Chuyên gia: Tháng 5 là thời điểm thuận lợi, nhiều thông tin tích cực về tăng trưởng kinh tế hỗ trợ chứng khoán
'Nhìn chung trong quý 2/2025 và tháng 5 là một thời điểm thuận lợi cho việc có nhiều thông tin tích cực về tăng trưởng kinh tế, đơn hàng, và tiến triển của quá trình đàm phán...

Ảnh minh họa.
Nhận định về triển vọng kinh tế thế giới cũng như Việt Nam trong bối cảnh hiện tại, ông Nguyễn Kỳ Minh, Kinh tế trưởng, Công ty CP Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam (IVS), nhấn mạnh: Triển vọng kinh tế toàn cầu đang trở nên bấp bênh hơn.
Nguyên nhân là bởi thứ nhất, sụt giảm tổng cầu khi nước Mỹ đang tìm cách giảm bớt thâm hụt chi tiêu. Thứ hai, thuế quan nói riêng và các động thái yêu cầu dịch chuyển sản xuất nói chung sẽ dấn tới việc chi phí sản xuất gia tăng trong ngắn hạn. Đối với Mỹ, gần đây Thống đốc Fed cũng đã nhận định nhiều khả năng là “tăng trưởng chậm hơn và lạm phát cao hơn”.
Chắc chắn những tác động lên kinh tế Việt Nam sẽ có. Việt Nam là quốc gia có độ mở kinh tế khá cao. Tính đến cuối 2024, độ mở của nền kinh tế Việt Nam đo lường bằng kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP đạt khoảng 165%. Đây là một mức rất cao, cho thấy nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn từ thương mại thế giới.
Tuy nhiên, Việt Nam có thể có một vài thuận lợi. Ví dụ như việc hoãn thuế quan của ông Trump đã dẫn tới việc các doanh nghiệp gia tăng đơn hàng xuất khẩu để tích trữ hàng trước thời điểm áp thuế. Với mức thuế hiện tại chỉ 10%, chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu và FDI tại Việt Nam muốn tận dụng ưu thế này. Trong khi chúng ta đạt mức tăng trưởng 6,93% trong quý 1/2025, cao nhất 6 năm gần đây, thì việc sản xuất tăng tốc trong quý 2 có thể tạo đà cho tăng trưởng cả năm.
Bên cạnh đó, giá dầu đang giảm mạnh trên thế giới do lo ngại về việc sụt giảm nhu cầu trung - dài hạn kéo theo đó là giá xăng tại Việt Nam, giúp cho việc kiểm soát lạm phát trở nên dễ dàng hơn, mở ra dư địa cao hơn cho các chính sách tiền tệ giúp kích thích kinh tế. Như vậy, trong năm 2025, mục tiêu tăng trưởng 8% của Việt Nam là thách thức hơn, tuy nhiên vẫn có khả năng đạt được với nỗ lực và đồng lòng của Chính phủ, các cơ quan liên quan, và các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Kỳ Minh, Kinh tế trưởng, Công ty CP Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam (IVS).
Thị trường chứng khoán Việt Nam dự kiến sẽ nhận tin vui là hệ thống KRX triển khai vào tháng 5 tới sau vài lần trì hoãn. Đây sẽ là một thông tin tích cực, khi chúng ta hoàn thành một cột mốc đã được trông chờ, tạo tâm lý và đòn bẩy cho thị trường. Bên cạnh đó việc triển khai KRX cũng thúc đẩy quá trình hoàn thiện các tiêu chí nâng hạng của FTSE, với việc nâng hạng sớm nhất có thể diễn ra vào tháng 9/2025, thu hút một luồng tiền hấp dẫn.
"Nhìn chung trong quý 2/2025 và tháng 5 là một thời điểm thuận lợi cho việc có nhiều thông tin tích cực về tăng trưởng kinh tế, đơn hàng, và tiến triển của quá trình đàm phán trong khi các thông tin tiêu cực về thuế quan toàn cầu dự kiến phải tới hạn 3 tháng tức là đầu tháng 7 mới xuất hiện (nếu có).
Với tình hình hiện tại có thể dự đoán giá hàng hóa dịch vụ gia tăng trên bình diện chung, gây áp lực lên lạm phát, lãi suất và định giá của doanh nghiệp trên toàn thế giới, gây tác động gián tiếp lên định giá doanh nghiệp Việt Nam", Kinh tế trưởng, Công ty CP Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Kỳ Minh, hiện nay chiến lược chủ động sẽ hơn bị động. Nhà đầu tư hạn chế giải ngân theo các thông tin truyền thông nước ngoài do có khả năng sẽ có các thông tin trái ngược nhau trong khoảng thời gian ngắn. Đồng thời, có thể tập trung vào các doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt, hoặc nền khách hàng ít bị tác động bởi thương chiến. Có thể là một số ngành nghề quan trọng với phía Mỹ đã được miễn/hoãn các mức thuế, hoặc do doanh nghiệp bị đánh thuế cao nhưng nền khách hàng lại không ở Mỹ.
Đánh giá của IVS cho thấy, những ngành hay các doanh nghiệp tập trung vào nhu cầu trong nước sẽ có nhiều triển vọng hơn, ví dụ như nhóm đầu tư công, sắt thép do nhu cầu trong nước cùng định hướng các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn trong thời gian gần đây. Những ngành khác như tiêu dùng thiết yếu, ngành điện.
Trong khi đó, ngành tài chính có thể cần phải cân nhắc và lựa chọn thận trọng. Hiện tại IVS dự kiến ngành tài chính ngân hàng vẫn có tăng trưởng từ 10%-15% trong năm 2025. Ngành thép dự báo mức tăng chung khoảng 8-10% và ngành đầu tư công khoảng 10-12%, vẫn là những mức tăng trưởng tốt so với lãi suất hiện nay và phù hợp cho nhà đầu tư phân bổ một phần danh mục.