Ung thư đại tràng di căn vì chủ quan tưởng bệnh trĩ
Hiện nay, tại Việt Nam, số ca mắc ung thư đại trực tràng đang gia tăng nhanh chóng, đây cũng là 1 trong các bệnh lý ung thư phổ biến nhất.
Liên tục đại tiện ra máu, bà H.T.L nghĩ rằng mình mắc bệnh trĩ, đến khi đi khám phát hiện ung thư trực tràng. Các bác sĩ khoa Ngoại Tiêu Hóa – Gan Mật Tụy Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á đã tiến hành phẫu thuật nội soi cắt bỏ khối u và nạo hạch chậu, điều trị triệt để khối u gây hại sức khỏe.
Cách đây 2 tháng, bà H.T. L (70 tuổi, Long An) thường xuyên đại tiện ra máu. Bà đã đến một cơ sở y tế ở địa phương để thăm khám thì được chẩn đoán có polyp trực tràng và được cho thuốc điều trị tại nhà.
Trong thời gian uống thuốc, bà không còn đại tiện ra máu nên nghĩ rằng bệnh đã khỏi. Tuy nhiên, hai tháng sau, tình trạng đại tiện ra máu tái diễn kéo dài khiến bà lo lắng và quyết định tìm đến Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á để thăm khám.

Nội soi phẫu thuật ung thư đại tràng cho bệnh nhân - Ảnh BVCC
Tại phòng khám Ngoại Tiêu Hóa – Gan Mật Tụy, người bệnh được bác sĩ thăm khám và chỉ định soi đại tràng cùng các kiểm tra cận lâm sàng cần thiết khác. Kết quả nội soi phát hiện có một khối u nằm ở 1/3 giữa – dưới trực tràng, kết quả chụp CT và MRI bụng cũng ghi nhận khối u đã di căn hạch chậu.
Nhận định bệnh đang trong giai đoạn tiến triển và có biến chứng, không thể chậm trễ thời gian điều trị, cuộc hội chẩn đa chuyên khoa với sự tham gia của các bác sĩ khoa Chẩn đoán hình ảnh, Ngoại Tiêu Hóa – Gan Mật Tụy, Ung Bướu đã được diễn ra nhanh chóng. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng tình trạng khối u, người bệnh được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ khối u, nạo vét hạch chậu, sau đó lên phác đồ hóa xạ trị bổ túc sau mổ.
ThS.BSCKII Phan Văn Sơn, khoa Ngoại Tiêu Hóa – Gan Mật Tụy Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á cho biết: “Trong quá trình phẫu thuật, chúng tôi đã tiến hành nội soi cắt hoàn toàn phần trực tràng và mạc treo của trực tràng qua ngả hậu môn và nội soi qua ngả bụng. Sau khi cắt u xong, ê-kíp tiếp tục nạo hạch chậu để lấy hết phần hạch di căn nhằm điều trị triệt để cũng như giảm tái phát ung thư tại chỗ.
Với cách tiếp cận qua nội soi ổ bụng và ngả dưới hậu môn, ê-kíp phẫu thuật viên rút ngắn đáng kể thời gian mổ chỉ còn 3 tiếng (ca mổ trước đây thường kéo dài 8 tiếng), vết mổ nhỏ chỉ 10mm, ít xâm lấn giúp người bệnh mau hồi phục”.
Hiện tại, bệnh nhân đã ăn uống, đi lại và sinh hoạt bình thường, không còn tình trạng đại tiện ra máu. Theo kế hoạch, người bệnh được lên phác đồ hóa xạ trị bổ túc sau mổ, đó là giải pháp tăng tỷ lệ sống còn cho người bệnh ung thư.

Bác sĩ thăm khám bệnh nhân bị đại tiện ra máu vì ung thư trực tràng - Ảnh BVCC
Hiện nay, tại Việt Nam, số ca mắc ung thư đại trực tràng đang gia tăng nhanh chóng, đây cũng là 1 trong các bệnh lý ung thư phổ biến nhất. Nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, ung thư đại trực tràng sẽ có kết quả điều trị tốt, cơ hội kéo dài sự sống cao.
Nếu phát hiện muộn, ung thư đã chuyển qua giai đoạn di căn thì tỷ lệ sống trên 5 năm của bệnh nhân giảm xuống dưới 10%.
Ung thư đại trực tràng thường âm thầm tiến triển, không xuất hiện triệu chứng rầm rộ ở giai đoạn đầu nên người bệnh dễ chủ quan bỏ qua bệnh hoặc các triệu chứng mơ hồ khiến chúng ta dễ nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường khác.
Do vậy, người dân, đặc biệt là những người trên 45 tuổi nên đi thăm khám, nội soi đại trực tràng mỗi 5 – 10 năm, kể cả khi không có triệu chứng bệnh. Riêng những bệnh nhân có rối loạn đại tiện, đại tiện ra máu bất thường thì nên đi thăm khám ngay để được bác sĩ chẩn đoán và có hướng điều trị kịp thời.
Tầm soát và phát hiện bệnh sớm sẽ tăng khả năng điều trị triệt để. Ngược lại, phát hiện bệnh muộn làm giảm khả năng điều trị triệt căn, thậm chí người bệnh sẽ phải đối diện với những biến chứng nguy hiểm sức khỏe”, bác sĩ Phan Văn Sơn khuyến cáo.