Đầu tư không 'cào bằng', tạo sức bật cho khoa học công nghệ
Nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng, không thể để tình trạng doanh nghiệp nào cũng tự nhận là 'doanh nghiệp khoa học công nghệ' để được hưởng ưu đãi.
Trao đổi bên hành lang Quốc hội về Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo, nhiều đại biểu đã chỉ ra những điểm cần hoàn thiện, đặc biệt là về cơ chế tài chính, chính sách ưu đãi và hoạt động của các quỹ hỗ trợ. Trong đó, nhấn mạnh về chính sách tránh "cào bằng", tập trung nguồn lực cho các doanh nghiệp KHCN thực sự có tiềm năng, đồng thời siết chặt quản lý để không còn tình trạng "mạo danh" hưởng lợi.
Tránh tình trạng mạo "doanh nghiệp khoa học công nghệ"
để hưởng ưu đãi
Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An cho rằng, trong dự thảo Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo, có một điểm rất quan trọng cần làm rõ hơn, đó là cơ chế tài chính, chính sách ưu đãi thông qua các quỹ hỗ trợ cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Mai Loan.
“Hiện nay, chúng ta chủ trương khuyến khích mạnh mẽ phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhưng không nên thực hiện các chính sách theo kiểu "cào bằng". Theo tôi, cần phân loại rõ ràng doanh nghiệp nào có hàm lượng khoa học công nghệ cao, doanh nghiệp nào có tỷ trọng đầu tư vào nghiên cứu, phát triển lớn, có đóng góp doanh thu đáng kể từ kết quả nghiên cứu thì mới thực sự xứng đáng được hưởng các chính sách ưu đãi đặc thù”, đại biểu Trinh Xuân An cho hay.
Điều đó, theo đại biểu Trịnh Xuân An là để tránh tình trạng doanh nghiệp nào cũng tự nhận là "doanh nghiệp khoa học công nghệ" để được hưởng ưu đãi. Nếu không có sự phân định cụ thể, chúng ta sẽ rất dễ rơi vào tình trạng dàn trải nguồn lực, không tạo được sức bật thực sự cho nền khoa học và công nghệ quốc gia.
Chỉ cần xác định rõ khoảng 10 - 15 doanh nghiệp trọng điểm về khoa học công nghệ, những đơn vị đi đầu, làm thực chất, có đóng góp rõ ràng. Đây là những doanh nghiệp xứng đáng được hưởng các cơ chế ưu đãi nổi trội về tài chính, vốn, thuế… để họ có thể tiếp tục đầu tư sâu, phát triển mạnh mẽ hơn. Khi tạo điều kiện cho nhóm doanh nghiệp trọng điểm phát triển đột phá, chúng ta mới có thể tạo ra sức lan tỏa, dẫn dắt hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Về phần quy định về đổi mới sáng tạo (Chương 4), đại biểu Trịnh Xuân An cho hay, Dự thảo Luật đã đề cập đến mục tiêu, chu trình và phương pháp, tuy nhiên, vẫn chưa thể hiện rõ ràng nội hàm đổi mới sáng tạo trong từng cấp độ. Bản thân khoa học công nghệ đã bao hàm đổi mới sáng tạo, nhưng luật cần cụ thể hóa rõ hơn để tránh tình trạng chung chung, mơ hồ.
“Chẳng hạn, "đổi mới sáng tạo trong nền kinh tế" còn mập mờ, chưa phân định rõ giữa các cấp độ: quốc gia, vùng, địa phương và doanh nghiệp. Trong khi đó, đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp là yêu cầu nội tại, họ buộc phải tự triển khai. Nếu luật không làm rõ được phần này thì sẽ thiếu dấu ấn và khó triển khai vào thực tiễn”, đại biểu Trịnh Xuân An cho hay.
Đối với chuyển đổi số, đại biểu cho rằng cần xác định đây không chỉ là một nhiệm vụ đơn lẻ, mà phải được lồng ghép xuyên suốt trong toàn bộ chu trình khoa học và công nghệ. Điều này cũng cần được quy định cụ thể hơn trong luật.
