Lê Quý Đôn và bài thơ rất nhiều thông tin

Đây là một trong khoảng ba trăm bài thơ viết trên đường đi sứ của Lê Quý Đôn. Biết bao câu chuyện lịch sử, văn hóa, văn chương, mà chỉ gói gọn trong một bài thơ sầm uất thông tin.

Dịch nghĩa:

TRÚ Ở HUYỆN LIÊU THÀNH,

NGẮM ĐÀI LỖ TRỌNG LIÊN

Vén bức màn, thấy tài danh,
Hàng ngàn chung đỉnh, như nhành cỏ khô.
Tiếng thơm Tắc Hạ tung hô,
Ai cùng trâu lửa giữ bời cõi thiêng?
Thuần Vu danh tiếng khắp miền,
Trọng Liên cao khiết, điền viên ẩn mình.
Nêu cao chính nghĩa biện minh,
Thư sinh nặng nghĩa vẹn tình, chí cao.

(VŨ BÌNH LỤC dịch)

Đây là bài thơ Lê Quý Đôn viết trên đường đi sứ sang Tàu, cụ thể hơn là viết trên đường trở về sau khi đã hoàn thành công việc triều kiến ở Yên Kinh (Bắc Kinh). Tác giả ngợi ca tài đức của Lỗ Trọng Liên, một danh sĩ người nước Tề ở thời Chiến Quốc.

Ở đây, huyện Liêu Thành thuộc nước Tề xưa kia, hiện có đài Lỗ Trọng Liên, để tưởng nhớ một kỳ nhân hiếm lạ của nước Tề thời Chiến Quốc. Lỗ Trọng Liên từng học ở học cung Tắc Hà, rất giỏi, nhưng ông chả thiết đến việc làm quan, chẳng màng đến công danh phú quý như bao người khác.

Lỗ tiên sinh rất giỏi về hùng biện, có tài biện thuyết, tranh tụng. Nhưng điều đặc sắc ở bậc kỳ nhân này, chính là việc ông đã dùng văn chương để đánh bại kẻ thù bằng chiến thuật “Tâm công”, buộc tướng địch phải chịu thua cuộc, tự sát.

Tác giả và nhóm làm phim về danh nhân Lê Quý Đôn ở Văn Miếu Thăng Long.

Tác giả và nhóm làm phim về danh nhân Lê Quý Đôn ở Văn Miếu Thăng Long.

Chả là bấy giờ, nước Tề bị liên quân nước Yên tiến đánh, thế lực như vũ bão. Gần như hầu hết thành trì của nước Tề đều bị liên quân nước Yên chiếm mất. Chỉ riêng còn có thành Tức Mặc, do tướng Điền Đan trấn giữ, cố thủ, không hàng. Quân Yên bao vây tứ bề. Điền Đan dùng kế liên hoàn chống lại liên quân do nước Yên cầm đầu. Quân Tề ở trong thành dùng đàn trâu xung trận. Điền Đan cho làm mồi lửa tẩm dầu, buộc vào đuôi từng con trâu, rồi châm lửa, lùa đàn trâu ra xung trận. Đàn trâu bị lửa đốt vào đít, chúng không thể chịu nổi. Chúng chen nhau từ cổng thành liều mạng xông ra, vùng chạy như điên. Quân Yên bất ngờ dính đòn rồng lửa như trời giáng, sợ hãi, tan vỡ. Điền Đan nhân đà thắng lợi, cho toàn quân dũng mãnh xông lên chiến đấu, đánh bại quân Yên, thu lại hơn 70 thành trước đó đã bị quân Yên cướp mất. Chỉ còn có Liêu thành, Điền Đan vây đánh ròng rã cả hai năm trời, tốn biết bao sinh mạng quân Tề, mà không sao thắng được.

Bấy giờ, Lỗ Trọng Liên liền viết thư cho viên tướng nước Yên trấn giữ Liêu Thành. Một viên tướng rất giỏi. Lỗ tiên sinh dùng văn chương, biện bác, để thuyết phục tướng Yên, phân tích cái lẽ phải thua của quân Yên, nêu cái lẽ tất thắng của quân Tề. Chỉ còn mỗi con đường là đầu hàng hoặc bị bắt mà thôi. Nhận được thư của Lỗ Trọng Liên, viên tướng nước Yên suy nghĩ lung lắm. Cuối cùng ông ta chọn con đường tự sát. Quân Tề thu lại được Liêu Thành, không tốn thêm một tên lính nào nữa.

