Nguy cơ thiếu hụt nhân lực cao, vẫn khó thu hút nhân tài
Hiện chưa có quy định đầy đủ, toàn diện về nhân lực chất lượng cao, do đó, có khó khăn trong công tác xác định nhân tài, người có trình độ cao và việc hoạch định chính sách thu hút, bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh.
Trong bối cảnh bước vào kỷ nguyên mới, yêu cầu về nhân lực cao hơn, đất nước ta đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, theo đánh giá từ Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Sáng 10/7, mở đầu phiên họp thứ 47, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bước đầu về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”.
Trình bày tóm tắt nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội, Phó truởng đoàn thường trực đoàn giám sát Nguyễn Đắc Vinh khái quát, giai đoạn 2021-2024, Đảng đã rất quan tâm, ban hành nhiều văn bản định hướng, chủ trương phát triển nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trong thời gian gần đây, Bộ Chính trị đã ban hành bốn nghị quyết chiến lược, trong đó đều xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, là yếu tố then chốt để triển khai thành công các nghị quyết. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành văn bản pháp luật, chương trình, đề án, tập trung chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển và sử dụng nguồn nhân lực. Trong giai đoạn giám sát, Chính phủ đã ban hành 69 văn bản. Công tác tuyên truyền, quán triệt, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách được thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm.
Đoàn giám sát cho rằng, trong thời điểm hiện nay, nguồn nhân lực của nước ta cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Quy mô nguồn nhân lực có bước phát triển, cơ cấu ngày càng phù hợp hơn; trình độ, kỹ năng của lực lượng lao động được nâng lên; năng suất lao động, việc làm, thu nhập của người lao động có chuyển biến tích cực.
Đối với khu vực công lập, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chiếm tỷ lệ không nhiều trong tổng số lực lượng lao động toàn xã hội, phần lớn có trình độ từ đại học trở lên; công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý và phát triển nguồn nhân lực được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm công khai, minh bạch theo quy định, do vậy, chất lượng, trình độ đội ngũ nhìn chung đáp ứng tốt yêu cầu
Đối với khu vực ngoài công lập, số lượng lao động có sự gia tăng (tốc độ tăng bình quân khoảng 0,65%/năm trong giai đoạn 2021-2024), nhất là trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2024, cả nước có gần 47,3 triệu người lao động làm việc ở khu vực ngoài nhà nước, chiếm 89,3% tổng lực lượng lao động và chiếm trên 91% tổng số lao động có việc làm của nền kinh tế.
Các chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ nhân lực chất lượng cao của các bộ, ngành địa phương bước đầu đã phát huy hiệu quả. Từ năm 2018 đến tháng 10/2024, có 706 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ được thu hút, tuyển dụng vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức. Nhiều công chức, viên chức, người lao động được cấp học bổng, hỗ trợ đào tạo sau đại học ở trong nước và ngoài nước, hỗ trợ một lần khi thu hút nhân tài về địa phương.
Một bộ phận nhân lực chất lượng cao có năng lực, trình độ tiệm cận với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, đóng góp tích cực trong các hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ, hội nhập quốc tế. Một số địa phương, đơn vị sự nghiệp công lập đã thực hiện thi tuyển công khai một số vị trí lãnh đạo, cho phép nhân sự ngoài hệ thống được thi tuyển, thí điểm trả lương cao cho giảng viên, bác sĩ giỏi, có cơ chế nội bộ linh hoạt về lương, môi trường làm việc và chế độ đãi ngộ khác để giữ người tài.
Đoàn giám sát cũng nêu một số vấn đề đặt ra như, Chính phủ, một số bộ, ngành và hầu hết các địa phương chưa ban hành văn bản tổng thể, định hướng chiến lược dài hạn về phát triển nguồn nhân lực, nhân lực chất lượng cao. Một số chiến lược, chương trình, đề án, trong đó có những văn bản quan trọng, có tính chiến lược chậm được ban hành, triển khai thực hiện còn hạn chế, kết quả chưa rõ nét. Chưa có quy định đầy đủ, toàn diện về nhân lực chất lượng cao, do đó, có khó khăn trong công tác xác định nhân tài, người có trình độ cao và việc hoạch định chính sách thu hút, bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao.
Trong bối cảnh bước vào kỷ nguyên mới, yêu cầu về nhân lực cao hơn, đất nước ta đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, nhất là chuyên gia đầu ngành, “tổng công trình sư” trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, lĩnh vực kinh tế mới, nhân lực phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh và các lĩnh vực quan trọng khác như luật, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, khí tượng thủy văn,..., theo kết quả giám sát.
Kết quả giám sát cũng chỉ ra cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa thực sự hợp lý, chưa gắn kết chặt chẽ và theo kịp nhu cầu của thực tiễn. Tỷ lệ sinh viên theo học các ngành kinh tế, tài chính, luật khá cao. Tỷ lệ theo học các nhóm ngành khoa học cơ bản, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản… có xu hướng giảm.
Một bộ phận không nhỏ sinh viên tốt nghiệp đại học chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng, nhất là về kỹ năng, độ thích ứng và tính chuyên nghiệp. Ước tính 30% sinh viên tốt nghiệp không làm việc trong lĩnh vực được đào tạo. Cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo, cơ sở thực hành còn nghèo nàn, lạc hậu, chưa đáp ứng tốt yêu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao. Một bộ phận nhà giáo còn hạn chế về năng lực, kỹ năng nghề nghiệp chuyên môn.
Việc chuyển giao, nhân rộng các chương trình đào tạo nghề theo chuẩn quốc tế còn khó khăn, thiếu đồng bộ. Kết quả phân luồng giáo dục đạt thấp so với mục tiêu. Công tác hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp cho học sinh chưa thực sự hiệu quả.
Ông Vinh cũng nêu rõ, việc tuyển dụng, sử dụng nguồn nhân lực ở khu vực công, nhất là trong đơn vị sự nghiệp công lập còn có một số bất cập. Chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở nước ngoài sử dụng ngân sách nhà nước chưa đạt hiệu quả cao, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đánh giá cán bộ vẫn còn bất cập.