Viết về nông thôn mới: Trách nhiệm và tự hào

Phong trào Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới đang bước vào giai đoạn nước rút với 74 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Góp sức vào thành công này, có sự đóng góp của đội ngũ phóng viên tỉnh nhà, khi đồng hành, sát cánh cùng các địa phương thông qua các tác phẩm báo chí của mình.

Đồng hành

Theo sát chương trình từ những ngày khởi động, nhà báo Đỗ Bình (Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh) không khỏi tự hào, khi chứng kiến những đổi thay của các xã từ những ngày mới bắt tay thực hiện từ con số 0. Chính thực tiễn sinh động ấy đã tạo chất liệu để anh sáng tác, xây dựng những tác phẩm báo chí phản ánh rõ nét quá trình xây dựng của bà con nhân dân các địa phương.

Phóng sự phát thanh “Chuyển đổi số để nâng tầm thương hiệu” của anh cùng với các đồng nghiệp được lựa chọn là 1 trong 2 tác phẩm truyền hình được trao giải A Giải báo chí Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới lần thứ XII. Đây cũng là năm đầu tiên có tác phẩm phát thanh đạt giải cao nhất tại cuộc thi này. Nhà báo Đỗ Bình chia sẻ: “Giờ bà con nông dân rất nhanh nhạy, ngoài tập trung phát triển các sản phẩm hàng hóa từ chính quê hương mình, bà con đã biết tận dụng sức mạnh của công nghệ để quảng bá, giới thiệu và bán được sản phẩm của mình trên Internet… Đây thực sự là bước tiến rất lớn và chúng tôi rất vui khi được chứng kiến và đồng hành cùng những người nông dân dám nghĩ, dám làm trong nỗ lực làm giàu từ chính quê hương mình”.

Không chỉ nhà báo Đỗ Bình, mà niềm tự hào và mong muốn được đồng hành, lan tỏa những mô hình tốt, cách làm hay trong quá trình xây dựng nông thôn mới được đội ngũ nhà báo, phóng viên tỉnh nhà coi như sứ mệnh.

Phóng viên Báo Tuyên Quang trong 1 lần tác nghiệp tại thôn Mỹ Hoa, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn).

Phóng viên Báo Tuyên Quang trong 1 lần tác nghiệp tại thôn Mỹ Hoa, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn).

Phóng sự “Chuyện nuôi cá suối và bài học đoàn kết ở thôn Chuông” của tác giả Bàn Thanh (Báo Tuyên Quang) được thực hiện từ một lời giới thiệu của cán bộ xã Hà Lang (Chiêm Hóa). Càng tìm hiểu, phóng viên Bàn Thanh lại càng trân quý và mong muốn lan tỏa ý nghĩa tốt đẹp của bà con thôn Chuông. Phóng viên Bàn Thanh cho biết: “Khi được cán bộ xã giới thiệu về câu chuyện 10 năm tự góp tiền mua cá giống để thả suối, bảo vệ môi trường của bà con thôn Chuông, tôi bán tín bán nghi.

Lâu nay, chuyện thả cá giống xuống suối giống như chuyện “cha chung không ai khóc”, nhưng khi được mục sở thị, thấy được tinh thần đoàn kết, hết lòng vì việc chung của bà con trong thôn, tôi vừa ngưỡng mộ, vừa tự hào. Phóng sự “Chuyện nuôi cá suối và bài học đoàn kết ở thôn Chuông” như một cách để chính bản thân tôi nói lời cảm ơn với những người dân nơi đây”.

Nhìn thẳng, nói thật

Trong số các tác phẩm tham gia giải báo chí Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới, ngoài những tác phẩm phản ánh kết quả, nỗ lực của các địa phương, từng người dân… thì có nhiều tác phẩm nhìn vào những mặt trái, những điều chưa được trong hành trình về đích của các địa phương. Để từ đó đề xuất giải pháp để các địa phương làm tốt hơn vai trò, nhiệm vụ của mình.

