Tiến sĩ trẻ đam mê nghiên cứu thuốc
TS Nguyễn Phước Vinh (31 tuổi) là 1 trong 14 gương mặt được trao danh hiệu Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM...

TS Nguyễn Phước Vinh - Phó Trưởng khoa Dược, Trường Đại học Khoa học Sức khỏe (Đại học Quốc gia TPHCM). Ảnh: NVCC
TS Nguyễn Phước Vinh - Phó Trưởng khoa Dược, Trường Đại học Khoa học Sức khỏe (Đại học Quốc gia TPHCM) ấp ủ dự định xây dựng đội ngũ nghiên cứu mạnh nhằm chế tạo thuốc thông minh và tìm ra giải pháp cho vấn đề kháng thuốc, phục vụ cộng đồng.
“Mưa” danh hiệu
Ngày 17/5, TS Vinh được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vinh danh là Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ 8, năm 2025. Đầu năm nay, TS Vinh cũng là 1 trong 14 gương mặt được trao danh hiệu Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM.
Trước đó, tháng 10/2024, anh là 1 trong 10 gương mặt đạt Giải thưởng Quả cầu Vàng do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng. Với tiến sĩ trẻ, những giải thưởng này như tiếp thêm động lực để anh theo đuổi đam mê nghiên cứu thuốc, với mong muốn người dân được thụ hưởng các sản phẩm thuốc tốt nhất với giá phù hợp.
TS Vinh sinh ra tại vùng quê miền biển thuộc thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên (cũ). Thuở nhỏ, Vinh thường cùng đám trẻ trong làng đi mò cua, bắt ốc giữa trưa nắng. Thỉnh thoảng, sau những lần rong chơi, cậu bị cảm, thậm chí sốt siêu vi. Mẹ chở Vinh lên gặp bác sĩ là người bạn lâu năm của gia đình. Sau khi được kê toa thuốc, cậu thấy khỏe lên rất nhanh.
Nhận thấy sự kỳ diệu của những viên thuốc, Vinh bắt đầu yêu thích màu áo blouse trắng. Khi học THPT, thầy giáo chủ nhiệm từng nói với Vinh: “Nếu làm ra được một loại thuốc, cuộc sống của hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu người có thể tốt hơn”. Lời dạy ấy in sâu vào tâm trí cậu học trò.
Tốt nghiệp THPT, theo lời động viên của gia đình, Vinh đỗ vào Khoa Dược, Trường Đại học Y Dược TPHCM theo hệ Pháp ngữ, được tài trợ bởi Tổ chức Đại học Pháp ngữ AUF. Đây được xem như viên gạch đầu tiên giúp cậu thực hiện ước mơ trở thành nhà bào chế thuốc.

TS Nguyễn Phước Vinh bên các sinh viên Trường Đại học Khoa học Sức khỏe (Đại học Quốc gia TPHCM). Ảnh: NVCC
Đam mê nghiên cứu thuốc
Tốt nghiệp đại học năm 2017, Vinh giành học bổng xuất sắc chương trình thạc sĩ Dược tại Trường Đại học Paris-Sud, Đại học Paris-Saclay (Pháp). Mới theo học chương trình thạc sĩ được 10 tháng, Vinh nhận được lời mời làm việc tại bộ phận nghiên cứu phát triển công thức bào chế thuốc một tập đoàn dược phẩm quốc tế. Mức lương hấp dẫn, cơ hội thăng tiến rộng mở, nhưng anh quyết định học lên tiến sĩ để có thêm cơ hội tiếp thu tri thức phục vụ nghiên cứu.
Trong thời gian làm nghiên cứu sinh tại Pháp, anh cùng cộng sự phát triển một dạng thuốc thông minh với kích thước nano trong điều trị ung thư vú ba âm và ung thư phổi tế bào nhỏ. Trên bề mặt thuốc được gắn mảnh kháng thể có khả năng nhận diện kháng nguyên trên tế bào ung thư. Khi đến tế bào ung thư, thuốc giải phóng các dược chất điều trị, không ảnh hưởng đến tế bào thường.
