'Tấm nền ổn định' giúp thị trường bất động sản thoát khỏi giai đoạn phòng thủ

Với đòn bẩy từ hạ tầng kết nối liên vùng, chính sách quy hoạch đồng bộ và dòng vốn đầu tư công được ưu tiên, kinh tế vĩ mô đang đóng vai trò như 'tấm nền ổn định', giúp thị trường bất động sản từng bước thoát khỏi giai đoạn phòng thủ…

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thị trường bất động sản đang dần phục hồi nhưng vẫn tiềm ẩn không ít thách thức. Trong bối cảnh đó, vai trò của chính sách điều hành vĩ mô càng trở nên quan trọng.

Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, việc Nhà nước ban hành nhiều chính sách tích cực đã thiết lập tiền đề thúc đẩy nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng. Các yếu tố như: chính sách thuế đối ứng, tốc độ giải ngân đầu tư công, tín hiệu điều chỉnh lãi suất, định hướng quy hoạch đô thị mới hậu sáp nhập… được xem là động lực giúp duy trì niềm tin thị trường.

MẶT BẰNG LÃI SUẤT DUY TRÌ Ở MỨC THẤP

Một trong những yếu tố nền tảng đáng chú ý mà ông Quốc Anh nhấn mạnh là mặt bằng lãi suất vẫn duy trì ở mức thấp, trong khi tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu cải thiện, đặc biệt ở nhóm vay mua nhà và sản xuất kinh doanh. Đây là lực đỡ quan trọng giúp kích thích lực cầu tiêu dùng – đầu tư và khơi thông dòng vốn vào những hoạt động kinh tế thực.

Song song với đó, việc Chính phủ ban hành Nghị định 151 và Công điện 78 cũng trực tiếp tháo gỡ các “điểm nghẽn” về pháp lý cho các dự án bất động sản. Hàng loạt chính sách được kỳ vọng sẽ phát huy tác động trong quý tiếp theo, thúc đẩy tiến độ triển khai dự án và góp phần tái lập lại cung - cầu thị trường.

Ngoài ra, một điểm nhấn của giai đoạn này còn đến từ sự định hình các cực tăng trưởng mới hậu sáp nhập, đặc biệt là khu vực liên kết Thành phố Hồ Chí Minh – Bình Dương – Bà Rịa – Vũng Tàu. Mỗi địa phương đang đảm nhận vai trò riêng trong chuỗi giá trị liên hoàn: Thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm tài chính, điều phối và dịch vụ cao cấp; Bình Dương - hạt nhân công nghiệp, công nghệ cao; Bà Rịa – Vũng Tàu - đầu mối logistics, cảng biển quốc tế.

“Mô hình phát triển đa cực nói trên không chỉ tạo động lực tăng trưởng cho từng địa phương, mà còn mở ra triển vọng hình thành một đại đô thị quy mô lớn nhất Việt Nam”, chuyên gia nhấn mạnh.

Cũng theo ông Quốc Anh, bên cạnh đại đô thị trọng điểm Thành phố Hồ Chí Minh, việc sáp nhập tỉnh, thành cũng hình thành những trung tâm công nghiệp, trung tâm du lịch mới với sức mạnh cộng hưởng, tác động tích cực đến thị trường bất động sản. Các trung tâm công nghiệp tiêu biểu gồm có Bắc Ninh - trung tâm công nghiệp, công nghệ cao; Hải Phòng – trung tâm thương mại, logistics, công nghiệp; Đồng Nai – trung tâm công nghiệp, logistics, nông nghiệp ứng dụng cao.

Còn tại miền Trung, Đà Nẵng sáp nhập với Quảng Nam định hình nên trung tâm logistics, công nghiệp, du lịch tích hợp, với khối ngành du lịch - dịch vụ chiếm tới 71% GRDP, là bệ đỡ cho nền kinh tế. Tương tự, một trung tâm kinh tế biển, năng lượng và du lịch quốc tế tiếp tục hình thành tại Khánh Hòa mới hậu sáp nhập.

