Tăng cường trách nhiệm UBND cấp tỉnh, ngăn tình trạng doanh nghiệp 'ma', tăng vốn ảo
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp bổ sung quy định về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong quản lý hoạt động doanh nghiệp trên địa bàn.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, sáng 9/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp. Ảnh: Media Quốc hội.
Theo đó, dự án luật tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về cắt giảm thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập thị trường. Cụ thể, bãi bỏ 2 nội dung giúp giảm giấy tờ mà doanh nghiệp, cá nhân phải nộp và giản lược thông tin doanh nghiệp phải kê khai cho cơ quan đăng ký kinh doanh.
Đáng chú ý, trong dự thảo luật đã bổ sung các quy định để tăng cường giám sát, kiểm tra, chế tài xử lý cụ thể đối với các doanh nghiệp không góp đủ vốn điều lệ theo cam kết, doanh nghiệp có vốn ảo, kê khai khống vốn điều lệ; phạm vi, trách nhiệm quản lý nhà nước của UBND cấp tỉnh đối với doanh nghiệp. Đặc biệt là việc "hậu kiểm" nhằm giảm tối đa tình trạng vốn ảo, vốn khống, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp.
Theo đó, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức đăng ký doanh nghiệp; thanh tra, kiểm tra, giám sát doanh nghiệp; ban hành quy trình kiểm tra, giám sát đăng ký kinh doanh; ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập.
Theo ông Thắng, đổi mới phương thức quản lý, chuyển từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm" trong đăng ký thành lập doanh nghiệp là kinh nghiệm tốt của nhiều quốc gia trên thế giới và phù hợp với chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.
Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung kê khai giả mạo là hành vi bị nghiêm cấm để làm cơ sở và có chế tài xử lý. Theo cơ quan soạn thảo, mặc dù tội giả mạo đã được quy định tại Bộ luật Hình sự, nhưng thực tế vẫn có nhiều trường hợp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bị kê khai giả mạo chữ ký.
Đồng thời, dự thảo bổ sung quy định điều kiện doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ theo hướng doanh nghiệp phát hành có nợ phải trả (bao gồm giá trị trái phiếu dự kiến phát hành) không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu của tổ chức phát hành theo báo cáo tài chính năm liền kề trước năm phát hành được kiểm toán.
Ngoại trừ tổ chức phát hành là doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp phát hành trái phiếu để thực hiện dự án bất động sản, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán.
Cơ quan soạn thảo cho biết, quy định trên nhằm đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư và tính công khai, minh bạch.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi. Ảnh: Media Quốc hội.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết, dự án luật bổ sung kê khai thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp là cần thiết nhằm minh bạch hóa môi trường đầu tư kinh doanh và giảm thiểu thiệt hại với nền kinh tế.
Đối với quy định nghĩa vụ chung của doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm thu thập, kê khai thông tin, cập nhật, lưu giữ thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp, Ủy ban đề nghị tiếp tục rà soát, quy định rõ hơn chủ thể doanh nghiệp cần kê khai trên cơ sở tối ưu hóa thông tin khai thác từ hệ thống cơ sở dữ liệu sẵn có, ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý nhà nước về doanh nghiệp, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.
Mặt khác, đề nghị cân nhắc nội dung về ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập. Bởi các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính đều là cơ quan, tổ chức thuộc UBND, chịu sự chỉ đạo, điều hành của Chủ tịch UBND, không phải cơ quan, tổ chức có chức năng độc lập.