Vì sao bạn nên uống nước dừa khi nắng nóng?

Nước dừa là một trong những loại thức uống phổ biến có thể giúp làm mát cơ thể và cung cấp năng lượng, nhất là trong những ngày nắng nóng.

Vì sao bạn nên uống nước dừa khi nắng nóng?

Vào mùa hè, nắng nóng, thời tiết oi bức khiến con người dễ bị say nắng, mất nước, muối qua mồ hôi, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, hoặc thậm chí tử vong. Do đó, cơ thể rất cần được bổ sung đủ nước và điện giải, nước dừa là một trong những thức uống được ưa chuộng sử dụng để bổ sung nước và điện giải tự nhiên, giúp duy trì sức khỏe và cân bằng nước trong cơ thể.

Ngoài việc là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất dồi dào, chất dinh dưỡng chính trong nước dừa là kali khiến nó trở thành đồ uống có chất điện giải cao, đồng thời cũng chứa cả natri, canxi và magie, những khoáng chất quan trọng để duy trì sự cân bằng chất lỏng trong cơ thể.

Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)

Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, các khoáng chất có trong nước dừa như: kali, natri, canxi, magie, selen, đồng, kẽm... rất phong phú và hỗn hợp các chất trong nước dừa tương tự như dịch trong tế bào.

Hàm lượng kali dồi dào trong nước dừa giúp cân bằng điện giải, làm tối ưu hoạt động của hệ tuần hoàn, hệ thần kinh, hệ miễn dịch cũng như hỗ trợ việc hấp thụ, điều tiết chất lỏng, giúp bổ sung và bù nước cho cơ thể. Vì vậy, nước dừa thường được dùng uống bù nước hiệu quả nhằm bổ sung chất điện giải cho cơ thể trong trường hợp bài tiết qua mồ hôi khi thời tiết nắng nóng, khi tập luyện thể thaohay mất nước do sốt, tiêu chảy…

Nước dừa còn có thể giúp giải độc cơ thể. Cơ thể chúng ta có khả năng tự làm sạch tự nhiên nếu được cung cấp chất dinh dưỡng và nước phù hợp. Cung cấp nước không đủ sẽ dẫn đến tích tụ chất độc trong cơ thể vì gan và thận, các cơ quan giải độc không thể hoạt động bình thường nếu không có đủ nước.

Đặc biệt, trong điều kiện thời tiết rất nóng bức hoặc tập thể dục thể thao nhiều, cơ thể chúng ta cần nhiều nước hơn. Khi đó, nước dừa có thể là một loại nước uống lý tưởng giúp cung cấp nước, bổ sung điện giải và giúp loại bỏ độc tố khỏi cơ thể. Đặc biệt, chất điện giải kali có thể giúp chống lại một số tác động tiêu cực của hàm lượng natri cao trong cơ thể và có thể giúp hạ huyết áp, bảo vệ sức khỏe tim mạch.

Theo ThS.BS. Đặng Ngọc Hùng, Viện Nghiên cứu và Tư vấn dinh dưỡng, thành phần nước dừa chứa nhiều điện giải, khoáng chất và ít nhiễm khuẩn. Uống nước dừa còn giúp cho việc điều hòa huyết áp tốt hơn và được xem là loại nước phù hợp cho những người tập luyện hoặc người thường xuyên đổ mồ hôi trong môi trường nóng bức hoặc khi bị sốt...

Thời điểm nào không nên uống nước dừa?

Ngay khi vừa đi ngoài trời nắng nóng vềkhông nên uống nước dừa, vì dễ gây trúng gió. Các triệu chứng thường gặp trong trường hợp này là ớn lạnh, đầy bụng, sốt, thậm chí sốt cao.

Ngay sau khi luyện tập thể thao hoặc lao động nặng nhọc, lúc này cơ thể vẫn còn đang mệt mỏi vì vậy không nên uống nước dừa ngay lập tức.

Buổi tôiuố́ng nước dừa dễ bị khó tiêu, đầy bụng. Nếu muốn uống nước dừa buổi tối, tốt nhất nên uống ít, uống từng ngụm nhỏ từ từ.

Để đảm bảo an toàn và tận dụng được tối đa lợi ích dinh dưỡng của nước dừa, bạn nên lựa chọn loại nước dừa nguyên chất lấy từ quả dừa tươi. Hạn chế dùng nước dừa đóng hộp vì có thể chứa thêm đường bổ sung và các chất bảo quản.

Lưu ý là nước dừa tươi rất dễ hỏng, vì vậy bạn nên uống hết ngay sau khi chắt từ quả dừa tươi. Nếu đã mở nắp, nước dừa phải được bảo quản trong tủ lạnh và uống trong vòng 1-2 ngày.

Lượng nước dừa cần thiết để uống mỗi ngày phụ thuộc vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe, mức độ hoạt động và các yếu tố đi kèm khác của cơ thể. Với người bình thường có thể uống 1-2 cốc mỗi ngày. Các trường hợp có bệnh lý như huyết áp thấp, đái tháo đường, người có lượng kali trong máu cao, suy thận hoặc có rối loạn điện giải nên tham khảo ý kiến của bác sĩ khi uống nước dừa.

Theo Lan Anh/Tiêu dùng

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/doi-song/vi-sao-ban-nen-uong-nuoc-dua-khi-nang-nong/20240620112054306