Sửa luật Doanh nghiệp: Bảo đảm Việt Nam không bị đưa vào 'Danh sách Đen'
Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã bổ sung các nội dung về thực hiện cam kết quốc tế của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền; bảo đảm mục tiêu Việt Nam không bị đưa vào 'Danh sách Đen' của FATF.
Sáng 9/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp.
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết qua rà soát, đánh giá quá trình tổ chức thực hiện pháp luật về doanh nghiệp cho thấy có một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp và quản lý của Nhà nước đối với doanh nghiệp cần phải sửa đổi.

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: Quốc hội
Bộ trưởng Tài chính cho biết, quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành về giấy tờ pháp lý của người thành lập doanh nghiệp cơ bản vẫn dựa trên các giấy tờ pháp lý truyền thống (chứng minh thư nhân dân, hộ chiếu…), do vậy, cần phải cập nhật quy định này do một số giấy tờ pháp lý (chứng minh thư nhân dân) hiện nay đã không còn hiệu lực.
Việc rà soát, sửa đổi các quy định tại Luật Doanh nghiệp là cần thiết và cấp bách để đảm bảo tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và khẳng định sự cam kết của Việt Nam trong thực thi Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt giai đoạn 2021 – 2025, trong bối cảnh Việt Nam đã bị tổ chức Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) đưa vào “Danh sách xám” từ tháng 6/2023.
Theo nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các nước trong danh sách này sẽ bị giảm sút đáng kể thu hút vốn FDI, giao dịch tài chính ra nước ngoài bị tính phí cao hơn... Do đó, trước tháng 5/2025, Việt Nam cần có cơ chế cung cấp, cập nhật thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của pháp nhân.
Giảm gánh nặng về thủ tục hành chính
Về cắt giảm thủ tục hành chính, theo Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng, dự thảo Luật đã bãi bỏ quy định về việc người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh trong trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu (tại Điều 17 Luật Doanh nghiệp hiện hành).
Dự thảo Luật quy định thời gian tới sẽ sử dụng định danh cá nhân và định danh tổ chức để để thay thế cho toàn bộ giấy tờ truyền thống trong đăng ký doanh nghiệp, giúp giảm giấy tờ doanh nghiệp, cá nhân phải nộp cho cơ quan nhà nước (không phải nộp bản sao chứng minh nhân dân) và giảm lược thông tin doanh nghiệp phải kê khai cho cơ quan đăng ký kinh doanh.
“Hiện nay, trên 93% hồ sơ đăng ký doanh nghiệp được thực hiện qua mạng điện tử và các hồ sơ này được miễn lệ phí đăng doanh nghiệp. Do vậy, chi phí tuân thủ nếu có cũng không nhiều trong điều kiện Việt Nam cần phải ban hành quy định này để đảm bảo tính tuân thủ về cập nhật thông tin về Chủ sở hữu hưởng lợi theo Khuyến nghị 24, FAFT,”
Tăng cường công tác "hậu kiểm", ngăn chặn "doanh nghiệp ma"
Đáng chú ý, dự thảo Luật đã bổ sung các quy định để tăng cường giám sát, kiểm tra, chế tài xử lý cụ thể đối với các doanh nghiệp không góp đủ vốn điều lệ theo cam kết, doanh nghiệp có vốn ảo, kê khai khống vốn điều lệ.
Trong đó, bổ sung thành phần hồ sơ bao gồm giấy tờ chứng minh năng lực tài chính của cá nhân, tổ chức nhận chuyển nhượng vốn, thành viên góp vốn, cổ đông bảo đảm khả năng chi trả và góp đủ số vốn chuyển nhượng, đăng ký để hạn chế tình trạng vốn ảo, khai khống vốn điều lệ, thành lập “doanh nghiệp ma” hoặc tình trạng “núp bóng” tham gia góp vốn, mua cổ phần chi phối doanh nghiệp nhằm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, chiếm đoạt tiền, tài sản thông qua các hoạt động của doanh nghiệp như mua bán hóa đơn giá trị gia tăng, vay vốn ngân hàng hoặc phát hành trái phiếu riêng lẻ như trong thời gian vừa qua.
Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung các phạm vi, trách nhiệm thực hiện quản lý Nhà nước của UBND cấp tỉnh trong: tổ chức đăng ký kinh doanh; thanh tra, kiểm tra, giám sát doanh nghiệp theo quy định pháp luật trong phạm vi địa phương; ban hành quy trình kiểm tra, giám sát đăng ký kinh doanh; ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập.
Đồng thời, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc kết nối, chia sẻ thông tin của cơ quan chủ quản Cơ sở dữ liệu quốc gia và Cơ sở dữ liệu chuyên ngành với Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. “Trên cơ sở dữ liệu được chia sẻ, kết nối liên thông, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ có công cụ mạnh hơn để tăng cường và nâng cao hiệu quả của công tác ‘hậu kiểm’ trong thời gian tới,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay.
Thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về phòng, chống rửa tiền

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi. Ảnh: Quốc hội
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng bổ sung 9 nội dung về các quy định để thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam trong thực thi Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt giai đoạn 2021 – 2025 phòng; đảm bảo phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước và khuyến nghị của FATF.
“Thực tế Việt Nam đã phát sinh tình trạng ‘núp bóng sở hữu’ với nhiều vụ việc tổ chức, cá nhân kiểm soát doanh nghiệp thiếu minh bạch, lạm dụng vị thế kiểm soát doanh nghiệp để thực hiện các hành vi tham nhũng, rửa tiền và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho các nhà đầu tư, đối tác, khách hàng và các cộng đồng xã hội mà còn làm giảm niềm tin, tăng rủi ro và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của khu vực doanh nghiệp và của nền kinh tế,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chỉ rõ.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết Ủy ban nhất trí với cơ sở chính trị và cơ sở thực tiễn của việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp; thống nhất với sự cần thiết trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Cơ quan thẩm tra khuyến nghị, để bảo đảm mục tiêu Việt Nam không bị đưa vào "Danh sách Đen" của FATF, cùng với việc bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến chủ sở hữu hưởng lợi, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp khác về phòng, chống rửa tiền theo khuyến nghị của FATF, chú trọng công tác thi hành pháp luật, thực hiện các biện pháp quản lý Nhà nước có liên quan.
Dự kiến Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ dự thảo luật này vào chiều 10/5 và ở hội trường vào ngày 20/5.