Trung Quốc cấm phẫu thuật Alzheimer vì lo ngại về an toàn

Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) Trung Quốc mới đây đã ban hành lệnh cấm ứng dụng lâm sàng phẫu thuật cổ để điều trị bệnh Alzheimer, với lý do hiệu quả chưa được chứng minh và rủi ro an toàn tiềm ẩn.

Thông báo chính thức của Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) Trung Quốc đưa ra ngày 8/7 nêu rõ, đánh giá của chuyên gia kết luận, kỹ thuật phẫu thuật này vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu lâm sàng ban đầu và thiếu các chỉ định, chống chỉ định được xác định rõ ràng hoặc bằng chứng chắc chắn chứng minh tính an toàn và hiệu quả điều trị.

Các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân tỉnh Chiết Giang thực hiện phẫu thuật LVA cho một bệnh nhân mắc Alzheimer ngày 27/2. Ảnh: Báo Thanh niên Trung Quốc

Các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân tỉnh Chiết Giang thực hiện phẫu thuật LVA cho một bệnh nhân mắc Alzheimer ngày 27/2. Ảnh: Báo Thanh niên Trung Quốc

Kỹ thuật mà NHC đề cập được gọi là phẫu thuật “nối mạch/hạch bạch huyết-tĩnh mạch” (LVA). Đây là phẫu thuật sử dụng kỹ thuật vi phẫu để nối mạch bạch huyết hoặc hạch bạch huyết với các tĩnh mạch gần cổ, giúp tăng tốc độ lưu thông và dẫn lưu dịch bạch huyết.

Những người ủng hộ phẫu thuật này tin rằng kỹ thuật này có thể thúc đẩy quá trình loại bỏ các protein có hại, bao gồm beta-amyloid khỏi não, từ đó làm chậm quá trình tiến triển của bệnh Alzheimer.

Kể từ năm 2024, tin tức về việc bệnh Alzheimer có thể được điều trị bằng phẫu thuật LVA đã liên tục gây chú ý trên mạng xã hội Trung Quốc.

Theo truyền thông nước này, hơn 100 bệnh viện ở Trung Quốc đã thực hiện phẫu thuật trên. Có bệnh viện đã tiến hành hàng trăm ca, còn số này trên cả nước Trung Quốc lên tới trên 1.000 ca. Hầu hết các ca phẫu thuật được thực hiện tại các bệnh viện cấp tỉnh, một số bệnh viện cấp huyện và bệnh viện tư nhân cũng đang thực hiện. Một số nhóm thậm chí còn mở rộng sang điều trị bệnh Parkinson.

Chi phí giữa các cơ sở y tế rất khác nhau, có nơi chỉ thu 10.000 đến 20.000 nhân dân tệ (tương đương hơn 36 triệu đến hơn 72 triệu đồng Việt Nam), trong khi có những bệnh viện thu đến hơn 200.000 nhân dân tệ. Phẫu thuật này có lúc còn được quảng cáo là một “ứng dụng công nghệ mới”, một số bài viết khẳng định nó “hiệu quả 100%”, dấy lên hy vọng đây có thể là bước ngoặt đối với những người mắc Alzheimer.

Tuy nhiên, trang Red Star News của Trung Quốc dẫn lời bác sĩ cấp cao Nhậm Chấn Hổ (Ren Zhenhu) của khoa Ung bướu Răng hàm mặt - Đầu cổ Bệnh viện Nhân dân số 9 thuộc Đại học Giao thông Thượng Hải cho biết, về nguyên tắc, các tổn thương thoái hóa không thể đảo ngược. Ông giải thích, có thể có những bệnh nhân “đảo ngược” trong một thời gian ngắn sau phẫu thuật, nhưng theo quan điểm của các chuyên gia, điều này không thể được coi là hiệu quả. Đây có thể là tác dụng ngắn hạn do gây mê và chấn thương phẫu thuật mang lại. Tác dụng thực sự cần được quan sát trong thời gian dài. Đã có sự đồng thuận quốc tế rằng hiệu quả điều trị bệnh Alzheimer cần hơn một năm.

Theo ông, việc nhân rộng các ứng dụng lâm sàng quy mô lớn mà không có bằng chứng là liều lĩnh. Chỉ sau khi tích lũy được bằng chứng chất lượng cao và được đưa vào các hướng dẫn có thẩm quyền hoặc nhận được sự đồng thuận của chuyên gia, các bệnh viện mới có thể nhân rộng.

Bích Thuận/VOV-Bắc Kinh

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/trung-quoc-cam-phau-thuat-alzheimer-vi-lo-ngai-ve-an-toan-post1213745.vov