Như thế, Điền Đan thu lại gần hết đất đai và thành trì từ tay liên quân Yên, nhưng bất lực trước Liêu Thành. Lỗ Trọng Liên dùng văn chương thực hiện được cái việc mà toàn bộ binh lực nước Tề không sao làm được. Chẳng phải văn chương có sức mạnh không thể cân đong đo đếm được hay sao? Chẳng phải là Lỗ Trọng Liên, ngay từ thời Chiến Quốc, đã dùng chiến thuật “tâm công”, tức đánh vào lòng người, tấn công vào ý chí của đối phương để giành thắng lợi một cách ngoạn mục đó sao?

Lý Bạch (701-762) ở đời nhà Đường, đã từng thay mặt vua Đường Huyền Tông viết thư chửi giặc, mà khiến đối phương phải từ bỏ ý chí cao ngạo. Số là, Lý Bạch lên Trường An dự thi Tiến sĩ, văn hay nhưng bị Lý Quốc Trung và Cao Lực Sĩ ghét, không cho đỗ. Lý Quốc Trung và Cao Lực Sĩ, chỉ là “quốc thích” và hoạn quan, nhưng nắm quyền lực lớn nhất trong triều. Thấy bài thi của Lý Bạch, ghét người, nên Quốc Trung và Cao Thái giám ghét luôn cả văn. Hai tên lộng thần chả cần đọc, phê luôn, đại ý, văn Lý Bạch chả ra gì, chỉ đáng là kẻ mài mực, thậm chí, chỉ đáng là kẻ tháo giày cho người khác mà thôi. Hạ Tri Chương, một nhà thơ nổi tiếng đang làm quan to trong triều, biết tài Lý Bạch, quý trọng Lý, mời Lý ở lại chơi ít ngày.

Bỗng một hôm, có viên sứ giả nước Phiên đem bức tối hậu thư, nội dung yêu sách vua Đường Huyền Tông một số vấn đề về đất đai, lãnh thổ gì đó. Nếu không chấp thuận, sẽ phải đối mặt với chiến tranh. Nhà Đường nhận quốc thư nước Phiên, mà cả triều đình không ai đọc được. Huyền Tông hẹn sứ giả sau 6 ngày sẽ trả lời. Vua yêu cầu Hàn Lâm viện giải mã bức thư, nhưng không có vị Viện sĩ nào đọc được thư ấy. Hạ Tri Chương buồn bã về nhà nói chuyện ấy với Lý Bạch.

Lý bảo: “Việc ấy khó gì”! Hóa ra, Lý Bạch đã được mẹ dạy cho biết chữ Phiên từ hồi còn nhỏ. Hạ Tri Chương mừng lắm, liền cấp tốc vào triều tâu với Huyền Tông. Huyền Tông cho vời Lý Bạch vào triều, nhưng Lý cố ý nấn ná tỏ ra không vội. Cuối cùng, Huyền Tông phải phong cho Lý Bạch học vị Tiến sĩ, đội mũ mặc áo Hàn Lâm học sĩ, Lý Bạch mới chịu vào triều.

Lý uống say, chếnh choáng đi vào. Thấy Lý Quốc Trung và Cao Lực Sĩ ở đó, Lý Bạch yêu cầu Huyền Tông bắt Lý Quốc Trung và Cao Lực Sĩ phải cởi giày, mài mực cho ông, rồi mới đọc thư Phiên và viết trả lời. Bất đắc dĩ, Dương Quý Phi phải bảo Dương Quốc Trung và Cao Lực Sĩ “chịu khó” cởi giày, mài mực cho Lý Bạch. Thỏa chí rồi, Lý vui vẻ đọc bức thư của nước Phiên, rồi cầm bút thay mặt Đường Huyền Tông thảo bức thư cho vua nước Phiên, tất nhiên là bằng chữ nước Phiên.

Viên sứ thần nước Phiên cầm bức thư do Lý Bạch viết, lời lẽ rất mạnh mẽ, chửi vua Phiên sao mà ngu thế, dám xúc phạm Thiên triều. Sứ Phiên giật mình. Ông ta biết nhà Đường còn có người tài giỏi, chưa thể trấn áp được, liền sợ hãi cáo lui, không dám yêu sách gì thêm nữa. Văn ấy, người đời bảo là “Văn chửi giặc”. “Văn chửi”, mà đánh bại được ý chí của đối phương đang có ý đồ thăm dò thử thách Đường triều.

Tuy nhiên, “chiến công” của Lỗ Trọng Liên, của Lý Bạch, so với chiến công của Nguyễn Trãi ở nước ta, thì cũng chưa thấm tháp gì.

