Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu: Cát được cấp ra sao?

Gần 5 tháng sau khi tỉnh Đồng Tháp tổ chức lễ khởi công dự án thành phần 1 cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, đến nay, cát được cấp để thực hiện dự án được các ngành liên quan thực hiện như thế nào?

Cát được cấp chỉ đủ làm đường công vụ

Dự án thành phần 1 cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp dài 16km, tổng mức đầu tư trên 3.600 tỷ đồng.

Cát được cấp cho cao tốc Cao Lãnh - An Hữu chỉ mới đáp ứng được cho các nhà thầu thi công làm đường công vụ.

Cát được cấp cho cao tốc Cao Lãnh - An Hữu chỉ mới đáp ứng được cho các nhà thầu thi công làm đường công vụ.

Có mặt trên công trường, PV Báo Giao thông ghi nhận nhiều máy móc, thiết bị được vận hành liên tục nhằm đảm bảo tiến độ đề ra. Các công nhân đang làm việc rất khẩn trương...

Thế nhưng, cái khó hiện nay của dự án này là cát đắp nền được cấp chỉ đủ để các nhà thầu làm đường công vụ.

Anh Phan Văn Hạnh, Chỉ huy trưởng công trình, Công ty TNHH MTV Cơ khí và Xây dựng Thiên An (nhà thầu thi công) cho biết, đoạn tuyến công ty thực hiện có tổng chiều dài 3,5km.

Nhu cầu cát thực hiện trong năm 2023 là 250.000m3. Thế nhưng, đến thời điểm này, công ty chỉ mới nhận được 50.000m3, đủ để thực hiện đường công vụ.

"Việc cát được cấp chưa đủ như thế này thì nhà thầu thi công gặp khó trong việc thực hiện tuyến chính. Điều này dẫn đến đoạn tuyến do công ty thực hiện có nguy cơ chậm tiến độ vì thời gian gia tải chậm hơn so với dự kiến ban đầu", anh Hạnh cho biết thêm.

Trong khi đó, tại đoạn tuyến do Công ty CP Đầu tư - Xây dựng và Kỹ thuật VNCN có tổng chiều dài 10,6km - đoạn tuyến dài nhất trong ba đoạn tuyến dự án thành phần 1 cao tốc Cao Lãnh - An Hữu cũng đang trong tình trạng chờ cát.

Anh Nguyễn Quang Tuân, Chỉ huy trưởng công trình, Công ty CP Đầu tư - Xây dựng và Kỹ thuật VNCN (nhà thầu thi công) cho biết, nhu cầu cát của đoạn tuyến do công ty đang thực hiện trong năm 2023 là 600.000m3.

Tuy nhiên, từ lúc khởi công cho đến nay, nhà thầu chỉ mới nhận được 46.000m3. Số cát được nhận, nhà thầu đang cho thực hiện công việc đắp đường công vụ nhưng vẫn chưa đủ.

"Cát đắp nền trong thi công cao tốc rất quan trọng nhằm đảm bảo thời gian thực hiện gia tải. Trước tình trạng cát thiếu như hiện nay, nhà thầu mong muốn chủ đầu tư cấp đủ số lượng.

Khi có đủ cát về công trường, nhà thầu mới cho tăng tốc thi công nhằm đảm bảo tiến độ được", anh Tuân nói.

Nguy cơ chậm tiến độ

Ông Lê Nguyễn Phú Trường, Phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Tháp (chủ đầu tư) cho biết, tính đến đầu tháng 11, tổng giá trị thực hiện 88,5/2.540 tỷ đồng (chưa bao gồm chi phí dự phòng), đạt 3,5% giá trị hợp đồng.

Các nhà thầu đang thi công 15 vị trí đường công vụ (đào hữu cơ, trải vải địa kỹ thuật, đắp cát); đóng cọc thử, đóng cọc đại trà tại 8/19 cầu.

Cần sớm tháo gỡ khó khăn để đưa cát về công trường nhằm đáp ứng tiến độ thực hiện dự án thành phần 1 cao tốc Cao Lãnh - An Hữu đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Cần sớm tháo gỡ khó khăn để đưa cát về công trường nhằm đáp ứng tiến độ thực hiện dự án thành phần 1 cao tốc Cao Lãnh - An Hữu đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Bên cạnh đó, khối lượng đắp cát nền đường đã tiếp nhận 83.000m3/121.000m3 trong năm 2023.

Vốn bố trí năm 2023 cho dự án là 172,8 tỷ đồng, lũy kế giải ngân đến thời điểm báo cáo là 159,8 tỷ đồng, đạt so với kế hoạch.

Dự án thành phần 1 cao tốc Cao Lãnh - An Hữu được UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư và tổ chức khởi công ngày 25/6/2023.

Dự án dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng vào cuối năm 2025. Tổng nhu cầu cát cho toàn dự án là 2,3 triệu m3.

"UBND tỉnh Đồng Tháp đã bố trí ba mỏ cát để cung ứng, phục vụ cho dự án, nhưng để đưa mỏ cát vào khai thác phải qua nhiều thủ tục pháp lý, mất nhiều thời gian.

Đến nay, ba mỏ cát đang thực hiện các thủ tục để đưa vào khai thác, trong khi thời gian chờ gia tải nền đường dự kiến từ 13 đến 19 tháng, nên có khả năng ảnh hưởng đến tiến độ dự án", ông Trường thông tin.

Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu có điểm đầu giao với tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Điểm cuối giao với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Trong đó, dự án thành phần 1 có chiều dài 16km đi qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp, có tổng mức đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng. Dự án thành phần 2 dài 11,4km nằm trên địa phận tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp với mức đầu tư trên 2.200 tỷ đồng.
Quy mô mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh đạt tiêu chuẩn đường cao tốc bốn làn xe. Mặt cắt ngang giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư quy mô bốn làn xe, với bề rộng nền đường 17m, vận tốc khai thác 80km/h.

Hương Ngân

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/cao-toc-cao-lanh-an-huu-cat-duoc-cap-ra-sao-192231104190109017.htm