Lễ hội đền Bà Triệu: Tài sản quý giá trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Được ví như một 'bảo tàng thu nhỏ', bởi các lễ hội đặc sắc, giàu giá trị và có sức lan tỏa mạnh mẽ, đã trở thành nơi lưu giữ và trao truyền những truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục, thậm chí cả nhân sinh quan, thế giới quan được con người gửi gắm. Bởi vậy, nó là tài sản quý giá của cộng đồng, giữ vai trò quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của một cộng đồng, một dân tộc trong dặm dài lịch sử. Lễ hội đền Bà Triệu là 'bảo tàng' quý như vậy!

Lễ hội đền Bà Triệu. Ảnh: Lê Dung

Từ khởi nguồn hào hùng và bi tráng...

Năm 248, giữa lúc ách đô hộ nhà Ngô đã bành trướng khắp nơi, đặt Nhân dân ta dưới chế độ áp bức, bóc lột hà khắc khiến người người oán thán; thì cuộc khởi nghĩa do 2 anh em Triệu Quốc Đạt và Triệu Thị Trinh khởi xướng, lãnh đạo đã bùng lên mạnh mẽ. Cuộc khởi nghĩa khiến bọn cầm quyền lúc bấy giờ không kịp trở tay, khi chỉ trong một thời gian ngắn đã lan rộng khắp Cửu Chân, mở ra Giao Chỉ rồi tiến vào Nhật Nam gây chấn động toàn Giao Châu. Cuộc nổi dậy đã buộc nhà Ngô phải đưa viên tướng dạn dày trận mạc, lắm mưu nhiều kế và đội quân hùng hậu sang đàn áp.

Mảnh đất Bồ Điền xưa (xã Triệu Lộc, Hậu Lộc ngày nay) đã trở thành chứng nhân cho một thời điểm lịch sử đầy biến động, hào hùng và bi tráng. Chính tại nơi đây, nghĩa quân Bà Triệu đã nhiều lần “tiếp đón sòng phẳng” các đợt tấn công vây ép của kẻ thù. Để rồi trong trận quyết chiến cuối cùng để mở vòng vây hãm của địch, Bà Triệu đã anh dũng hy sinh trên đỉnh núi Tùng (ngày 22 tháng 2 âm lịch năm Mậu Thìn 248).

Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử hiện nay đều thống nhất một nhận định rằng, khởi nghĩa Bà Triệu là một trong những cuộc nổi dậy chống ngoại xâm có tầm ảnh hưởng và sức công phá mạnh mẽ, đã làm lung lay đến tận gốc rễ thành lũy đô hộ nhà Ngô thời bấy giờ. Mặc dù không đi đến cùng, song cuộc khởi nghĩa đã tạc vào sử sách dân tộc một trang vẻ vang, hào hùng và bi tráng. Đồng thời, tạo nên mốc son trong lịch sử anh hùng bất khuất chống giặc ngoại xâm của Nhân dân ta và là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, ý chí hiên ngang, khí phách quật cường của dân tộc ta. Đặc biệt, khởi nghĩa Bà Triệu là sự tiếp bước truyền thống của Hai Bà Trưng trong lịch sử đấu tranh chống ách thống trị của ngoại bang phương Bắc. Đó là một minh chứng hùng hồn rằng, thế lực ngoại bang có thể đánh bại cuộc khởi nghĩa, nhưng không thể đánh bại được tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, bất khuất, ý thức, tinh thần và khát vọng độc lập của dân tộc ta.