Thử nghiệm trên mô hình tế bào và động vật cho thấy, thuốc tăng trên 70% hiệu quả điều trị. Một ưu điểm khác, thuốc được gắn thêm đồng vị phóng xạ giúp theo dõi đường đi, xác định thuốc có đến đúng tế bào ung thư, không đi đến tế bào thường, đồng thời biết được khả năng đào thải của thuốc trong cơ thể. Nghiên cứu được công bố trên 5 tạp chí quốc tế uy tín và đạt Giải thưởng Xuất sắc về Bào chế năm 2022 của Viện Hàn lâm Dược học Cộng hòa Pháp.
Sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ tại Đại học Tours (Pháp), nhà khoa hoc trẻ trở về nước với mong muốn đào tạo đội ngũ dược sĩ Việt Nam. Anh cho rằng, khi xây dựng được đội ngũ đủ lớn, họ sẽ trực tiếp thực hiện các nghiên cứu bào chế và có thể hợp tác với doanh nghiệp dược phẩm để triển khai sản xuất, phục vụ cộng đồng. “Về Việt Nam giúp tôi thực hiện ước mơ của mình”, anh nói.
Trở về nước đầu năm 2022, TS Vinh vừa tìm kiếm đối tác triển khai tiếp dự án thuốc thông minh, vừa tập trung nghiên cứu các loại thuốc kháng sinh, kháng nấm bằng các giải pháp xanh (từ thiên nhiên hoặc tổng hợp xanh). Hướng nghiên cứu này nhằm giải quyết tình trạng đề kháng kháng sinh, kháng nấm, đặc biệt trong các trường hợp nhiễm trùng bệnh viện và bệnh nhân suy giảm miễn dịch.
Với trường hợp này, trong vòng 1 - 2 tuần, nếu không xác định được vi khuẩn gây bệnh hoặc nếu kháng sinh sử dụng không có tác dụng, nguy cơ tử vong sẽ rất cao. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng xếp Việt Nam vào nhóm vùng đỏ về tình trạng kháng thuốc.
Theo WHO, nguyên nhân đến từ việc sử dụng kháng sinh bất hợp lý trong hệ thống y tế, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trong cộng đồng. Khi mắc bệnh, người dân không có nhiều lựa chọn kháng sinh. Từ thực tế đó, TS Vinh cùng nhóm cộng sự định hướng phát triển các loại thuốc kháng sinh, kháng nấm phù hợp với mô hình bệnh tật tại Việt Nam, tập trung vào các bệnh truyền nhiễm và phòng dịch.
Hiện, nhóm nghiên cứu sử dụng các hoạt chất thông thường để phối hợp với thuốc kháng sinh, kháng nấm, tạo tác dụng cộng hợp trong cải thiện tình trạng kháng thuốc. Bệnh nhân có thể sử dụng riêng lẻ 2 loại thuốc này theo chỉ định của bác sĩ để cải thiện tình trạng kháng nấm. “Nhóm đang tiến hành các bước tiếp theo để chứng minh hiệu quả nghiên cứu này trên lâm sàng”, TS Vinh cho biết.
Theo anh, để nghiên cứu một loại thuốc mới cần nhiều năm với chi phí lớn. Do đó, việc phát triển các loại thuốc generic (thuốc bản sao) vẫn cần thiết tại Việt Nam, nhằm chủ động nguồn cung trong nước và giảm giá thành so với thuốc nhập khẩu, giúp người dân dễ dàng tiếp cận.
Hiện nay, TS Vinh tham gia chương trình trao đổi học giả thuộc Dự án PHER do tổ chức USAID tài trợ tại Trường Y Harvard (Mỹ). Trong ba tháng, anh tập trung nghiên cứu về đào tạo liên ngành trong lĩnh vực khoa học sức khỏe. Anh kỳ vọng có thể đóng góp một phần nhỏ vào quá trình đào tạo nhân lực y tế theo hướng dựa trên năng lực và lấy người học làm trung tâm.
GS.TS Lê Minh Trí - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Sức khỏe (Đại học Quốc gia TPHCM) cho biết, TS Vinh bắt đầu làm việc tại trường từ tháng 4/2022 và đạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế.
Trường đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu phát triển sản phẩm chăm sóc sức khỏe, với chức năng nghiên cứu, bào chế thuốc và hợp tác chuyển giao kỹ thuật cho doanh nghiệp dược để triển khai ứng dụng. Anh là một trong những nhân tố chủ chốt trong hoạt động này.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tien-si-tre-dam-me-nghien-cuu-thuoc-post738202.html