Loạt bài “Những dòng suối đang hấp hối” của nhóm tác giả Lại Cao Huy, Lý Thị Thu, Nguyễn Thị Tâm (Báo Tuyên Quang) là một trong những tác phẩm như thế. Phóng viên Lý Thị Thu chia sẻ: “Khi làm phóng viên, tôi được đi nhiều nơi, chứng kiến nhiều vẻ đẹp, những giá trị về môi trường, sinh thái mất đi. Tại các vùng quê, những dòng suối đang dần bị “bức tử” đã ảnh hưởng đến đời sống của người dân và sự phát triển bền vững của quê hương.

Tôi đau lòng vì điều đó và thấy trong đó có trách nhiệm của mình, cộng đồng mình đang sinh sống. Con người chúng ta đã hủy hoại môi trường một cách khủng khiếp. Từ những người thiếu ý thức, vứt rác bừa ra suối, đến việc ngăn dòng, chặn dòng, lấn chiếm lòng suối. Và việc trả lại sự sống cho những dòng suối cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền và toàn thể nhân dân. Vì vậy, chúng tôi đã bắt tay ngay vào thực hiện loạt bài “Những dòng suối đang “hấp hối” nhằm kêu gọi cộng đồng cùng hành động bảo vệ các dòng suối”.

Đánh giá về chất lượng các tác phẩm báo chí tham gia cuộc thi báo chí Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới, nhà báo Ma Văn Chức, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo tỉnh cho biết: Cuộc thi báo chí “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới” năm nay có 152 tác phẩm, tăng 31 tác phẩm so với năm trước. Đặc biệt Chi hội nhà báo Báo Tuyên Quang có ba năm liên tục được Ban Tổ chức tặng giấy khen cho các cá nhân có nhiều tác phẩm tham gia Cuộc thi.

Đây cũng là năm đầu tiên xuất hiện tác giả có tác phẩm đoạt giải là hội viên đang công tác tại Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao huyện tham gia và đoạt giải. Theo đồng chí Ma Văn Chức, chất lượng các tác phẩm tham dự Cuộc thi đồng đều hơn so với năm trước; trong đó có những tác phẩm đi sâu phản ánh vấn đề xây dựng nông thôn mới ở những góc độ, khía cạnh mới, đóng góp những giải pháp đẩy nhanh việc xây dựng nông thôn mới ở những vùng khó khăn, bằng những việc làm, con người cụ thể. Tác phẩm đoạt giải cao năm nay có sự bứt phá so với những năm trước đây; có tác phẩm thật sự xuất sắc, gây được ấn tượng mạnh với độc giả, khán thính giả.

Đồng chí Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh khẳng định: “Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Tuyên Quang là một quá trình đổi mới sâu sắc, toàn diện trên mọi lĩnh vực ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm phát triển nông thôn bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Đồng hành trong công cuộc xây dựng nông thôn mới là những nhà báo tâm huyết với mảng đề tài “nông nghiệp - nông thôn- nông dân”.

Bằng các tác phẩm của mình, các nhà báo đã góp thêm tiếng nói cổ vũ cho phong trào lớn của tỉnh, cũng như đưa ra các gợi mở nghiêm túc để những người thực hiện chính sách tìm được hướng đi đúng cho mình. Có thể nói, công tác tuyên truyền, phản ánh của báo chí đã tiếp thêm sức mạnh giúp các địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới một cách nhanh hơn và hiệu quả hơn”.

Giải báo chí “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới” đã bước sang năm thứ XIII. Như nhà báo Thủy Châu (Báo Tuyên Quang) khẳng định: Cuộc thi đã giúp chính phóng viên nhận thức đầy đủ hơn về vai trò, trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, về thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh trong lĩnh vực nông nghiệp. Với mỗi phóng viên, đây là cuộc thi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo môi trường tốt để người làm báo góp thêm tiếng nói trong lĩnh vực tam nông.

Bài, ảnh: Trần Liên

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/viet-ve-nong-thon-moi-trach-nhiem-va-tu-hao-193886.html