Người kể chuyện giữ nghề truyền thống bằng sắc màu thổ cẩm

Ngày và đêm, vẫn có những bàn tay tài hoa âm thầm đánh thức khung cửi truyền thống của dân tộc mình, gìn giữ màu sắc của nghề dệt truyền thống người Jrai - một nghề từng tưởng như đã 'ngủ quên' dưới ngọn nương, con rẫy.

Từ tâm huyết của nghệ nhân Rơ Châm Monh, địa phương đã lập ra câu lạc bộ dệt thổ cẩm với hơn 30 thành viên ở nhiều độ tuổi khác nhau. Ảnh: Tiêu Dao

Từ tâm huyết của nghệ nhân Rơ Châm Monh, địa phương đã lập ra câu lạc bộ dệt thổ cẩm với hơn 30 thành viên ở nhiều độ tuổi khác nhau. Ảnh: Tiêu Dao

Dựng lại màu thương nhớ

Ngày nào cũng vậy, trong ngôi nhà sàn truyền thống của nghệ nhân Rơ Châm Monh (làng Kép 2, xã Ia Ly, tỉnh Gia Lai) luôn rộn ràng tiếng cười nói của các bà, các chị. Đã trải qua 73 mùa rẫy, nhưng nghệ nhân Rơ Châm Monh vẫn còn dẻo tay, đều nhịp bên khung cửi dệt nên những tấm thổ cẩm độc đáo. Vừa dệt, bà vừa tận tình hướng dẫn các chị em trong làng về hoa văn, cách chọn màu, xe sợi... Thi thoảng, bà lại gật đầu, ánh mắt ánh lên sự tâm đắc với nghề.

Người làng Kép 2 chẳng ai nhớ nghề dệt thổ cẩm có từ bao giờ, nhưng từng có một thời, cả làng gần như quên lãng nghề này. Nhiều năm trước, phụ nữ chỉ quen lên nương làm rẫy, chẳng ai biết đến khung cửi, càng không biết dệt vải ra sao. Nhìn đồng bào ở vùng khác trình diễn nghề dệt, khoác lên mình những bộ trang phục thổ cẩm rực rỡ, ai nấy đều thán phục vải đẹp quá, tay người khéo quá và phụ nữ Jrai ở đây càng thêm thương nhớ nghề xưa.

Nghệ nhân Rơ Châm Monh bảo, bà yêu nghề dệt thổ cẩm như cách người Jrai yêu nhà Rông, bến nước. Bà yêu hình ảnh những người đàn ông, phụ nữ Jrai khoác lên mình trang phục truyền thống, cùng nhau đánh chiêng, múa xoang bên bếp lửa bập bùng mỗi mùa lễ hội. Vì thế, bằng mọi cách, bà cố gắng giữ nghề, kiên trì truyền dạy cho phụ nữ trong làng. Từng đường nét hoa văn, từng cách bện chỉ, xe sợi..., bà đều chỉ dạy tận tình. Và cứ thế, những tấm thổ cẩm lần lượt hoàn thành qua đôi tay của chị em, quay trở lại đời sống thường nhật của người làng.

Cả một đời gắn bó với thổ cẩm, đôi tay tài hoa của bà đã dệt nên biết bao câu chuyện về làng quê trên từng tấm vải. Những tấm thổ cẩm ấy không chỉ mang dáng hình văn hóa Jrai, mà còn kể lại những câu chuyện: Về những tháng ngày buôn làng đồng lòng đánh giặc, về mùa gặt rộn ràng trên rẫy, hay về những ngày lễ hội tưng bừng... “Đây là hình ảnh bộ đội cầm chắc tay súng bảo vệ buôn làng. Đây là người mẹ địu con ngóng chờ tin chiến thắng. Còn đây là bông hoa chuối nở đỏ trên rẫy sau ngày đất nước toàn thắng” - bà Monh vừa chỉ lên từng họa tiết trên tấm thổ cẩm, vừa giải thích rành rọt.

