Luật Ngân sách Nhà nước: Khơi thông dòng chảy nguồn lực

Luật Ngân sách Nhà nước lần này được sửa đổi để giải quyết ngay những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đảm bảo phát huy hiệu quả nguồn lực ngân sách nhà nước.

Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, sáng nay 26/5, Quốc hội sẽ cho ý kiến tại hội trường về dự án sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN). Dự thảo Luật NSNN (sửa đổi) tập trung giải quyết 04 vấn đề trọng tâm. Trong đó, điểm nhấn trong dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) lần này là tăng cường phân cấp, phân quyền, trao quyền chủ động cho các địa phương trong việc quyết định các dự án đầu tư, đặc biệt cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đổi mới cơ chế phân cấp nguồn thu

Dự thảo Luật ngân sách Nhà nước (sửa đổi) tập trung vào giải quyết các vấn đề then chốt, bao gồm: Đổi mới cơ chế phân cấp nguồn thu thông qua việc tạo điều kiện để ngân sách địa phương có đủ nguồn lực đầu tư cho các dự án khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình Dự thảo Luật NSNN sửa đổi.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình Dự thảo Luật NSNN sửa đổi.

Theo Bộ Tài chính, qua hơn 8 năm thực hiện Luật ngân sách Nhà nước năm 2015, những tác động khách quan làm thay đổi cơ cấu thu. Ngân sách trung ương vẫn giữ vai trò chủ đạo nhưng có xu hướng giảm, trong khi yêu cầu đòi hỏi cần tăng cường hơn nữa tính chủ động của ngân sách địa phương.

Từ thực tế trên, cơ quan soạn thảo cho biết phân cấp thu ngân sách không còn phù hợp với xu hướng, diễn biến các khoản thu ngân sách, làm giảm vai trò chủ đạo của Ngân sách trung ương, trong khi chưa thực sự khuyến khích tính tự chủ của các địa phương. Nhiều điểm nghẽn trong phân cấp ngân sách không khuyến khích các địa phương có điều kiện mở rộng cơ sở thu, điều chỉnh mức thu để điều tiết hợp lý các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn và tăng thu.

Ở dự thảo luật sửa đổi lần này, tỷ lệ phân chia nhiều loại thuế được quy định theo từng nhóm địa phương có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tương đồng. Ban soạn thảo cho biết, quy định này nhằm bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và chủ động của ngân sách địa phương trong xác định nguồn lực hàng năm và trong trung hạn.

Khơi thông dòng chảy nguồn lực

Cơ quan soạn thảo đã rà soát, sửa đổi quy định về phân cấp nhiệm vụ chi. Trong đó hướng tới ưu tiên bố trí nguồn lực cho các nhiệm vụ trọng tâm như phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đồng thời, trách nhiệm, quyền hạn của mỗi cấp trong việc sử dụng ngân sách Nhà nước cũng được xác định rõ.

Điểm nhấn trong dự thảo Luật lần này là tăng cường phân cấp, phân quyền trong công tác lập dự toán và chấp hành ngân sách Nhà nước. Cụ thể là trao quyền chủ động cho các địa phương trong việc quyết định các dự án đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính cũng được chú trọng, nâng cao hiệu quả và tính kịp thời trong giải quyết các vấn đề phát sinh.

Tuần làm việc thứ 4: Biểu quyết thông qua chính sách đặc thù về NƠXH

Trong tuần làm việc thứ 4 của Kỳ họp thứ 9 (từ ngày 26-29/5), Quốc hội xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng trong chương trình nghị sự. Trong đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội (NƠXH).

Quốc hội cũng thảo luận về các dự án Luật quan trọng khác như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự; Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam.

Trong tuần làm việc, Quốc hội nghe các Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về: dự án Luật Tương trợ tư pháp về hình sự; dự án Luật Tương trợ tư pháp về dân sự; dự án Luật Tình trạng khẩn cấp; dự án Luật Đường sắt (sửa đổi).

Lệ Cẩm

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/luat-ngan-sach-nha-nuoc-khoi-thong-dong-chay-nguon-luc-334388.htm