Sửa Luật Doanh nghiệp: Đảm bảo thực thi cam kết quốc tế về phòng, chống rửa tiền

Một trong những mục đích của việc xây dựng và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp là đảm bảo thực thi cam kết quốc tế của Việt Nam trong triển khai hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền.

Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, sáng 9/5, Quốc hội đã nghe các báo cáo, tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp.

Bổ sung nhiều quy định về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp

Theo tờ trình của Chính phủ, một trong những mục đích của việc ban hành Luật là đảm bảo thực thi cam kết quốc tế của Việt Nam trong triển khai hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền.

Ngày 30/6/2023, Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) đã chính thức đưa Việt Nam vào Danh sách giám sát tăng cường (còn gọi là Danh sách Xám) về phòng, chống rửa liền và phải thực hiện các hành động khắc phục do FATF chỉ định trong vòng hai năm (đến tháng 5/2025).

Một trong các hành động được FATF đề cập là: xây dựng cơ chế lưu giữ và cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền các thông tin đầy đủ, chính xác và cập nhật về chủ sở hữu hưởng lợi của pháp nhân; áp dụng các biện pháp xử lý một cách phù hợp, hiệu quả, tương xứng và có tính chất răn đe đối với các hành vi vi phạm.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình tại Quốc hội

Bên cạnh đó, một số vướng mắc trong thực hiện các quy định tại Luật cần rà soát, điều chỉnh phù hợp với thực tiễn. Đơn cử như một số thuật ngữ, khái niệm tại Luật chưa rõ ràng, chưa thống nhất giữa các quy định tại văn bản pháp luật khác nhau; các quy định về việc gia nhập và rút khỏi thị trường của doanh nghiệp cần tiếp tục cải cách để phù họp với bối cảnh phát triển mới. Ngoài ra, một số quy định về cơ cấu tổ chức quản lý, quản trị doanh nghiệp tại Luật cần tiếp tục làm rõ, cụ thể hóa.

“Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định tại Luật Doanh nghiệp là cần thiết và cấp bách để đảm bảo tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và khẳng định cam kết của Việt Nam trong thực thi Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt giai đoạn 2021 - 2025”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định.

Về nguyên tắc, các quy định sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật tuân thủ nguyên tắc đảm bảo quyền tự do kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.

Trong đó, về gia nhập thị trường, dự thảo Luật đã tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về cắt giảm thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập thị trường.

Ngoài việc kế thừa những cải cách, tiến bộ về ứng dụng công nghệ thông tin trong thủ tục thành lập doanh nghiệp trước đây, dự thảo Luật đã tiếp tục hiện đại hóa, chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác đăng ký doanh nghiệp thông, qua việc sử dụng định danh cá nhân để thay thế cho toàn bộ giấy tờ truyền thống.

Theo đó, đã bãi bỏ 2 nội dung giúp giảm giấy tờ mà doanh nghiệp, cá nhân phải nộp và giản lược thông tin doanh nghiệp phải kê khai cho cơ quan đăng ký kinh doanh. Thông qua việc xác thực định danh cá nhân trên cơ sở kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong quá trình thành lập doanh nghiệp sẽ giúp các cơ quan quản lý giám sát nhân thân, tư cách pháp lý của người thành lập doanh nghiệp ngay từ bước đầu mà không ảnh hưởng đến quá trình tự do gia nhập thị trường cùa doanh nghiệp, không làm tăng thủ tục hành chính.

Để đáp ứng cam kết quốc tế về phòng chống rửa tiền theo Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền giai đoạn 2021 - 2025, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 15 nội dung (sửa đổi 6 nội dung, bổ sung 9 nội dung) về cung cấp, lưu giữ và chia sẻ thông tin liên quan đến chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp.

Dự thảo đồng thời giao Chính phủ hướng dẫn cụ thể tiêu chí xác định, kê khai thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp, đảm bảo phù hợp với Kết luận số 119-KL/TW của Bộ Chính trị. “Các quy định điều chỉnh, bổ sung mới về nội dung này không làm phát sinh thủ tục hành chính, giảm thiểu chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay.

Hạn chế tình trạng đăng ký vốn ảo, vốn khống

Về quản trị doanh nghiệp, mặc dù Luật Doanh nghiệp đã được hoàn thiện qua nhiều phiên bản, tuy nhiên vẫn còn một số quy định có vướng mắc phát sinh trong thực tiễn ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Để xử lý các vướng mắc, bất cập này và tăng cường hiệu quả của công tác hậu kiểm đối với doanh nghiệp, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 23 nội dung (sửa đổi 16 nội dung, bổ sung 7 nội dung).

Các nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan đến: làm rõ, thống nhất các khái niệm, nội hàm quy định tại Luật để đảm bảo hiệu lực trong thực thi; sửa đổi một số nội dung liên quan đến quản trị doanh nghiệp để đảm bảo phù hợp với thực tiễn hoạt động của các loại hình doanh nghiệp; sửa đổi một số quy định để tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, địa phương công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, đặc biệt là việc “hậu kiểm” nhằm giảm tối đa tình trạng vốn ảo, vốn khống, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi trình bày báo cáo thẩm tra.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi trình bày báo cáo thẩm tra.

Căn cứ quy định của Luật Ban hành xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2025, Chính phủ đề xuất xem xét, ban hành Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Để đáp ứng mục tiêu xây dựng Luật và ý nghĩa của Luật được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn, Ủy ban Kinh tế và Tài chính qua thẩm tra đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo Bộ, các cơ quan ngang Bộ có liên quan và địa phương khẩn trương xây dựng Nghị định của Chính phủ bảo đảm có hiệu lực đồng thời với Luật và đáp ứng yêu cầu của FATF.

Đồng thời nhanh chóng ban hành hướng dẫn đầy đủ, chi tiết; thực hiện các biện pháp hỗ trợ và bảo đảm điều kiện thực hiện khác để không tạo thêm áp lực hoạt động doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp thực hiện các quyền về tự do kinh doanh với chi phí thấp; nâng cấp hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp bảo đảm thông tin được tích hợp, chuẩn hóa, cập nhật đầy đủ, có sự liên thông, kết nối, chia sẻ.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp khác về phòng, chống rửa tiền theo khuyến nghị của FATF, chú trọng công tác thi hành pháp luật, bảo đảm mục tiêu Việt Nam không bị đưa vào Danh sách Đen./.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/sua-luat-doanh-nghiep-dam-bao-thuc-thi-cam-ket-quoc-te-ve-phong-chong-rua-tien-176118.html