Chuyện kể của những gam màu

Tiếng lách cách từ khung cửi vang lên đều đều theo nhịp tay của các chị, các mẹ ở làng Kép 2. Những đôi tay ngày thường quen cầm cuốc, cầm dao phát nương, làm rẫy tưởng chừng chỉ biết đến công việc nặng nhọc; nhưng khi ngồi bên khung dệt, lại trở nên mềm mại, khéo léo và kiên nhẫn. Từng sợi chỉ được luồn qua, xe kỹ, từng họa tiết được dệt lên tỉ mỉ, mang theo cả tâm hồn và mong muốn gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống.

Với người Jrai, từ xưa đến nay, con gái trong làng đều phải biết dệt thổ cẩm. Đó là điều bắt buộc trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân. Mỗi cô gái thường được bà, mẹ truyền dạy nghề dệt từ khi còn nhỏ. Vì thế, với phụ nữ làng Kép 2, những tấm thổ cẩm không chỉ là sản phẩm thủ công, mà còn là nơi họ thể hiện sự sáng tạo và gửi gắm tâm tư.

Hoa văn thổ cẩm của người Jrai gắn liền với hình ảnh quen thuộc như cây nêu, nhà Rông, dấu chân thú rừng, hoa lá... thể hiện mong ước mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Qua đôi tay nghệ nhân, những tấm vải trở thành tác phẩm nghệ thuật sống động, mang đậm yếu tố tâm linh, huyền bí và chứa đựng sức sống bền bỉ của cộng đồng. Khi đã dệt thành thạo các họa tiết truyền thống, mỗi người thợ dệt lại sáng tạo thêm dấu ấn riêng của mình, gắn với những câu chuyện đời thực.

Mỗi tấm thổ cẩm là một trang nhật ký ghi lại đời sống của người làng, từ vui buồn, lễ hội, mùa màng đến hình ảnh gia đình. Những họa tiết uyển chuyển, màu sắc sinh động ấy kể chuyện về nguồn cội, về bản sắc dân tộc. Không chỉ giữ gìn hồn cốt truyền thống, nghề dệt ngày nay còn mang lại giá trị kinh tế rõ rệt, góp phần cải thiện cuộc sống của bà con.

Giữ nghề - giữ hồn làng

Những năm gần đây, du lịch cộng đồng phát triển, nghề dệt truyền thống ngày càng được du khách trong và ngoài nước biết đến. Chính quyền địa phương cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ, lồng ghép trong các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm. Đây là cơ hội để đồng bào Jrai giới thiệu nghề dệt thổ cẩm, đưa vào trình diễn, phục vụ du lịch, từ đó tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống.

Tại làng Kép 2, những “học trò” xuất sắc của nghệ nhân Rơ Châm Monh giờ đã đông đảo, có thể kể đến các chị: Rơ Châm Hói, Rơ Châm H’Rưn, Rơ Châm Hà... Ai nấy đều khâm phục bà Monh - người không chỉ dệt giỏi, lưu giữ chuẩn mực các hoa văn truyền thống, mà còn sáng tạo để đưa câu chuyện làng lên tấm vải khiến ai nhìn cũng mê mẩn.

Nhiều phụ nữ trong làng nay đã có khả năng sáng tạo riêng, biến khung cửi thành người bạn thân thiết. Ngày nào không động đến khung cửi, họ lại cảm thấy thiếu vắng. Những tấm thổ cẩm được dệt để may áo choàng, khố, váy, túi xách... đều được làm một cách cẩn thận, tỉ mỉ. Ngoài phục vụ nhu cầu gia đình, các sản phẩm cũng được bán ra thị trường, tăng thêm thu nhập cho người dân.

Tiêu Dao

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nguoi-ke-chuyen-giu-nghe-truyen-thong-bang-sac-mau-tho-cam-post492196.html