Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: 'Không thể để con em béo phì, nhiễm bệnh mới ngăn ngừa'

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo Việt Nam thuộc nhóm tiêu thụ nước ngọt ngày càng lớn, nguy cơ béo phì cao, nên với nước giải khát có đường, cần 'đánh thuế càng sớm, càng cao càng tốt'.

Cân nhắc kỹ khi áp thuế với nước ngọt có đường

Trình bày báo cáo giải trình trước Quốc hội, Ủy viên UBTVQH Phan Văn Mãi cho hay, đề xuất áp thuế đối với nước giải khát có đường là bước đi đầu tiên trong tiến trình thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế việc sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm có nhiều đường trong thực phẩm, đồ uống; góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng.

Đây là một trong các nguyên nhân chính gây thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn. Chính vì vậy, UBTVQH xin Quốc hội cho giữ như dự thảo luật.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Khải cho rằng quy định bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt chưa hợp lý vì phạm vi chưa rõ ràng và có thể gây tác động ngoài mong muốn.

"Khái niệm nước giải khát có đường theo tiêu chuẩn Việt Nam chưa được định nghĩa cụ thể, dẫn đến lo ngại sản phẩm tự nhiên như nước dừa, nước trái cây, có thể bị đánh đồng với nước ngọt có gas. 200.000 nông dân trồng dừa và hàng trăm doanh nghiệp chế biến lo lắng sản phẩm nước dừa chế biến của họ có bị coi là nước giải khát chịu thuế hay không?”, ông Khải nói.

Đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) cũng nhận định quy định này có thể sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất trong nước, làm giảm khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu, ảnh hưởng đến người nông dân vì ngành sản xuất nước giải khát sử dụng nhiều nguyên liệu tự nhiên như mía, dừa… Vì thế, ông Hải đề nghị đánh giá kỹ tác động và chưa nên đánh thuế với nước giải khát có đường vào thời điểm này.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng cần cân nhắc kỹ và có lộ trình hợp lý hơn khi áp thuế với nước ngọt. Theo ông, lập luận được Chính phủ đưa ra để áp thuế này là để ngăn nguy cơ béo phì ở trẻ em, nhưng thực tế có nhiều sản phẩm dẫn tới bệnh lý này, không chỉ nước ngọt.

"Hiện nhiều người "mê" nhất là trà sữa, cả trẻ em, người lớn. Nhiều loại thực phẩm, bánh ngọt, kẹo... được bán tràn lan ở các quán ăn vỉa hè, chứ không chỉ nước ngọt. Bánh kẹo ngọt hơn nước ngọt lại không chịu thuế", ông Hòa nói.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) cũng cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều áp lực từ bên ngoài, việc tăng thuế với nước giải khát có đường sẽ gây tác động đa chiều đến nhiều nhóm đối tượng của nền kinh tế, cả trực tiếp và gián tiếp.

Bà cũng phân tích, khi thuế tiêu thụ đặc biệt tăng cao, giá bán hàng hóa sẽ tăng theo, kéo theo sự suy giảm trong tiêu dùng và vật tư. Cụ thể, doanh thu từ các loại thuế khác như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng do tình hình kinh doanh suy giảm.

“Nếu nước giải khát có đường bị đánh thuế, người tiêu dùng có thể chuyển sang các loại nước khác có lượng đường tương đương nhưng không phải đối tượng chịu thuế như trà sữa, cà phê pha sẵn, nước ép bán ngoài đường phố… Những đồ uống này khó kiểm soát cả về chất lượng và hàm lượng đường”, theo bà Dung.

Do đó, đại biểu tỉnh Thái Bình đề nghị lùi thời hạn đánh thuế nước giải khát có đường từ năm 2028 với lộ trình tăng dần, ví dụ tăng 3 - 5 - 7% để doanh nghiệp từng bước thích nghi.

Không thể để con em béo phì mới ngăn ngừa

Theo dự thảo, nước giải khát có hàm lượng đường trên 5gr/100ml (nước ngọt) phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 2027 - tức lùi một năm so với dự kiến trước đây. Mức thuế áp trong năm đầu tiên là 8%, sau đó tăng lên 10% từ 2028.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) ủng hộ việc đánh thuế đặc biệt với nước ngọt như tại dự thảo luật. Ngoài tăng thu ngân sách, việc áp thuế mặt hàng này còn định hướng tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và thúc đẩy doanh nghiệp cải tiến sản phẩm lành mạnh hơn.

Theo bà Nga, nhiều nước như Thái Lan, Philippines, Anh, Mexico... đã áp thuế với đồ uống có đường và giảm tiêu dùng sản phẩm có đường cao, tăng nhận thức về dinh dưỡng và thêm nguồn lực tài chính cho các chương trình y tế dự phòng.

Tuy vậy, bà Nga đề nghị dự luật quy định rõ hơn ngưỡng đường từ 5gr/100ml trở lên theo tiêu chuẩn Việt Nam để tránh áp dụng tràn lan với các sản phẩm có lợi cho sức khỏe (sữa, nước trái cây nguyên chất).

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết trong quá trình xây dựng luật, cơ quan soạn thảo nhận được nhiều ý kiến trái chiều về việc áp thuế với nước ngọt.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo Việt Nam là một trong số quốc gia tiêu thụ nước ngọt ngày càng lớn, nguy cơ béo phì cao nên với nước giải khát có đường, cần "đánh thuế càng sớm, càng cao càng tốt".

"Cá nhân tôi cũng cho rằng phải đánh thuế nước ngọt sớm hơn, không thể để thế hệ con em tới khi bị béo phì, nhiễm bệnh tật rồi mới có biện pháp ngăn ngừa", Bộ trưởng Thắng nói.

Ông Thắng cho biết thêm, theo số liệu của WHO, mỗi người Việt tiêu thụ khoảng 46,5 gam đường tự do mỗi ngày, phần lớn trong số này đến từ nước giải khát có đường. Đây là nguyên nhân gây béo phì, thừa cân. Tổ chức này khuyến nghị Việt Nam áp thuế tối thiểu 20% với nước ngọt.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/bo-truong-nguyen-van-thang-khong-the-de-con-em-beo-phi-nhiem-benh-moi-ngan-ngua-232408.html