Con trâu trong văn hóa truyền thống của người S'tiêng

Bài cuối:
Ý NGHĨA “LỄ ĐÂM TRÂU” TRONG HOẠT ĐỘNG TÍN NGƯỠNG, LỄ HỘI

Con trâu - lễ vật quan trọng trong hoạt động tín ngưỡng, lễ hội

Trong xã hội truyền thống, người S’tiêng là cư dân làm nông nghiệp lúa rẫy, theo tín ngưỡng đa thần “vạn vật hữu linh” nên quan niệm bất cứ vật gì cũng có hồn (wêng/yang), từ con người, con vật, đồ đạc trong nhà cho đến sông, suối, núi, rừng, cây, đá, trong đó có con trâu. Tùy sự kiện khác nhau, người S’tiêng sử dụng con trâu làm lễ vật hiến tế và thực hiện các nghi thức giết mổ - “tiễn trâu” khác nhau. Nhưng chung một điều là, người S’tiêng rất quý, thương con trâu (vua thần nước: Sơn đach brăh dak). Trong hoạt động tín ngưỡng, lễ hội, khi “tiễn trâu” cộng đồng phải xin phép hồn con trâu, đồng thời thực hiện nghi thức một cách nhân văn.

Phục dựng lễ mừng lúa mới của người S’tiêng tại xã Bình Minh, huyện Bù Đăng

Phục dựng lễ mừng lúa mới của người S’tiêng tại xã Bình Minh, huyện Bù Đăng

Tương tự như các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, người S’tiêng có những ứng xử nhân văn trước khi “tiễn trâu” để thực hiện nghi lễ. Do nhiều người không hiểu ý nghĩa nên cứ gọi đó là “lễ đâm trâu”, thậm chí còn gọi là “lễ hội đâm trâu”, mô tả không đúng, dễ bị hiểu nhầm, gây phản cảm, cảm giác rùng rợn.

Không có “lễ hội đâm trâu”, đây là một nghi thức “tiễn trâu”, con trâu là vật hiến tế phục vụ hoạt động tín ngưỡng, lễ hội. Do gọi là “lễ hội đâm trâu” nên nhiều người nghĩ rằng cộng đồng tổ chức giết mổ trâu vì mục đích thú vui của cộng đồng, nên hình ảnh “chặt chân”, “đâm trâu” cảm thấy thiếu nhân văn. Ngược lại, cộng đồng rất thương con trâu, họ xem con trâu như là “con” (nghi thức khóc trâu), nhưng vì con trâu là lễ vật quan trọng (tính thiêng) nên cộng đồng mới sử dụng làm lễ vật phục vụ hoạt động tín ngưỡng, lễ hội và trước khi “tiễn trâu” họ phải thực hiện nghi thức đặc biệt.

Trong lễ mừng lúa mới hay cưới xin truyền thống… muốn “tiễn trâu” phải thực hiện các nghi thức quan trọng. Trước hết, chủ nhà phải chuẩn bị cọc trâu, làm cây nêu, chuẩn bị dây buộc trâu, chà gạt, giáo dài (tak), kiếm (pêh đao) để “tiễn trâu”. Người phụ nữ (gia đình tổ chức lễ) chuẩn bị một tấm chăn hoặc một tấm vải thổ cẩm, đĩa trầu, cau, thuốc lá, cơm, rượu, gan gà, nước lã, chuông… để đắp lên bụng trâu khi trâu chết và cúng trâu. Họ đánh cồng, chiêng một hồi quanh cây nêu và xung quanh con trâu, những phụ nữ giã cối một hồi (cối không có thóc) nhằm thông báo cho các vị thần biết con trâu sắp về “Thủy cung”.

Sau khi tiến hành xong các nghi thức nêu trên, họ mới chặt chân con trâu (chân sau) và tiến hành “tiễn trâu”. Sau khi trâu chết, người phụ nữ lấy tấm thổ cẩm (hoặc chăn) đắp lên bụng trâu cùng với đĩa trầu, cau, cơm, rượu… và khóc thương trâu. Mọi người tiếp tục đánh cồng, chiêng xung quanh cây nêu, con trâu thể hiện sự thương tiếc. Người phụ nữ thực hiện khấn, gọi hồn trâu...

