Nhân Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4): Nhiều giải pháp tích cực đưa sở hữu trí tuệ vào cuộc sống

Ngày 26/4 hàng năm được chọn là Ngày Sở hữu trí tuệ (SHTT) Thế giới - dịp để tri ân, tôn vinh các nhà sáng tạo, đồng thời giúp nâng cao nhận thức về vai trò của SHTT trong công chúng. Tại tỉnh Nam Định, SHTT đã từng bước trở thành công cụ quan trọng giúp địa phương khai thác tiềm năng sáng tạo, bảo vệ tài sản trí tuệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ và lan tỏa thương hiệu địa phương.

Chế biến sản phẩm OCOP “Sứa ăn liền Phương Trang” tại Công ty TNHH Quý Thịnh (Hải Hậu).

Chế biến sản phẩm OCOP “Sứa ăn liền Phương Trang” tại Công ty TNHH Quý Thịnh (Hải Hậu).

Xác định rõ vai trò làm “cầu nối” giữa sáng tạo và phát triển, những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm đưa SHTT đến gần hơn với người dân, doanh nghiệp và thế hệ trẻ. Thông qua các chương trình tuyên truyền chuyên sâu, tập huấn, đào tạo cho sinh viên, nông dân, phụ nữ, cán bộ quản lý, doanh nghiệp khởi nghiệp, kiến thức về SHTT từng bước thẩm thấu vào cộng đồng. Sở Khoa học và Công nghệ (KH và CN) đã phối hợp với Báo Nam Định tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức về SHTT, khuyến khích đổi mới sáng tạo (ĐMST), xây dựng ý thức tôn trọng và bảo vệ quyền SHTT thông qua các chương trình, chuyên mục, chuyên đề về SHTT và ĐMST. Ngoài ra, để truyền thông hiệu quả tới lứa tuổi nhỏ, Sở KH và CN đã tiến hành in ấn, phát hành 7.000 cuốn truyện tranh “Sáng chế”, “Nhãn hiệu” tới 227 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh, góp phần hình thành ý thức tôn trọng tài sản trí tuệ cho trẻ em ngay từ khi còn trên ghế nhà trường. Bên cạnh đó, 2.000 cuốn “Những ý tưởng táo bạo - Cẩm nang về SHTT dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp” cũng được in ấn, phát hành đến các doanh nghiệp khởi nghiệp, các trường đại học, cao đẳng, các tổ chức KHCN… hướng dẫn cụ thể cách đăng ký, bảo vệ và khai thác giá trị tài sản trí tuệ trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh.

Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan thúc đẩy các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ như: hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và phát triển thương mại cho gần 200 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; hỗ trợ đăng ký hơn 100 bản quyền tác giả, quyền liên quan; hỗ trợ trực tiếp cho 120 nhãn hiệu, 2 kiểu dáng công nghiệp, 1 sáng chế cho các tổ chức/doanh nghiệp tại địa phương theo Nghị quyết 77/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Qua đó giúp người dân và doanh nghiệp yên tâm hơn khi đầu tư vào sản phẩm, dịch vụ của mình, đồng thời hạn chế rủi ro bị làm nhái, xâm phạm tác quyền. Đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 4.846 đơn và 2.600 văn bằng sở hữu công nghiệp được cấp cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Tỉnh cũng đã triển khai hướng dẫn các đơn vị, địa phương xét và công nhận gần 2.000 sáng kiến cấp cơ sở; có 138 sáng kiến trong lĩnh vực giáo dục và cải cách hành chính được đánh giá có phạm vi ảnh hưởng rộng trên toàn tỉnh.

Điểm nhấn trong hoạt động SHTT của Nam Định là việc tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nội dung Chiến lược SHTT, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 theo Quyết định số 1068/QĐ-TTg và Quyết định số 2205/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, góp phần đưa SHTT trở thành công cụ quan trọng, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường khuyến khích ĐMST và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Trong giai đoạn 2021-2025, Sở KH và CN đã hỗ trợ tạo lập, quản lý và phát triển cho các nhãn hiệu tập thể "Phở xưa Nam Định", "Tơ lụa Cổ Chất", "Hiệp hội Nông nghiệp sạch tỉnh Nam Định", "Nếp Bắc Nghĩa Bình" và các nhãn hiệu chứng nhận "Mật ong rừng Sú Vẹt Vườn quốc gia Xuân Thủy", "Bánh nhãn Hải Hậu", "Lúa tám ấp bẹ Xuân Đài"... Việc đăng ký, bảo hộ quyền SHTT cho các sản phẩm đặc sản không chỉ giúp bảo vệ nguồn gốc, chất lượng mà còn nâng cao giá trị thương mại, tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm mở rộng thị trường tiêu thụ, kể cả trong nước và xuất khẩu.

Để phát triển các tiềm lực về SHTT, Sở KH và CN đã phối hợp với Viện Khoa học SHTT (Bộ KH và CN) thành lập Trạm IP Platform nhằm khai thác hiệu quả dịch vụ thông tin về các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp của tỉnh; phối hợp thành lập CLB Khởi nghiệp sáng tạo Nam Định với hơn 50 thành viên tham gia nhằm trao đổi, kết nối ý tưởng sáng tạo; phối hợp hỗ trợ thành lập 2 Điểm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST đặt tại Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp (cơ sở Nam Định) và Trung tâm Ứng dụng, dịch vụ KH và CN giúp sinh viên, nhóm nghiên cứu trẻ, doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ pháp lý, tư vấn SHTT; xây dựng, vận hành Cổng thông tin Khởi nghiệp ĐMST tỉnh (https://khoinghiepdmst.namdinh.gov.vn), kênh truyền thông riêng trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, YouTube, Tiktok nhằm kết nối thông tin khởi nghiệp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Sở KH và CN cũng phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức định kỳ các cuộc thi như Hội thi Sáng tạo kỹ thuật, Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng, qua đó phát hiện, khuyến khích những ý tưởng mới, sáng kiến có tính ứng dụng cao.

Đi đôi với khuyến khích sáng tạo, tỉnh cũng chú trọng bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của chủ thể SHTT. Trong năm 2024, các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý 50 vụ vi phạm quyền SHTT. Đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, ngăn chặn buôn lậu, hàng giả, hàng nhái - góp phần tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ doanh nghiệp, nhà sản xuất kinh doanh chân chính và quyền lợi người tiêu dùng.

Xác định SHTT là một trong những công cụ quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, thời gian tới, tỉnh tiếp tục hỗ trợ xây dựng, đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng có giá trị kinh tế cao, nhất là các sản phẩm thuộc chương trình OCOP. Đồng thời, đẩy mạnh đưa kiến thức SHTT vào nhà trường từ bậc tiểu học và trung học cơ sở, hình thành nền tảng tư duy sáng tạo, tôn trọng quyền SHTT từ sớm cho thế hệ trẻ. Chú trọng phát triển sàn giao dịch tài sản trí tuệ, tăng cường liên kết cung - cầu trong khai thác giá trị tài sản trí tuệ; khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu các đối tượng quyền SHTT để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Với cách làm kiên trì, bài bản và sáng tạo, Nam Định đang dần khẳng định vị thế là một trong những địa phương có trách nhiệm trong việc đưa SHTT vào cuộc sống, kiến tạo nền tảng phát triển kinh tế tri thức trong kỷ nguyên số.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202504/nhan-ngay-so-huu-tri-tue-the-gioi-264-nhieu-giai-phap-tich-cucdua-so-huu-tri-tue-vao-cuoc-song-05a7fd5/