Bấy giờ, quân Minh đang chiếm đóng nước ta. Chúng xây dựng 14 thành trì vững chắc ở những vị trí chiến lược trên toàn cõi. Nguyễn Trãi đã dùng thiên tài văn chương của mình để tiến công các thành trì của giặc Minh. Tưởng như câu chuyện viển vông, ảo tưởng. Nhưng kết quả là, 11 thành, trong số 14 thành do quân Minh chiếm đóng, đều lũ lượt ra hàng, “không tốn một mũi tên hòn đạn nào” (Đại Việt sử ký toàn thư). Chỉ còn có 3 thành, quân ta phải bao vây tiến công tiêu diệt. Khó khăn nhất là thành Xương Giang do Phạm Văn Xảo chỉ huy công thành, tốn biết bao xương máu mới thành công. Riêng thành Đông Đô (Thăng Long), Nguyễn Trãi phải đích thân vào gặp Tổng binh Vương Thông, vào ra không dưới 5 lần, để thuyết phục hắn. Trước đó, Nguyễn Trãi cũng đã nhiều lần viết thư cho Vương Thông, phân tích 6 điều hắn phải thua, đồng thời là 6 cái lẽ quân Đại Việt sẽ thắng. Cuối cùng, Vương Thông phải chấp nhận đầu hàng (danh nghĩa là nghị hòa), kết thúc cuộc chiến kéo dài hàng chục năm trời vô cùng gian khổ.

Ta đã khôn khéo kết hợp tiến công địch với chiến lược bao vây, diệt viện, vừa đánh vừa đàm, dần thay đổi cục diện trên chiến trường, buộc địch phải co cụm chờ viện binh. Những cuộc chiến dùng phục binh, tiêu diệt viện binh của quân Minh, thành công rất lớn, như Chi Lăng, Tốt Động v.v… góp phần chặn đứng hy vọng của Vương Thông và tướng lĩnh nhà Minh, khiến chúng buộc phải xin hàng.

Toàn bộ thư từ Nguyễn Trãi viết gửi cho các tướng nhà Minh, được tập hợp trong cuốn "Quân trung từ mệnh tập", vô giá. May mà chưa bị loạn thần nhà Hậu Lê tiêu hủy như các sáng tác của ông. Chúng ta rút ra những điểm quan trọng gì, khi đánh giá sức mạnh của văn chương trong chiến tranh? Nhà sử học Lê Quý Đôn (1726-1784) đánh giá về Nguyễn Trãi, đại ý “Viết thư, thảo hịch, tài giỏi hơn hết mọi thời”. Nhà sử học Phan Huy Chú (1782-1840) nhận xét “Văn chương Nguyễn Trãi có sức mạnh hơn mười vạn tinh binh”. Còn Nguyễn Mộng Tuân, đỗ Tiến sĩ cùng khoa với Nguyễn Trãi thì viết: “Người như ông tiên ở trong tòa ngọc / Cái tài làm hay làm đẹp cho nước, xưa nay chưa từng có bao giờ”. Xem xét mọi hoàn cảnh tạo nên thắng lợi, trộm nghĩ vài điểm:

Chính Lê Quý Đôn, trong chuyến đi sứ lên Yên Kinh cũng đã viết về sức mạnh của văn chương, rằng “Một hàng bút mực có thể dập tắt được can qua” (Nhất hàng bút nghiễn tức can qua). Đó là câu thơ trích trong bài thơ "Âm bình tảo phát" (Buổi sáng đi sớm từ Âm Bình)…

Đấy là chưa kể đến một áng “thiên cổ hùng văn”, muôn đời bất hủ, có tên là "Đại cáo bình Ngô", do Nguyễn Trãi viết thay Lê Lợi. Ở đây, Nguyễn Trãi đã chửi mắng vua nhà Minh là “Thằng nhãi con Tuyên Đức động binh không ngừng”! Thật là hả dạ! Vậy mà có kẻ muốn lăm le sửa đổi chữ “Triệu”, tức chỉ nhà Triệu (Triệu Đà, tức Triệu Vũ Đế) dựng nước Nam Việt của dân Bách Việt chúng ta đấy! Không có Nam Việt, thì làm gì có Đại Cồ Việt, Đại Việt, rồi Việt Nam hùng mạnh như ngày nay! Cái lý của trời đất xưa nay vẫn cứ “hồn nhiên tươi xanh” như vậy đấy!

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/le-quy-don-va-bai-tho-rat-nhieu-thong-tin-i732792/