Hình ảnh Bà Triệu mặc giáp vàng, cài trâm vàng, đi guốc ngà, cưỡi voi trắng oai phong lẫm liệt đã đi vào thơ ca: “Đầu voi phất ngọn cờ vàng/ Giang sơn mấy cõi chiến trường xông pha”. Và đặc biệt là câu nói nổi tiếng, thấm đẫm khí phách của một đấng hào kiệt “đầu đội trời, chân đạp đất”: “Tôi muốn cỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng giữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi giặc Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp cho người”, đã trở thành biểu tượng của lòng yêu nước nồng nàn, thành “tuyên ngôn” về khát vọng độc lập, tự cường. Câu nói ấy đã theo dòng chảy lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta suốt hàng ngàn năm qua, để lay động trái tim và, khơi dậy lòng tự hào dân tộc trong triệu triệu con người Việt Nam yêu nước.

Cũng bởi công đức cao dày đối với quê hương, đất nước Bà Triệu đã được các vương triều phong kiến sắc phong thành “Thần” để phù trợ cho đất nước thoát khỏi họa xâm lăng và luôn hưng thịnh. Đặc biệt sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định Bà Triệu là Anh hùng của dân tộc Việt Nam. Còn với người dân làng Phú Điền nói riêng, người dân xứ Thanh nói chung, tên tuổi và sự nghiệp của vị nữ tướng họ Triệu đã đi vào sử sách và sống trong lòng Nhân dân: “Tùng sơn nắng quyện mây trời/ Dấu chân Bà Triệu rạng ngời sử xanh”; hay “Ai qua Hậu Lộc – Phú Điền/ Nhớ đây Bà Triệu trận tiền tiến binh”. Để tưởng nhớ công đức của Bà, Nhân dân lập đền dưới chân núi Gai, xây lăng, dựng tháp trên đỉnh núi Tùng để hương khói phụng thờ... Đó cũng chính là khởi nguồn hào hùng và bi tráng của Lễ hội đền Bà Triệu mà cho đến ngày nay, hậu thế đang được thừa hưởng, giữ gìn và phát huy giá trị.

... đến một lễ hội độc đáo, giàu giá trị và đậm đà bản sắc

Tròn 1.775 năm đã trôi qua và cuộc khởi nghĩa “Na Sơn nhất phiến nhất hô thiên hạ biến” (nghĩa là: Một tiếng hô ở núi Nưa đã làm chuyển biến cả thiên hạ), cũng đã trở thành một phần của lịch sử. Song, nơi Bà Triệu yên nghỉ - mảnh đất cổ Phú Điền “sau có núi, trước có sông làm án, phong cảnh và giang san ấy làm nên công hầu, công tước” – vẫn quanh năm khói hương và vẫn luôn là nơi hậu thế ngưỡng vọng, tìm về chiêm bái, đặc biệt là vào ngày chính hội đền (22-2 âm lịch).

Không gian xanh trong di tích đền Bà Triệu.

Lễ hội đền Bà Triệu được tổ chức hàng năm, không chỉ nhằm tưởng nhớ công lao của Bà Triệu đối với dân tộc; mà hơn thế, trong tư tưởng và tâm thức dân gian, nhân vật lịch sử này đã hóa “Thần” và được “thiêng hóa”, bởi vậy, Lễ hội đền Bà Triệu đã trở thành sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng độc đáo, có sức lan tỏa mạnh mẽ, giàu giá trị và đậm đà bản sắc dân tộc. Phần lễ diễn ra rất nhiều nghi thức cổ xưa, trang trọng và nghiêm cẩn, như lễ mộc dục, lễ giỗ, lễ trình, lễ rước kiệu, lễ tạ, tế cung đình, tế nữ quan... Cùng với phần lễ trang nghiêm, phần hội trở thành “sân khấu” trình diễn các trò chơi, trò diễn dân gian độc đáo, trong đó phải kể đến trò hội trận “Ngô - Triệu giao quân”, tái hiện lại các trận chiến ác liệt của nghĩa quân Bà Triệu và giặc Ngô. Ngày nay, phần lễ có thêm nhiều tiết mục sân khấu hóa, được dàn dựng công phu, hướng đến ca ngợi công lao của Bà Triệu, các tướng sĩ và nghĩa quân đối với lịch sử dân tộc.

