Bộ trưởng Tài chính: Không thể không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, nếu chúng ta tiếp tục khuyến khích, không đánh thuế xăng thì sẽ rất khó khăn thay đổi hành vi tiêu dùng.

Sáng 9/5, tiếp tục chương trình kỳ họp 9 Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận tại hội trường về dự án luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Mục tiêu quan trọng của sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) là định hướng sản xuất, điều chỉnh hành vi tiêu dùng của xã hội, hạn chế nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm có hại cho sức khỏe và môi trường.

Tuy nhiên, thông qua các đề xuất về bổ sung thêm mặt hàng chịu thuế, tăng thuế suất… những nội dung sửa đổi Luật Thuế TTĐB lần này sẽ có tác động rất lớn đến chuỗi sản xuất của nhiều ngành hàng, từ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối, dịch vụ.

Dự thảo luật sửa đổi tiếp tục duy trì 2 đối tượng chịu thuế là xăng và điều hòa (công suất từ 90.000 BTU trở xuống), song có sự điều chỉnh với điều hòa bằng việc chỉ áp thuế với loại có công suất từ 18.000 - 90.000 BTU.

Đại biểu Mai Văn Hải, đoàn Thanh Hóa, nói chỉ nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xa xỉ, không thiết yếu hoặc gây hại cho môi trường. Với điều kiện kinh tế - xã hội như hiện nay, cộng thêm thời tiết ngày càng khắc nghiệt, điều hòa rõ ràng là mặt hàng thiết yếu, không hề xa xỉ.

Tham gia góp ý vào dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt(sửa đổi) tại nghị trường Quốc hội, đại biểu Nguyễn Trường Giang, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông cho biết, ông nhất trí về đối tượng chịu thuế quy định tại điều 2.

Đại biểu đề nghị không tiếp tục quy định mặt hàng xăng là mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để đúng với bản chất của thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế đánh vào một số hàng hóa, dịch vụ mang tính chất xa xỉ nhằm điều tiết việc sản xuất, nhập khẩu và tiêu dùng của xã hội.

“Xăng là mặt hàng thiết yếu trong đời sống của người dân và là đầu vào của nhiều ngành sản xuất. Mặt khác, xăng cũng đã thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường. Do vậy, lý giải của cơ quan chủ trì soạn thảo về việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng để bảo vệ môi trường là chưa thuyết phục”, đại biểu Nguyễn Trường Giang nói.

Đại biểu đề nghị nếu trong trường hợp chúng ta thâýcần phải tăng thuế bảo vệ môi trường để bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, thì cần tăng giá trị tuyệt đối đánh thuế bảo vệ môi trường đối với xăng và không đưa mặt hàng này là hàng hóa phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để đúng với bản chất của nó.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), liên quan đến áp thuế với xăng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng đã được thực hiện từ năm 1998.

Theo Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết tại Hội nghị COP 26 cho mục tiêu giảm khí phát thải về 0 vào năm 2050. Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh đây là cam kết đầy thách thức với Việt Nam. Hiện tại các nước châu Âu đang thực hiện rất quyết liệt với nhiều biện pháp để giảm phát thải.

Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, tại Việt Nam, với cam kết giảm phát thải về 0 vào năm 2050, thì đối với mặt hàng xăng càng không thể không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo dự thảo Luật, mặt hàng này tiếp tục nằm trong danh sách chịu thuế tiêu thụ đặc biệt từ 7-10%.

"Ô nhiễm môi trường của Việt Nam ngày càng lớn, với các phương tiện trong lĩnh vực giao thông nếu chúng ta tiếp tục khuyến khích, không đánh thuế xăng thì sẽ rất khó khăn thay đổi hành vi.

Chúng ta mong muốn sử dụng xe điện, hệ thống metro... nhiều hơn thì phải thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp liên quan đến xăng", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Theo ông, có đại biểu nói rằng xăng hiện đang chịu 2 loại thuế và phí. Song hiện nay trên thế giới, hầu hết các nước lớn và phát triển đều đánh thuế và phí, chỉ có tên gọi khác nhau. Có nước gọi là phí CO2, thuế CO2...

"Thuế tiêu thụ đặc biệt và phí có các mục tiêu khác nhau nhưng bổ trợ cho nhau. Với thuế tiêu thụ đặc biệt thì tập trung vào điều tiết hành vi tiêu dùng và tăng thu ngân sách. Trong khi phí bảo vệ môi trường nhắm đến tạo ra các quỹ cho các dự án về môi trường", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng lý giải.

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đề xuất bổ sung nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với thuế suất ban đầu là 10%, nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe nhân dân, ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng thừa cân, béo phì, giảm rủi ro bệnh tật không lây nhiễm và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tại dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) mới nhất gửi các Đoàn đại biểu Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội để lấy ý kiến trước ngày 5/5/2025, cơ quan soạn thảo đã có chỉnh lý về lộ trình áp thuế đối với mặt hàng nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml, cụ thể từ năm 2027, mức thuế suất là 8% và từ năm 2028 là 10%.

Với mục tiêu kiểm soát tiêu thụ rượu bia và tăng nguồn thu, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó đưa ra hai phương án tăng thuế đối với bia trong giai đoạn 2026-2030.

Phương án 1: Từ năm 2026, tăng thuế từ 65% lên 70%, sau đó tăng 5% mỗi năm, đạt 90% vào năm 2030.

Phương án 2: Tăng "sốc" từ 65% lên 80% ngay năm 2026, rồi tiếp tục tăng 5% mỗi năm, đạt 100% vào năm 2030.

Minh Thành

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/bo-truong-tai-chinh-khong-the-khong-danh-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-xang-98742.html