Lồng ghép cơ chế hỗ trợ vào các quỹ khoa học công nghệ hiện hành
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) đánh giá, Dự thảo Luật Khoa học Công nghệ (KHCN) và Đổi mới sáng tạo đã có quy định về Quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia và Quỹ đầu tư mạo hiểm của địa phương. Theo ông, đầu tư mạo hiểm, hay còn gọi là đầu tư có rủi ro, đòi hỏi sự thận trọng và việc lựa chọn nhân lực có chuyên môn cao để quyết định việc đầu tư.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) trao đổi bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Mai Loan.
Đại biểu lo ngại, nếu thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia và Quỹ đầu tư mạo hiểm của địa phương rồi giao cho những cơ sở, bộ phận không chuyên trách, thì rủi ro thất bại sẽ là rất lớn. Do đó, thay vì thành lập các quỹ nhà nước này, nên tạo cơ chế để các quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân hiện có hoạt động hiệu quả hơn.
Thực tế, hiện có gần chục quỹ đầu tư mạo hiểm lớn đang hiện diện trên thị trường tài chính Việt Nam, sở hữu đầy đủ kinh nghiệm và thực lực. Khi đầu tư vào các doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, các quỹ này không chỉ sẵn sàng chia sẻ về vốn mà còn cả kinh nghiệm quản lý, đồng thời hỗ trợ kênh phân phối cho các dự án thử nghiệm để đạt được thành công cao hơn.
“Vì vậy, tôi cho rằng nên cân nhắc việc lồng ghép cơ chế hỗ trợ này vào dự thảo Luật, cụ thể là liên quan đến Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia và các Quỹ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của các bộ, ngành, địa phương”, đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên Huế). Ảnh: Mai Loan.
Chung góc nhìn về việc làm sao để các quỹ hỗ trợ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phát huy tối đa hiệu quả, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên Huế) cho rằng, cần một hệ thống pháp lý đồng bộ và cơ chế kết nối giữa các loại quỹ.
“Trong dự thảo có đề cập đến các loại quỹ như quỹ cấp quốc gia, quỹ cấp bộ ngành, địa phương, và quỹ doanh nghiệp. Việc luật hóa các quỹ này vào cùng một văn bản là cần thiết để đảm bảo sự thống nhất, vì dù khác cấp độ nhưng các quỹ đều thuộc cùng lĩnh vực chuyên môn”, bà Sửu cho hay.
Điều quan trọng, theo đại biểu, là phải có cơ chế kết nối giữa các quỹ từ quốc gia đến địa phương, bộ ngành doanh nghiệp để tạo thành một hệ thống hỗ trợ thống nhất, hiệu quả. Hiện nay, sự vận hành của các quỹ này còn khá đơn lẻ và thiếu liên kết. Dự luật cần quy định rõ hơn về cơ chế phối hợp giữa các cấp, đồng thời làm rõ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong quản lý và vận hành các quỹ.
Đặc biệt, quỹ đầu tư mạo hiểm là một trong những yếu tố then chốt cần được quan tâm nhiều hơn nữa. Quỹ này nếu được thiết kế và vận hành đúng cách, sẽ tạo ra sức bật mạnh mẽ cho các ý tưởng khởi nghiệp, giúp chuyển hóa tri thức, sáng kiến thành các sản phẩm, dịch vụ cụ thể, có giá trị kinh tế và xã hội.
“Theo tôi, vấn đề các quỹ, đặc biệt là cơ chế quản lý, vận hành và đánh giá hiệu quả, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng. Chúng ta không thể tiếp tục để tình trạng hình thành quỹ mà không phát huy được hiệu quả, dẫn đến trì trệ hoặc lãng phí nguồn lực. Việc luật hóa lần này chính là cơ hội để khắc phục những hạn chế trước đây và tạo nền tảng pháp lý cho đổi mới sáng tạo phát triển thực chất”, đại biểu cho hay.