Trong Lễ hội đền Bà Triệu, nghi thức rước kiệu (hay còn gọi là lễ rước bóng) là nghi thức đặc sắc, quan trọng và linh thiêng bậc nhất. Chính vì lẽ đó mà từ xưa, nghi thức này yêu cầu sự tham gia của hầu hết quan viên, chức sắc, kỳ lão và Nhân dân trong vùng. Khi chứng kiến sự trang trọng và hùng hậu của đoàn rước kiệu này, có người đã ví “đám rước như một con rồng lớn, lừng lững tiến trên đường làng”. Đoàn rước kiệu gồm đội cờ đi trước (cờ tiết, cờ mạo, cờ ngũ hành, cờ tứ linh); theo sau là biển gỗ sơn son thếp vàng, ban chinh cổ (trống, chiêng), đội chấp kích và đồ bát tửu; tiếp đó là kiệu hương án và phường đồng văn, kiệu bát cống rước Vua Bà, kiệu song loan, kiệu long đình, kiệu võng... Điều đặc biệt đã khiến lễ rước kiệu trở nên độc đáo đó là hiện tượng “kiệu bay”. Đó là khi đám rước đi qua các ngã ba, ngã tư hay trước khi đến sân đền, sân đình, kiệu sẽ quay tròn, khi tiến khi lui, lúc sang trái lúc sang phải... khó đoán định. Có nhận định cho rằng, “kiệu bay” trong Lễ hội đền Bà Triệu là một hiện tượng mang đậm tính tâm linh. Bởi, dường như có một sức mạnh vô hình đã “trợ” cho con người “bay lên” cùng cỗ kiệu rước Thần. Để rồi, trạng thái “lên đồng tập thể” ấy được xem như là sự thăng hoa, bay bổng của con người trong không gian thiêng.

Trải qua hơn 17 thế kỷ, với vô vàn biến thiên của thời gian và lịch sử, song giá trị và sức hấp dẫn của Lễ hội đền Bà Triệu vẫn luôn được khẳng định. Đây là một trong những lễ hội lâu đời nhất, có sức lan tỏa sâu rộng nhất và cũng giàu giá trị bậc nhất của xứ Thanh. Lễ hội này là sản phẩm tinh thần vừa có giá trị lịch sử, văn hóa, vừa được lưu giữ qua hệ thống di tích quốc gia đặc biệt; đồng thời, các nghi thức của lễ hội được thể hiện hay trình diễn bằng nhiều hình thức đặc sắc, vừa mang đậm tính dân gian lại vừa mang nhiều nét quy củ, trang nghiêm, thành kính của các lễ hội lịch sử. Không những thế, Lễ hội đền Bà Triệu còn thấm rất sâu vào tâm thức dân gian và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống tinh thần, tâm linh của vùng đất Bồ Điền xưa (Triệu Lộc ngày nay) – vốn là nơi đã gắn chặt với tên tuổi và sự nghiệp của Bà Triệu, cũng đồng thời là “cái nôi” văn hóa đã góp phần ấp ủ, gìn giữ những giá trị văn hóa đặc sắc nhất của Lễ hội đền Bà Triệu.

Với những giá trị ấy, Lễ hội đền Bà Triệu đã chính thức được vinh danh trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đó là niềm vinh dự to lớn, cũng đồng thời là trách nhiệm đang đặt ra cho các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị và cộng đồng trong việc gìn giữ, vun đắp và trao truyền. Bởi có như vậy di sản ấy mới luôn “sống” và làm giàu thêm đời sống văn hóa tinh thần con người. Đồng thời, để các giá trị đích thực của di sản ấy sẽ luôn tỏa rạng và làm bừng sáng thêm bức tranh di sản văn hóa Việt Nam vốn phong phú, đa dạng, giàu có và đậm đà bản sắc dân tộc.

Lê Dung

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/le-hoi-den-ba-trieu-tai-san-quy-gia-trong-kho-tang-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia/180766.htm