“Với đòn bẩy từ hạ tầng kết nối liên vùng, chính sách quy hoạch đồng bộ và dòng vốn đầu tư công được ưu tiên, kinh tế vĩ mô đang đóng vai trò như “tấm nền ổn định”, giúp thị trường bất động sản từng bước thoát khỏi giai đoạn phòng thủ và hướng đến chu kỳ phục hồi bền vững hơn”, ông Nguyễn Quốc Anh nhận định.

Đồng quan điểm, TS.Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, đánh giá thị trường bất động sản đã từng bước thoát khỏi giai đoạn khó khăn kéo dài từ các năm trước, do tác động của dịch bệnh, chính sách tài chính chặt chẽ và tâm lý nhà đầu tư… Sự phục hồi này cho thấy nhiều xu hướng mới dần rõ rệt hơn.

BẤT ĐỘNG SẢN KỲ VỌNG SẼ ĐÓNG GÓP LỚN VÀO TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ

Tiếp nối những lực đẩy trên thị trường, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nhận định bất động sản nửa cuối năm 2025 đang đứng trước nhiều yếu tố kích thích tích cực.

Thứ nhất, Việt Nam vẫn theo đuổi mục tiêu tăng trưởng cao, đặc biệt là từ năm 2026 trở đi; trong đó, lĩnh vực bất động sản được kỳ vọng sẽ đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế. Thứ hai, nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn giữ quan điểm lạc quan về tiềm năng dài hạn của thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, môi trường quốc tế còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định và không ai có thể dự đoán chắc điều gì sẽ xảy ra. Vì vậy, nâng cao năng lực quản trị rủi ro là điều cần thiết.

Từ góc nhìn thị trường, ông Nguyễn Quốc Anh chia sẻ trong bối cảnh thị trường bất động sản từng trải qua giai đoạn điều chỉnh mạnh, việc nhận diện xu hướng hiện nay cần được đặt trong tầm nhìn dài hạn, thay vì chạy theo biến động ngắn hạn. Chúng ta không thể dự đoán chính xác thị trường theo tuần, theo tháng, nhất là khi thế giới liên tục thay đổi. Đôi khi chỉ một dòng trạng thái từ một chính trị gia nổi tiếng cũng có thể khiến thị trường xáo trộn. Do đó, hãy nhìn vào những yếu tố nền tảng và dài hạn của nền kinh tế Việt Nam.

"Trong dài hạn, Việt Nam có nhiều tiềm năng và cơ hội rõ rệt. Đặc biệt, nỗ lực tái cấu trúc bộ máy hành chính, chuyển từ ba cấp xuống hai cấp là bước đi đầy quyết đoán của Việt Nam mà không phải quốc gia nào cũng dám làm. Quá trình tinh gọn bộ máy chính quyền vừa giúp tăng hiệu quả quản lý, vừa mở đường cho các chiến lược phát triển dài hạn. Đây là tầm nhìn xa, thể hiện rõ khát vọng phát triển bền vững của đất nước”, đại diện Batdongsan.com.vn chia sẻ.

Tuy nhiên, vị chuyên gia lưu ý, bên cạnh yếu tố khách quan, tâm lý nhà đầu tư vẫn là biến số quan trọng ảnh hưởng đến dòng tiền cùng sự dịch chuyển của thị trường. Tâm lý của nhà đầu tư luôn mang tính chu kỳ, dễ bị chi phối bởi yếu tố rủi ro. Chỉ khi nào tâm lý thực sự ổn định, tức là nhà đầu tư cảm thấy thoải mái, ít lo lắng về rủi ro, thì họ mới quan tâm đến sản phẩm đầu tư. Còn khi thị trường bất ổn, nhà đầu tư sẽ ngần ngại xuống tiền, cho dù cơ hội đã bắt đầu xuất hiện.

Thanh Xuân

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tam-nen-on-dinh-giup-thi-truong-bat-dong-san-thoat-khoi-giai-doan-phong-thu.htm