước, tiếp đó, vua cử đoàn sứ bộ thứ hai do Mẫn Chính hầu Lê Quang Định (Thượng thư Bộ Binh) làm Chánh sứ, cùng hai phó sứ là Nguyễn Địch Cát, tước Quì Giang hầu, Học sĩ điện Cần Chính và Lê Chính Lộ, tước Quýnh Giám hầu, Thiêm sự Bộ Lễ sang Thanh triều hợp cùng đoàn sứ bộ thứ nhất dâng biểu thỉnh phong.

Đoàn sứ của Trịnh Hoài Đức nhận được trát của quan Đốc phủ Lưỡng Việt đề nghị lưu lại tỉnh Quế để chờ sứ bộ thứ hai đến rồi cùng tiến kinh. Quan Đốc phủ Lưỡng Việt lo ngại vì trong tờ biểu thỉnh phong gửi đến có nội dung xin lấy quốc hiệu là Nam Việt. Ấy là điều cấm kỵ của Thanh triều khi nhắc đến tên một nước Nam Việt xưa được xem là “phản loạn”.

Quả nhiên, không lâu sau, Quan đại thần Quân cơ của Thanh triều có bản văn quở trách, lệnh cho quan Tuần phủ Quảng Tây là Tôn Ngọc Đình báo với triều đình Gia Long phải gửi lại tờ biểu đổi theo quốc hiệu cũ là An Nam.

Một thời gian sau, triều đình Gia Long có tờ biểu với nội dung cứng cỏi nhưng khôn khéo, dẫn giải rằng: An Nam là quốc hiệu của triều ngụy Tây, nên đổi khác. Các quan: Tuần phủ họ Tôn, Bố chính Nga, Án sát Thanh An Thái băn khoăn, mời sứ bộ hai đoàn đến trao đổi nhằm thuyết phục làm biểu văn theo ý chỉ của Thanh triều.

Mộ Trịnh Hoài Đức và phu nhân có hình voi phục, tại P.Trung Dũng (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.Lam

Mộ Trịnh Hoài Đức và phu nhân có hình voi phục, tại P.Trung Dũng (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.Lam

Sứ bộ hai đoàn biện luận: Việc đặt quốc hiệu là do vua quyết định, sứ bộ không thể tự ý và trái ý. Quan phủ họ Tôn thấy không thể lay chuyển được ý của hai đoàn sứ bộ, bèn giao cho quan phủ Thái Bình ở gần quan ải làm văn thư qua lại với triều đình Gia Long để thống nhất nội dung biểu văn. Cuối cùng, quan phủ Thái Bình cũng thuận theo ý của Nguyễn triều, làm biểu văn tấu về triều đình, chờ lệnh.

Việc binh cơ hai nước còn đang bề bộn, thư từ chậm trễ, nghi thức tiếp đón bang giao rườm rà khiến thời gian kéo dài, đợi chờ nóng ruột. Có tin đồn, do trái ý, hai sứ bộ đều bị cầm giữ. Vua Gia Long lo lắng, cử người đến quan ngoại để thăm dò tin tức.

Ở triều đình Đại Thanh, vua Gia Khánh nhận được biểu văn, cho triều thần nghị bàn. Chắc là nghị bàn nhiều lắm, cuối cùng ban chiếu tháng Tư năm Quý Hợi (1803), cho hai đoàn sứ bộ hợp nhất, tiến kinh. Tháng 5-1803, sứ đoàn khởi hành từ tỉnh Quế, tháng 8 đến Yên Kinh, rồi qua Vạn Lý Trường Thành đến Hành cung Nhiệt Hà ở cửa khẩu Cổ Bắc để làm lễ bái cận yết; đó là lần đầu tiên sứ bộ của Nguyễn triều Gia Long tham dự đại lễ này.

Sau đại lễ, Đoàn sứ thần được dịp trình bày sứ mệnh được giao, biện luận về quốc hiệu, được Thanh triều thuận ý, thống nhất quốc hiệu triều Nguyễn Gia Long là Việt Nam (tránh tên Nam Việt, không dùng lại An Nam). Các sứ bộ được đãi yến Trung thu vui vẻ. Vậy là, hài hòa, trọn vẹn đôi bề, nước nhà có chủ, có tên, tránh binh đao.

H.V.T

Bài 4: Bảo tồn, phát huy giá trị quần thể lăng mộ Trịnh Hoài Đức

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202312/trinh-hoai-duc-cong-than-nhieu-cong-duc-bai-3-chuyen-di-su-cua-trinh-hoai-duc-va-quoc-hieu-viet-nam-07f64d3/