Thời điểm nào tốt nhất để tập thể dục ở người bệnh đái tháo đường?
Tập thể dục là biện pháp hiệu quả để kiểm soát bệnh đái tháo đường, nhưng thời điểm nào để tập luyện là tốt nhất?
Với người đang cố gắng kiểm soát lượng đường trong máu, thời điểm tập luyện cũng quan trọng như chính bài tập. Dưới đây là những lợi thế và bất lợi của các thời điểm khác nhau trong ngày khi tập luyện mà người bệnh đái tháo đường có thể lựa chọn cho phù hợp với mục tiêu và tình trạng sức khỏe của bản thân.
Tập luyện buổi sáng có tốt cho người bệnh đái tháo đường?
Tập luyện buổi sáng có thể dễ tạo thành thói quen do có nhiều thời gian và chưa bận rộn với công việc. Tuy nhiên, với người bệnh đái tháo đường, tập thể dục sớm, đặc biệt là khi bụng đói, có thể làm tăng lượng đường trong máu.
Điều này liên quan đến một tình trạng là hiện tượng bình minh, khi cơ thể giải phóng các hormone như cortisol và adrenaline vào sáng sớm để chuẩn bị cho cơ thể thức dậy. Những hormone này có thể làm tăng lượng đường trong máu một cách tự nhiên. Nếu tập thể dục, đặc biệt là bài tập tim mạch cường độ cao như chạy hoặc HIIT ngay khi thức dậy, bạn có thể đẩy mức đường huyết lên cao hơn nữa.
Tuy nhiên, nguyên nhân này không có nghĩa tập thể dục buổi sáng không tốt mà người bệnh đái tháo đường nên thực hiện đi bộ chậm, tập yoga hoặc tập tạ nhẹ để đạt lợi ích cho sức khỏe.
Bên cạnh đó, với các trường hợp đang dùng thuốc hạ đường huyết hoặc insulin thì cần luôn kiểm tra lượng đường trong máu trước và cân nhắc ăn một bữa ăn nhẹ - như chuối hoặc một vài quả hạnh nhân - trước khi tập luyện để đảm bảo an toàn.

Tập luyện buổi sáng giúp người bệnh đái tháo đường dễ tạo thành thói quen.
Có nên đi bộ sau bữa ăn?
Đi bộ đơn giản trong 15-20 phút sau bữa trưa hoặc bữa tối có thể kiểm soát tốt lượng đường trong máu. Một nghiên cứu năm 2022 tại Mỹ đã phát hiện ra rằng đi bộ chỉ trong 2-5 phút sau khi ăn có thể làm giảm đáng kể lượng đường trong máu tăng đột biến, đặc biệt là ở những người mắc bệnh đái tháo đường type 2. Nguyên nhân do chuyển động này giúp đưa glucose ra khỏi máu và vào cơ, nơi nó có thể được sử dụng để tạo năng lượng.
Đi bộ sau bữa ăn cũng giúp cải thiện tiêu hóa và hạn chế cảm giác buồn ngủ, chậm chạp sau bữa trưa thịnh soạn.
Tập luyện buổi chiều mang lại lợi ích gì?
Đối với những người thích tập tạ, đạp xe, tập gym... thì buổi chiều có thể là thời điểm lý tưởng. Lý do là cơ thể thường nhạy cảm hơn với insulin vào cuối buổi chiều, nghĩa là cơ bắp hấp thụ đường từ máu tốt hơn. Ngoài ra, nhiệt độ cơ thể cốt lõi cũng cao hơn, có thể giúp các khớp linh hoạt, giảm nguy cơ chấn thương tốt hơn.
Một nghiên cứu trên Tạp chí Nghiên cứu Bệnh đái tháo đường thậm chí còn phát hiện ra rằng những người mắc bệnh đái tháo đường type 2 tập luyện vào buổi chiều có khả năng kiểm soát glucose tốt hơn so với những người tập luyện vào buổi sáng, ngay cả khi cả hai nhóm đều tập luyện giống nhau.
Hơn nữa, tập luyện buổi chiều có thể là liều thuốc tăng cường năng lượng hiệu quả giúp ngăn ngừa tình trạng uể oải lúc 4 giờ chiều mà không cần dùng đến caffeine.
Tập luyện buổi tối có phải là lựa chọn tối ưu?
Nếu bạn bận rộn cả ngày và chỉ có thể dành thời gian để tập luyện sau 7 hoặc 8 giờ tối thì không nên băn khoăn hay lo lắng vì tập luyện buổi tối vẫn có thể làm giảm lượng đường trong máu và cải thiện độ nhạy insulin qua đêm.
Tuy nhiên, nếu bạn đang dùng insulin hoặc một số loại thuốc điều trị đái tháo đường (như sulfonylurea), tập thể dục quá gần giờ đi ngủ có thể gây nguy cơ bị hạ đường huyết về đêm, tình trạng hạ đường huyết nguy hiểm khi ngủ.
Thời điểm nào là tốt nhất?
Hoạt động thể chất thường xuyên, bất kể thời gian nào có thể làm giảm mức A1C, cải thiện tâm trạng, giảm tình trạng kháng insulin và thậm chí giúp ngăn ngừa biến chứng tiểu đường.
Tuy nhiên, không có thời điểm cố định trong ngày được coi là tốt nhất đối với tất cả mọi người. Nếu bạn đang kiểm soát bệnh đái tháo đường, thời điểm "tốt nhất" để tập thể dục là thời điểm bạn có thể tập luyện một cách nhất quán và an toàn.
Đối với các trường hợp mắc bệnh đái tháo đường mới bắt đầu tập luyện, nên tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị trước khi thực hiện, đặc biệt là nếu đang dùng insulin hoặc các loại thuốc hạ đường huyết khác.
Phản ứng đường huyết khi tập thể dục có thể khác nhau nên việc theo dõi cá nhân và tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chăm sóc sức khỏe rất cần thiết để kiểm soát bệnh đái tháo đường hiệu quả.
Mời bạn xem tiếp video:
Cảnh báo những dấu hiệu nhận biết sớm bệnh đái tháo đường | SKĐS