Xe tăng Altay mang tính đột phá của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ra mắt trong năm 2025

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến đưa tăng Altay vào biên chế từ tháng 8/2025. Xe tăng chiến đấu chủ lực này đại diện cho thế hệ xe thiết giáp mới, được phát triển để đáp ứng đòi hỏi của chiến tranh hiện đại.

Là kết quả hợp tác của nhiều công ty quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, xe tăng Altay với lớp giáp composite dạng mô-đun do Roketsan thiết kế, bao gồm cả các thành phần giáp phản ứng nổ (ERA) cùng hệ thống bảo vệ chủ động Akkor do Aselsan phát triển, có thể chống lại các mối đe dọa trên chiến trường một cách hiệu quả, năng cao khả năng sống sót của kíp xe bốn người.

Xe tăng Altay của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Armyrecognition.com.

Xe tăng Altay của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Armyrecognition.com.

Chương trình phát triển Altay có từ cuối những năm 2000 khi Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn thiết kế và sản xuất xe tăng chiến đấu chủ lực trong nước để hiện đại hóa đội xe và giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu. Năm 2008, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã trao hợp đồng ban đầu cho Otokar - công ty đã hợp tác với nhà sản xuất K2 Black Panther của Hàn Quốc là Hyundai Rotem để hưởng lợi từ chuyên môn công nghệ.

Quan hệ đối tác đã tạo nền tảng vững chắc cho thiết kế, kết hợp các yêu cầu cụ thể phù hợp với nhu cầu của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Trong giai đoạn đầu nghiên cứu và phát triển, dự án đã phải đối mặt với nhiều thách thức về mặt kỹ thuật và hành chính. Việc sử dụng các thành phần do nước ngoài sản xuất, đặc biệt là hệ thống động lực, đã dẫn đến sự chậm trễ và kéo dài, và mục tiêu cuối cùng là tập trung vào các công nghệ sản xuất trong nước.

Sau một loạt các cuộc thử nghiệm và trình diễn ban đầu, dự án đã được chuyển giao cho BMC Savunma, nơi đã khởi động giai đoạn sản xuất mới và giới thiệu sản phẩm được gọi là "Altay thế hệ mới". Người ta phân biệt biến thể này bằng lớp giáp được tối ưu hóa, hiệu suất cơ học và công thái học, đồng thời bằng cả khả năng tích hợp các hệ thống bổ sung dựa trên nhu cầu cụ thể của lực lượng vũ trang.

Những đóng góp từ các công ty lớn trong ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, chẳng hạn như Roketsan và Aselsan, đã đảm bảo tiến độ về mặt bảo vệ và thiết bị điện tử trên xe. Roketsan đã phát triển các giải pháp giáp phản ứng tổng hợp, còn Aselsan tập trung vào kiến trúc điện tử, hệ thống kiểm soát hỏa lực và bảo vệ chủ động.

Bất chấp sự chậm trễ và điều chỉnh liên tục, Altay đã dần tiến đến độ hoàn thiện hoạt động, khẳng định tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc trở thành một nhân tố chính trong thiết kế và sản xuất xe tăng chiến đấu chủ lực ở cấp độ quốc tế. Altay được trang bị vũ khí mạnh, bao gồm pháo chính 120mm, trạm vũ khí điều khiển từ xa có súng máy 7,62mm hoặc 12,7mm và súng máy đồng trục 7,62mm.

Altay dài 7,3m, rộng 3,9m và cao 2,6m, có khả năng tấn công mục tiêu cách xa 8km và có thể mang theo khoảng 40 viên đạn. Với trọng lượng gần 65 tấn, Altay được trang bị động cơ diesel tăng áp công suất khoảng 1.500 mã lực, đảm bảo khả năng tăng tốc và cơ động cao. Kết hợp với hộp số hoàn toàn tự động có 6 số tiến và 3 số lùi, hệ thống truyền động giúp xe tăng đạt tốc độ tối đa trên đường khoảng 65-70km/h, và 45km/h trên địa hình gồ ghề hơn, phạm vi hoạt động 500km.

Altay sở hữu hệ thống kiểm soát hỏa lực, hệ thống C3I (chỉ huy, điều khiển, liên lạc và tình báo), hệ thống cảnh báo laser, hệ thống nhận dạng mục tiêu chiến trường, hệ thống bảo vệ CBRN (hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân), hệ thống chữa cháy và dập tắt vụ nổ. Nó cũng được trang bị hệ thống nhận thức tình huống 360 độ, cung cấp góc nhìn toàn diện và chi tiết về môi trường xung quanh.

Hệ thống điều khiển hỏa lực của xe tăng được tích hợp với hệ thống quang học và cảm biến nhắm mục tiêu tiên tiến, đảm bảo kíp lái có thể xác định và tấn công mục tiêu một cách nhanh chóng và chính xác. APS Akkor sử dụng các biện pháp đối phó bằng radar và thuốc nổ để vô hiệu hóa tên lửa chống tăng có điều khiển và súng phóng lựu, các loại đạn đang bay tới, khả năng sống sót được nâng cao trong các tình huống chiến đấu.