Sau khi cúng xong, người được giao nhiệm vụ (đàn ông) mới tiến hành cắt đầu trâu và đặt gần cây nêu. Sau đó, người làm lễ tiến hành cúng thần lúa.

Như vậy, việc “tiễn trâu” là nhằm mục đích làm lễ vật phục vụ hoạt động tín ngưỡng cúng thần lúa. Nghi thức “tiễn trâu” là nghi thức rất đặc biệt, thể hiện giá trị nhân văn chứ không phải dã man (không giống như giết trâu để ăn uống thông thường).

Cần hiểu đúng “lễ quay đầu trâu”

Nghiên cứu “Nghệ thuật cồng chiêng của dân tộc Xtiêng ở Sông Bé”, (1995), tác giả Vũ Hồng Thịnh cho rằng: “Có thể nói đâm trâu là lễ lớn và có quy mô nhất đối với người Xtiêng. Lễ này được tiến hành bởi nhiều lý do: mừng chiến thắng, mừng được mùa, mừng làm ăn phát đạt, hoặc nhân dịp tết cổ truyền. Đặc biệt có một lý do khiến lễ đâm trâu tồn tại lâu dài, đó là thủ tục quay đầu trâu” (tr.46). Nhận xét này chưa hoàn toàn chính xác.

Tác giả Vũ Hồng Thịnh đưa ra trường hợp: “Gia đình ông A trong lúc khó khăn, hoạn nạn được gia đình ông B giúp đỡ (cho vay thóc lúa, cho người làm giúp v.v...). Thời gian sau, qua cơn hoạn nạn, ông A làm ăn ngày một khá giả, vững vàng. Nhớ ơn ông B giúp mình ngày trước, ông A tổ chức một lễ đâm trâu để trả ơn ông B. Ngoài việc đã thanh toán món nợ ngày trước, ông A còn mời gia đình ông B, cùng với họ hàng thân quyến ông B sang tham dự lễ và khi xả thịt trâu thì dành trọn cái đầu (và các phần thịt khác) biếu gia đình ông B. Ông B, sau khi nhận đầu trâu thì ghi nhớ để có dịp đâm trâu lại mời ông A và tặng lại đầu trâu. Cứ như vậy, chuyện vay trả, ơn nghĩa cứ kéo dài và lễ đâm trâu có lý do để tồn tại” (tr.46-47).

Như phân tích nêu trên, trong quá khứ, xét về quy mô và phổ biến thì con trâu được sử dụng nhiều nhất là trong lễ cưới, tiếp đến là lễ mừng lúa mới, tang ma, lễ kết bạn. Trong các hoạt động đó, việc sử dụng con trâu làm lễ vật trong lễ cưới, mừng lúa mới và tang ma (do cá nhân thực hiện) là phổ biến nhất. Vì vậy, “lễ quay đầu trâu” không phải là lý do chính để tồn tại “lễ đâm trâu”.

Thực chất “lễ quay đầu trâu” là một hoạt động trả lễ (tang dak) trong lễ kết bạn của người S’tiêng và nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên (hoạt động này không phổ biến). Như đã nêu trên, việc dùng con trâu làm lễ vật kết bạn là trường hợp đặc biệt, rất quan trọng nhưng lại rất tốn kém, thậm chí nếu thách đố nhau sẽ gây “hậu quả” khôn lường. Do đó, họ phải biết điểm dừng trong việc tổ chức “lễ quay đầu trâu”.

Nghiên cứu, giới thiệu giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc nghiên cứu chính xác yếu tố hình thành các giá trị văn hóa truyền thống còn quan trọng hơn để tránh hiểu sai giá trị văn hóa, định hướng đúng công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Do không gian tự nhiên biến đổi, phương thức canh tác thay đổi và các yếu tố khác nên công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong tín ngưỡng, lễ hội của người S’tiêng gặp khó khăn. Muốn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trong tín ngưỡng, lễ hội của người S’tiêng, trước hết chúng ta cần nghiên cứu sâu và vận dụng một cách phù hợp trong thực hành văn hóa hiện nay.

Điểu Điều

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/543/158212/con-trau-trong-van-hoa-truyen-thong-cua-nguoi-s-tieng