Mỹ tiếp tục có động thái giảm căng thẳng thương mại với Trung Quốc

Theo một sắc lệnh hành pháp của Nhà Trắng công bố ngày 12/5 (giờ Mỹ), Mỹ sẽ cắt giảm mức thuế áp với hàng hóa giá trị thấp nhập từ Trung Quốc.

Nhân viên bưu điện Mỹ làm việc tại Los Angeles, California ngày 30/11/2023. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Nhân viên bưu điện Mỹ làm việc tại Los Angeles, California ngày 30/11/2023. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Theo hãng tin Reuters, đây là động thái tiếp tục làm dịu cuộc chiến thương mại có thể gây tổn hại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Động thái này được đưa ra vài giờ sau khi Trung Quốc và Mỹ công bố tạm ngừng leo thang thuế quan thương mại sau các cuộc đàm phán cuối tuần ở Geneva (Thụy Sĩ), trong đó cả hai bên đồng ý gỡ bỏ hầu hết các loại thuế mà họ đã áp đặt lên hàng hóa của nhau kể từ đầu tháng 4.

Mặc dù tuyên bố chung ở Geneva không đề cập đến chính sách miễn thuế đối với hàng hóa giá trị thấp, nhưng sắc lệnh của Nhà Trắng sau đó cho biết bắt đầu từ ngày 14/5, mức thuế mới sẽ được giảm từ 120% xuống còn 54%, với khoản phí cố định 100 USD được giữ nguyên.

Chính sách miễn thuế này áp dụng cho các mặt hàng có giá trị dưới 800 USD và được gửi từ Trung Quốc qua dịch vụ bưu điện. Trước đây, các gói hàng như vậy được nhập vào Mỹ mà không phải chịu thuế và chỉ phải qua kiểm tra tối thiểu.

Vào tháng 2, Tổng thống Donald Trump đã chấm dứt chính sách miễn thuế này bằng cách áp thuế 120% trên giá trị gói hàng hoặc áp khoản phí cố định 200 USD - dự kiến có hiệu lực vào tháng 6. Lý do là chính sách này bị các công ty như Shein, Temu và nhiều nền tảng thương mại điện tử khác lạm dụng, đồng thời bị những kẻ buôn lậu fentanyl và các hàng hóa bất hợp pháp lợi dụng.

Số lượng hàng hóa nhập vào Mỹ theo diện miễn thuế giá trị thấp đã bùng nổ trong những năm gần đây, chiếm hơn 90% tổng số gói hàng. Trong đó, khoảng 60% đến từ Trung Quốc, chủ yếu từ các nhà bán lẻ trực tuyến như Temu và Shein.

Trong sắc lệnh ban hành ngày 12/5, Nhà Trắng thông báo mức thuế mới sẽ có hiệu lực vào lúc 0 giờ 1 phút ngày 14/5/2025 (giờ miền Đông nước Mỹ), đồng thời xác nhận kế hoạch áp phí cố định 200 USD sẽ bị hủy bỏ, giữ nguyên ở mức 100 USD.

Chính sách miễn thuế hàng giá trị thấp của Mỹ có từ năm 1938 đang ngày càng bị các nhà lập pháp thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa chỉ trích.

Một số người cho rằng đây là kẽ hở cho phép hàng giá rẻ từ Trung Quốc tràn vào Mỹ và làm suy yếu các ngành trong nước, đồng thời bị lợi dụng để buôn lậu hàng cấm như ma túy và tiền chất sản xuất ma túy.

Miễn thuế đối với hàng hóa giá trị thấp (de minimis) là chính sách cho phép bỏ qua thủ tục hải quan và thuế thông thường của Mỹ đối với các mặt hàng nhỏ lẻ. Đây là một trong những chính sách được áp dụng rộng rãi nhất trên thế giới. Ngưỡng miễn thuế tương tự tại Liên minh châu Âu chỉ là 156 USD.

Thỏa thuận thương mại tại Geneva đã giảm mạnh thuế cho cả Mỹ và Trung Quốc, lần lượt xuống còn 10% và 30%, giảm 115 điểm phần trăm, có hiệu lực trong ít nhất 90 ngày.

Việc tạm hoãn áp thuế này sẽ tạo điều kiện để các nhà bán lẻ trực tuyến như Shein và Temu có thời gian thích nghi với các thay đổi. Các công ty này có khả năng sẽ tận dụng khoảng thời gian trên để nhập hàng số lượng lớn và tích trữ tại các kho ở Mỹ.

Những bên được hưởng lợi nhiều nhất từ chính sách miễn thuế giá trị thấp bao gồm các nhà bán lẻ trực tuyến chuyên vận chuyển hàng từ Trung Quốc như Shein, Temu và AliExpress (thuộc Alibaba). Sự phát triển mạnh mẽ của các công ty này đã khiến Amazon phải ra mắt dịch vụ giảm giá riêng mang tên Haul, cho phép các nhà bán hàng trên nền tảng này gửi các mặt hàng trị giá 5 USD trực tiếp từ Trung Quốc theo diện miễn thuế hàng hóa giá trị thấp.

Trong khi đó, ngày 12/5, Tổng thống Trump cho biết ông không cho rằng mức thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ quay trở lại mức 145% sau thời hạn tạm hoãn 90 ngày, đồng thời bày tỏ lạc quan rằng Washington và Bắc Kinh có thể đạt được một thỏa thuận thương mại.

Tuyên bố được đưa ra sau các cuộc đàm phán cấp cao tại Geneva giữa Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong. Đây là vòng đối thoại đầu tiên giữa hai quốc gia kể từ khi Mỹ áp mức thuế cao lên tới 145% với hàng hóa Trung Quốc, trong khi Trung Quốc đáp trả bằng mức thuế lên đến 125% đối với hàng Mỹ, khiến thị trường tài chính toàn cầu chao đảo.

Tổng thống Mỹ cũng để ngỏ khả năng sẽ có cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối tuần này, trong bối cảnh các cuộc thảo luận gần đây giữa quan chức hai nước được đánh giá là đang có những tiến triển tích cực.

Về phần mình, Bộ Thương mại Trung Quốc đánh giá kết quả tại Geneva là tiến triển đáng kể và phù hợp với lợi ích chung của hai nước cũng như toàn cầu. Hai bên cũng cam kết hợp tác về vấn đề fentanyl và tiến hành các cuộc tham vấn định kỳ hoặc đột xuất tại Mỹ, Trung Quốc hoặc nước thứ ba theo thỏa thuận.

Các chuyên gia thận trọng nhận định rằng thỏa thuận tạm thời này là bước đi tích cực nhưng chưa thể đảm bảo một giải pháp lâu dài. Ông Mark Williams thuộc Capital Economics cảnh báo không có gì chắc chắn rằng thỏa thuận tạm hoãn áp thuế 90 ngày sẽ mở đường cho một hiệp định vững chắc hơn.

Thùy Dương/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/my-tiep-tuc-co-dong-thai-giam-cang-thang-thuong-mai-voi-trung-quoc-20250513160042587.htm