Đối với chiến tranh đô thị, Altay cũng đang được phát triển với các bộ áo giáp và hệ thống bổ sung được thiết kế để chịu được những thách thức khi chiến đấu ở những khu vực đông đúc, xây dựng. Một trong những tính năng cải tiến nhất của dự án Altay là phát triển một biến thể tháp pháo điều khiển từ xa, Altay T3. Mẫu này sẽ có tháp pháo không người lái, giúp giảm nguy cơ cho kíp lái tiếp xúc trực tiếp với hỏa lực của đối phương.

Sự linh hoạt mang lại cho Altay một lợi thế đáng kể trong các cuộc cơ động nhanh và các hoạt động tấn công, nơi khả năng cơ động là yếu tố then chốt. Hệ thống treo tiên tiến, vừa mạnh vừa nhạy bén, đóng vai trò quan trọng trong sự ổn định và thoải mái khi lái, đặc biệt là trong các cuộc vượt sông phức tạp. Nhờ trang bị hệ thống lội nước, xe tăng có thể vượt qua các vùng nước sâu tới 4m, mở rộng phạm vi hoạt động của xe trên nhiều chiến trường khác nhau.

Các bánh xích rộng được thiết kế để có độ bám tối ưu, cho phép xe tăng duy trì lực kéo trên địa hình lầy lội, cát hoặc đá. Sự kết hợp giữa sức mạnh, khả năng cơ động và tính linh hoạt khiến Altay quan trọng đối với các đơn vị xe tăng hiện đại, có khả năng thích ứng với cả các tình huống chiến đấu cường độ cao và các nhiệm vụ chuyên biệt hơn. Altay đã vươn lên ngang tầm xe tăng chiến đấu chủ lực đương đại, mặc dù một số khía cạnh vẫn cần được cải tiến thêm.

Rút kinh nghiệm từ những hoạt động gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ, người ta tích hợp vào Altay công nghệ kỹ thuật số, cho phép phát hiện, nhắm mục tiêu và tấn công địch nhanh hơn và chính xác hơn. Trong giai đoạn đầu, BMC Defense có kế hoạch sản xuất 250 xe tăng Altay tại cơ sở Ankara, với tốc độ sản xuất là 8 chiếc mỗi tháng, và mục tiêu đạt tổng cộng 1.000 xe tăng.

Những chiếc tăng này sẽ đóng vai trò quan trọng trong cả các kịch bản chiến tranh thông thường và bất đối xứng, nơi các hệ thống và khả năng tiên tiến của chúng sẽ được tận dụng để duy trì lợi thế công nghệ so với các đối thủ tiềm tàng. Khi quân đội chính thức đưa vào sử dụng loại xe tăng này, nó sẽ là trụ cột trong năng lực phòng thủ trên bộ của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngành công nghiệp quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ coi Altay là bước tiến quan trọng trong quá trình hiện đại hóa quân đội, thu hút sự quan tâm của quốc tế và tiềm năng hợp tác. Sự kiện này sẽ đánh dấu đỉnh cao của nhiều năm nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm phát triển một loại xe tăng nội địa không chỉ tăng cường sức mạnh cho lực lượng quân sự của nước này mà còn có tác động sâu sắc đến ngành công nghiệp quốc phòng trong nước và quốc tế.

Mục tiêu dài hạn của Thổ Nhĩ Kỳ là tích hợp hệ thống truyền động BATU do nước này sản xuất trong nước vào Altay. Động cơ BATU - động cơ diesel V12 công suất 1.500 mã lực, sẽ mang lại cho Altay hiệu suất và khả năng cơ động được cải thiện trên chiến trường, tạo cho Altay sức mạnh và độ tin cậy cần thiết để hoạt động trong những điều kiện khắc nghiệt nhất, từ chiến tranh sa mạc đến các khu vực chiến đấu đô thị đông đúc.

Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia đàm phán với một số quốc gia quan tâm đến Altay, đặc biệt là ở Trung Đông, Đông Nam Á và châu Phi. Altay với sự kết hợp giữa hỏa lực tiên tiến, khả năng bảo vệ và tính cơ động, có vị thế tốt để đáp ứng những nhu cầu này. Khi Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục cải tiến Altay và đáp ứng các yêu cầu của mình, rất có thể loại xe tăng này sẽ nổi tiếng là một trong những xe tăng chiến đấu hàng đầu được xuất khẩu.

Altay là phương tiện và là biểu tượng cho năng lực phòng thủ cùng tham vọng ngày càng tăng của Thổ Nhĩ Kỳ. Với sự kết hợp giữa công nghệ tiên tiến, hỏa lực mạnh mẽ và tính linh hoạt trong hoạt động, Altay sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hiện đại hóa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và tăng cường khả năng đối mặt với những thách thức của chiến tranh thế kỷ 21. Mở rộng ảnh hưởng trên trường quốc tế, Altay sẽ vừa là tài sản chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ vừa là sản phẩm xuất khẩu quan trọng, củng cố vị thế của một cường quốc đang lên trong ngành công nghiệp quốc phòng toàn cầu.

CTV Lê Ngọc/VOV.VN tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/vu-khi/xe-tang-altay-mang-tinh-dot-pha-cua-tho-nhi-ky-se-ra-mat-trong-nam-2025-post1150942.vov