Nguyên nhân bí xanh chết là do nấm gây bệnh nứt thân chảy nhựa, bệnh héo vàng

BBK- Cuối tháng 4, đầu tháng 5/2025, nhiều diện tích bí xanh tại hai xã Địa Linh và Yến Dương (huyện Ba Bể, Bắc Kạn) bị chết hàng loạt, lây lan nhanh trên diện rộng, khiến người dân lo nguy cơ mất trắng.

 Bí xanh bị chết do bệnh lây lan nhanh.

Bí xanh bị chết do bệnh lây lan nhanh.

Tại xã Địa Linh, chị Nình Thị Biển, thôn Pác Nghè cho biết: Nhà chị trồng khoảng 1.000m2 bí xanh. Năm nay trồng bí rất khó khăn, trồng đến lần thứ ba bí mới lên giàn được, hai lần đầu vụ trồng toàn bị chết, đến bây giờ bí đang có quả thì lại bị chết hết cả vườn chỉ trong vài ngày. Quanh khu vực gần ruộng bí của chị cũng có vài nhà cũng gặp tình trạng tương tự.

Ông Hoàng Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng, Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Qua xác minh thực địa, tại các xã Yến Dương và Địa Linh có khoảng 2ha bí xanh thơm giai đoạn ra hoa - tượng trái, thu hoạch có hiện tượng trên thân có đốm hình bầu dục, hơi lõm, màu vàng nhạt, có nhựa nâu đỏ, đen ứa ra, dây nứt nẻ thành vết dài màu nâu xám; một số cây gốc và rễ bị thối; thân cây và lá héo, cây bị chết; tỷ lệ cây bị chết khoảng 80 - 100%. Nguyên nhân được xác định do nấm gây bệnh nứt thân chảy nhựa, bệnh héo vàng (bệnh héo cây) gây ra.

 Một đoạn thân cây bí bị bệnh.

Một đoạn thân cây bí bị bệnh.

Nguyên nhân gây bệnh nứt thân chảy nhựa trên cây bí là do nấm Mycosphaerella melonis gây ra. Nấm phát sinh và gây hại nặng trong điều kiện ẩm và nhiệt độ cao, cây trồng được bón thừa đạm. Nấm bệnh tồn tại trong tàn dư cây bệnh, gặp điều kiện nhiệt độ và ẩm độ cao sẽ phát sinh thành dịch gây hại trên diện rộng.

 Cơ quan chuyên môn tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh cho cây bí

Cơ quan chuyên môn tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh cho cây bí

Để chủ động trong công tác phòng trừ, hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra, giúp người dân an tâm sản xuất, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng đề nghị Phòng Nông nghiệp và Môi trường, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ba Bể phối hợp thực hiện một số nội dung như:

Đối với các diện tích bị bệnh nặng, không có khả năng phục hồi: Thu gom và tiêu hủy toàn bộ cây bị bệnh. Bón vôi trên toàn bộ diện tích để diệt trừ nguồn nấm bệnh trong đất. Đối với các diện tích có tỷ lệ bệnh thấp, diện tích chưa xuất hiện bệnh. Cần thường xuyên thăm đồng, tỉa bỏ bớt các nhánh vô hiệu, lá già tạo độ thông thoáng cho luống bí. Khơi thông rãnh thoát nước, tránh hiện tượng ruộng bị ngập, không thoát nước kịp khi gặp mưa. Nhổ bỏ và tiêu hủy cây bị bệnh nặng, đồng thời bón vôi để xử lý nguồn bệnh trong đất.

Khi thời tiết có sương ban đêm hoặc khi thấy thân lá cây rậm rạp, xanh tốt cần sử dụng các chế phẩm sinh học chứa nấm đối kháng Trichoderma… hoặc các thuốc như: Booc - đô, Coc 85 WP, Champion 77WP để tưới, phun phòng bệnh. Khi cây bị bệnh sử dụng một trong các loại thuốc như: Revus opi 440SC, Score 250EC, Aliette 80WP, Ridomil Gold 68WP… để phun trừ.

Để đạt hiệu quả cao trong khi dùng thuốc trừ bệnh cần phun lặp lại lần 2 sau 4-5 ngày. Trong thời gian trị bệnh cho cây cần giảm lượng nước tưới, tuyệt đối không được làm ướt lên thân, lá khi tưới; hạn chế bón đạm, bổ sung canxi, kali cho cây để giúp cây phục hồi nhanh hơn.

 Công tác vệ sinh khử khuẩn đất trước khi trồng rất quan trọng.

Công tác vệ sinh khử khuẩn đất trước khi trồng rất quan trọng.

Đối với các diện tích trồng bị liên tục nhiều chu kỳ, những diện tích đã bị bệnh nặng: Các chu kỳ sau cần xử lý đất bằng vôi bột trước khi trồng và tuân thủ về mật độ, kỹ thuật chăm sóc. Khuyến cáo người dân cần luân canh trồng các cây trồng khác họ bầu bí. Hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng”, tuân thủ thời gian cách ly, trang bị đầy đủ bảo hộ lao động khi tiếp xúc với thuốc; thu gom và xử lý an toàn, đúng quy định với vỏ bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng.

Người dân cần tìm hiểu quy trình canh tác, không nên lặp lại trồng một loại cây với nhiều chu kỳ, trên nhiều năm, mầm bệnh có sẵn chỉ gặp điều kiện thuận lợi là bùng phát. Tích cực khử khuẩn bằng cách bón rắc vôi, kiểm tra thăm đồng thường xuyên, kịp thời phát hiện để phun phòng chữa bệnh cho cây bí./.

Trần Tuyến

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/nguyen-nhan-bi-xanh-chet-la-do-nam-gay-benh-nut-than-chay-nhua-benh-heo-vang-post70675.html