Ưu tiên nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông

Trong chương trình hành động về phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo an ninh vùng Đông Nam bộ, Bộ Giao thông Vận tải ưu tiên nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; hỗ trợ các địa phương đầu tư xây dựng trung tâm logistics hàng không; phân cấp, phân quyền cho địa phương đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông…

Cao tốc Bến Lức – Long Thành. Ảnh: Minh Hoàng

Cao tốc Bến Lức – Long Thành. Ảnh: Minh Hoàng

Bộ Giao thông vận tải đã ban hành chương trình hành động về phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, bộ ưu tiên nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA, nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ quốc tế để phát triển hạ tầng giao thông trong vùng, có cơ chế chính sách phù hợp với vốn tư nhân và các vốn hợp pháp khác; phân cấp, phân quyền cho địa phương đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông do trung ương quản lý.

Bộ Giao thông vận tải sẽ hoàn thiện lưới giao thông theo quy hoạch. Trong đó, bộ sẽ lên phương án phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, đường vành đai TPHCM, đầu tư các cảng hàng không và kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, phát triển đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, các tuyến đường sắt đô thị TPHCM.

Đến năm 2026, các tuyến cao tốc như Biên Hòa – Vũng Tàu, Bến Lức – Long Thành sẽ hoàn thành. Cùng với đó là mở rộng cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đưa vào hoạt động cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Ngoài ra, bộ sẽ hỗ trợ địa phương đầu tư một số tuyến đường bộ cao tốc, vành đai như đường vành đai 4 TPHCM, mở rộng cao tốc TPHCM – Trung Lương, cao tốc TPHCM – Mộc Bài, TPHCM – Chơn Thành và Chơn Thành – Gia Nghĩa, hoàn thiện vào năm 2030. Bộ Giao thông vận tải cũng mở rộng hệ thống cao tốc, quốc lộ TPHCM – Trung Lương, TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, tuyến kết nối cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Về vận tải hàng không, cơ quan quản lý giao thông thực hiện kế hoạch mở rộng các cảng hàng không Côn Đảo, nâng công suất cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 2 lên thành 50 triệu khách/năm, hỗ trợ tỉnh Đồng Nai sớm khôi phục, nâng cấp cảng hàng không Biên Hòa thành lưỡng dụng cấp 4E.

Về đường sắt, bộ sẽ nghiên cứu, đầu tư tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu kết nối với cảng biển Cái Mép – Thị Vải, tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành, TPHCM – Cần Thơ, TPHCM – Lộc Ninh. Thêm vào đó, cơ quan quản lý giao thông Trung ương cũng hỗ trợ cho địa phương hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị TPHCM, tuyến đường sắt đô thị kết nối TPHCM với tỉnh Bình Dương, Đồng Nai.

Bộ Giao thông Vận tải cũng sẽ phối hợp, hỗ trợ các địa phương đầu tư xây dựng trung tâm logistics hàng không gắn với sân bay quốc tế Long Thành, đầu tư phát triển hệ thống logistics cảng tại Bà Rịa – Vũng Tàu và TPHCM; đổi mới công nghệ xếp dỡ tại các đầu mối vận tải, áp dụng công nghệ tiên tiến, phát triển dịch vụ hỗ trợ vận tải, vận tải đa phương thức, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics…

T.Đào

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/uu-tien-nguon-luc-cho-phat-trien-ket-cau-ha-tang-giao-thong/