Vẽ lại bản đồ PCI
Sau 19 năm liên tiếp, đây là báo cáo PCI cuối cùng có sự hiện diện 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024, vừa được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, thu hút sự quan tâm của các địa phương và doanh nghiệp trước khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Sau 19 năm liên tiếp, đây là báo cáo PCI cuối cùng có sự hiện diện 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Sắp tới, Việt Nam sẽ bước sang thời kỳ mới với 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố. Trong bối cảnh đó, việc "soi" bản đồ PCI năm 2024 không chỉ để thấy những địa phương nào đang vươn lên mà còn nhằm đánh giá lại phương pháp tiếp cận, tiêu chí đo lường, từ đó có thể vẽ lại bản đồ năng lực cạnh tranh cho phù hợp với cấu trúc hành chính mới.
Riêng ở ĐBSCL, trong 10 địa phương đứng đầu bảng xếp hạng PCI năm 2024, vùng này góp mặt 3 tỉnh, gồm: Long An đứng thứ 3, Hậu Giang xếp thứ 7 và Đồng Tháp thứ 9. Một số địa phương khác ở miền Tây như Cần Thơ, Bến Tre, Trà Vinh… cũng có vị trí khá tốt. Tuy nhiên, các tỉnh còn lại đã rơi xuống nhóm trung bình hoặc cuối bảng, như Kiên Giang xếp hạng chót, Bạc Liêu thứ 62, còn An Giang thứ 59/63.
Kết quả trên cho thấy bên cạnh điểm sáng, vẫn còn những bóng mờ. Nhiều địa phương vùng ĐBSCL đạt điểm khá về chỉ số gia nhập thị trường, giảm phiền hà trong thanh - kiểm tra, tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến... Song, vẫn còn một số "điểm nghẽn" tồn tại nhiều năm mà chưa được khắc phục, như: chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu, hệ thống sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng còn hạn chế, năng lực xúc tiến đầu tư và cải cách thể chế chưa đồng đều. Bên cạnh đó, không thể không đặt câu hỏi về khoảng cách trong nội vùng và sự thiếu bền vững của những cải thiện mang tính kỹ thuật nhưng chưa đi vào chiều sâu thể chế, chưa chuyển biến thực tế qua góc nhìn của doanh nghiệp.
PCI là công cụ đánh giá năng lực điều hành cấp tỉnh, giúp doanh nghiệp "chọn mặt gửi vàng", còn chính quyền địa phương thì tự soi mình. Cạnh tranh giữa các địa phương là động lực tốt nhưng chỉ cạnh tranh thì chưa đủ. Việc phát triển hiện nay đặt ra yêu cầu về sự phối hợp, chia sẻ nguồn lực giữa các địa phương trong vùng. Điều này càng cần thiết khi đối mặt với những thách thức xuyên địa giới hành chính như biến đổi khí hậu, khủng hoảng chuỗi cung ứng, chuyển đổi số.
Là bản báo cáo cuối cùng về năng lực cạnh tranh của 63 địa phương trước khi sắp xếp lại địa giới hành chính, PCI năm 2024 được coi là "cột mốc" để nhìn lại chặng đường gần 2 thập kỷ thúc đẩy cải cách thể chế cấp tỉnh để mở ra một chương mới. Bản đồ PCI trong tương lai có thể khác về hình thức nhưng tinh thần vì một môi trường đầu tư tốt hơn vẫn cần được giữ vững như "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt.
Trong bối cảnh mới, nên xem xét thiết kế lại bộ chỉ số PCI theo hướng ngoài việc đánh giá năng lực cạnh tranh, cần có thêm thước đo phản ánh mức độ phối hợp chính sách, khả năng phát triển vùng động lực và hiệu quả của đầu tư công liên kết vùng. Điều này càng cần thiết đối với những vùng có quy mô địa giới lớn với yêu cầu, đòi hỏi cao về phát triển bền vững.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/ve-lai-ban-do-pci-post322429.html