Nghệ nhân Khmer kể Phật tích bằng tranh

Hơn 30 năm 'múa bút' điểm tô, hàng trăm ngôi chùa Khmer và ghe ngo ở khắp miền Tây sống nước được 'khoác lên mình áo mới' nhờ đôi bàn tay tài hoa của vợ chồng nghệ nhân Lâm Phiên - Sơn Sà The (dân tộc Khmer, trú tại phường Phú Lợi, TP. Cần Thơ)

Những bức bích họa được vẽ bằng đôi bàn tay tài hoa của anh Lâm Phiên và chị Sơn Sà The.

Những bức bích họa được vẽ bằng đôi bàn tay tài hoa của anh Lâm Phiên và chị Sơn Sà The.

Lưu giữ nét đẹp văn hóa Khmer

Gặp vợ chồng nghệ nhân Lâm Phiên - Sơn Sà The trong một dịp cả hai đang phác họa những bức tranh trên tường trong ngôi sala (giảng đường). Theo chia sẻ của anh Lâm Phiên, trong quá trình tạo tác nên những bức bích họa, người nghệ nhân không chỉ rập khuôn, tuân thủ theo các mẫu cổ điển mà còn “thổi” vào tranh nguồn cảm hứng nhiều cung bậc cảm xúc, truyền được nhân sinh quan trong nhận thức tư duy bằng lăng kính nghệ sĩ một cách đầy biến hóa, sáng tạo.

Theo nghệ nhân, nội dung của những bức tranh tường trong các ngôi chùa Khmer Nam Bộ thể hiện những tiền kiếp của Đức Phật đã từng trải qua, thể hiện được sự chính thiện, chính nghĩa chiến thắng gian tà. Nội dung các chủ đề được tạo tác trong tranh ca ngợi sự toàn năng, toàn giác của Đức Phật, ca ngợi triết lý thâm sâu màu nhiệm của Phật giáo.

“Có chánh điện chùa diện tích lớn, phải vẽ tầm 5 tháng, còn nếu dồn toàn thời gian làm xuyên suốt, liên tục thì cũng phải sau 2 tháng mới hoàn thành các bức bích họa. Chánh điện chùa này vợ chồng tôi đã vẽ nhiều tuần nay, tầm 10 ngày tới sẽ hoàn thiện để kịp lễ khánh thành”, nghệ nhân Lâm Phiên chia sẻ.

Tâm sự về nghề, anh Lâm Phiên bộc bạch: “Vẽ họa tiết ở chùa có cái khó riêng của nó. Có những chùa vợ chồng tôi phải leo lên giàn giáo rất cao, có nơi đến 6 tầng giàn giáo để vẽ những họa tiết phía trên của chánh điện. Dù trên cao nhưng mình làm riết quen chân rồi, vợ chồng tôi thấy cũng bình thường như đứng trên mặt đất”.

Lướt nhẹ nét cọ trên bức tường trắng, chị Sơn Sà The tiếp lời, đối với nghệ thuật vẽ, nếu chỉ dựa vào chút năng khiếu thì chưa đủ mà còn đòi hỏi sự đam mê, ham học hỏi và sáng tạo trên nền tảng văn hóa truyền thống. Bà là nghệ nhân đời thứ ba sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống đam mê tranh vẽ tường tại các chùa Khmer.

“Khi mới 8 tuổi, tôi đã được ông ngoại là nghệ nhân Lý Nghét và mẹ là nghệ nhân Lý Lệ Sông truyền đạt những kiến thức nghệ thuật. 14 tuổi tôi học vẽ hình, đến 18 tuổi đã thành thạo với nghề. Anh Lâm Phiên chồng tôi cũng là học trò của ông ngoại.

Chúng tôi đều yêu nghề rồi đến với nhau và đồng hành cùng nhau với nghề vẽ họa tiết truyền thống. Thường thì tôi phác họa nét vẽ trước, chồng tôi lên màu. Vợ chồng phối hợp ăn ý lắm, khi làm việc có vợ có chồng vừa nhanh vừa vui”, chị Sà The chia sẻ.

Nghệ nhân Sơn Sà The hoàn thiện bức vẽ về cuộc đời Đức Phật tại chùa của đồng bào Khmer.

Nghệ nhân Sơn Sà The hoàn thiện bức vẽ về cuộc đời Đức Phật tại chùa của đồng bào Khmer.

Điểm tô sắc màu dân tộc

Bên cạnh điểm tô cho các ngôi chùa, vợ chồng nghệ nhân Sơn Sà The còn “thay áo mới” cho những chiếc ghe ngo rực rỡ sắc màu mỗi dịp lễ hội.

Theo nghệ nhân Lâm Phiên, đối với ghe ngo, vợ chồng ông thường bỏ ra từ 4 - 5 ngày để hoàn thành việc trang trí một chiếc nhưng cũng tùy thuộc vào họa tiết, có khi cả tuần mới xong.

“Mỗi chiếc ghe ngo của các chùa người Khmer đều có hoa văn và biểu tượng riêng thể hiện ở mũi ghe. Các họa tiết là điểm nhấn của chiếc ghe ngo nên khâu chọn vị trí và vẽ phải làm sao để họa tiết sống động. Nhờ đó, ghe ngo khi bơi đua sẽ tạo cảm giác như đang bay nhảy trên sóng nước trong mắt người xem”, ông Lâm Phiên nói.

Vợ chồng nghệ nhân nghệ nhân Lâm Phiên - Sơn Sà The vẽ hoa văn trang trí chiếc ghe ngo chùa Ompuyear (chùa Nhu Gia, Sóc Trăng)

Vợ chồng nghệ nhân nghệ nhân Lâm Phiên - Sơn Sà The vẽ hoa văn trang trí chiếc ghe ngo chùa Ompuyear (chùa Nhu Gia, Sóc Trăng)

Với thâm niên 30 năm thực hiện các tác phẩm tại những ngôi chánh điện, sala; bích họa Phật giáo, tiểu sử Đức Phật tại khắp các chùa Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Có thời điểm vợ chông nghệ nhân chạy từ chùa này vẽ bích họa, sang chùa khác để “điểm tô” cho sắc màu văn hóa của dân tộc qua nhưng bức vẽ sinh động. “Vợ chồng tôi yêu nghề này vì đây là nghề truyền thống của dân tộc. Các bức vẽ là sự cố gắng bảo tồn nền văn hóa đặc sắc”, ông Lâm Phiên chia sẻ.

Đại đức Sơn Phước Lợi, Trụ trì chùa Ô Chum cho biết: Nghệ nhân Lâm Phiên và bà Sơn Sà The có công rất nhiều với chùa. Vợ chồng nghệ nhân đã vẽ họa tiết cho Sala và các bức tranh về tiểu sử của Đức Phật ở chánh điện. Mỗi bức vẽ thể hiện được những giai thoại về tiểu sử Đức Phật, từ khi Ngài ra đời đến khi nhập niết bàn.

“Những bức bích họa về Đức Phật ở chùa đều được các phật tử gần xa khen ngợi rất nhiều về sự tinh tế”, Đại đức Sơn Phước Lợi nhấn mạnh.

Tào Đạt

Tào Đạt

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nghe-nhan-khmer-ke-phat-tich-bang-tranh-2420698.html