TS. Nguyễn Sĩ Dũng: 'Sắp xếp lại giang sơn' để vươn mình ra biển lớn

Muốn vươn mình thành quốc gia phát triển, không thể mang theo một bộ máy cồng kềnh, trì trệ. Phải tinh gọn, phải hiệu quả, phải 'sắp xếp lại giang sơn'. Không phải chỉ để gọn cho đẹp mắt, mà để bộ máy ấy thực sự trở thành công cụ kiến tạo phát triển, phục vụ nhân dân, dẫn dắt quốc gia bước vào tương lai.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, sắp xếp lại giang sơn để quốc gia bước vào tương lai.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, sắp xếp lại giang sơn để quốc gia bước vào tương lai.

Trong một phát biểu mang tính hiệu triệu và đầy hình tượng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: “Phải sắp xếp lại giang sơn cho gọn ghẽ, hiệu quả". Đó không chỉ là một chỉ đạo cải cách hành chính đơn thuần, mà là một tuyên ngôn cải tổ mang tầm vóc lịch sử. Bởi “giang sơn” ở đây không chỉ là bản đồ địa lý, mà là cả một hệ thống tổ chức quyền lực từ trung ương đến địa phương mà nếu không được sắp xếp lại cho tinh gọn, minh bạch và hiệu lực thì quốc gia sẽ khó lòng vươn mình mạnh mẽ trong kỷ nguyên cạnh tranh toàn cầu.

Cuộc cải cách toàn diện và triệt để

Một là, tinh gọn bộ máy trung ương: Đầu mối ít, hiệu quả cao. Một bộ máy quản lý quốc gia hiện đại không thể tồn tại song song quá nhiều đầu mối với chức năng chồng chéo, vừa gây lãng phí nguồn lực, vừa làm giảm hiệu quả điều hành. Vì thế, việc sáp nhập các bộ ngành có chức năng gần nhau như Tài chính và Kế hoạch Đầu tư, Giao thông Vận tải và Xây dựng, Tài nguyên Môi trường và Nông nghiệp, không chỉ là hợp lý mà là bắt buộc.

Ở cấp Trung ương, tinh gọn bộ máy không chỉ là giảm số lượng bộ, mà còn là tái thiết kế chức năng điều hành và chiến lược. Cần phân biệt rõ đâu là cơ quan hoạch định chính sách chiến lược dài hạn, đâu là cơ quan thực thi hành chính thường nhật. Điều này sẽ tạo nên một bộ máy hai tầng rõ rệt: bộ óc tư duy và cánh tay hành động, không lẫn lộn, không giẫm chân lên nhau.

Hai là, cải cách địa phương: Quy mô lớn – Bộ máy nhỏ. Lần đầu tiên sau gần một thế kỷ, Việt Nam dũng cảm đặt vấn đề sáp nhập tỉnh, xóa bỏ cấp huyện và xây dựng mô hình chính quyền hai cấp. Từ lâu, mô hình ba cấp hành chính (tỉnh – huyện – xã) vừa rườm rà, vừa trì trệ, lại dễ phát sinh tầng nấc xin – cho. Việc chuyển sang mô hình hai cấp chính quyền (tỉnh và xã/phường) chính là để giảm tầng nấc trung gian, rút ngắn khoảng cách giữa Nhà nước và nhân dân.

Chính quyền cấp huyện vốn chỉ là cầu nối hành chính đang trở thành điểm nghẽn. Xóa bỏ cấp trung gian này không chỉ là tiết kiệm hàng nghìn biên chế, mà còn là một bước nhảy vọt trong tư duy tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng hiện đại.

Những triết lý lớn của “sắp xếp lại giang sơn”

Thứ nhất, chính quyền càng gần dân, càng hiệu quả. Ở trung tâm của bất kỳ mô hình tổ chức quyền lực nào cũng phải là người dân – chủ thể tối cao của quyền lực công. Triết lý “gần dân là hiệu quả” bắt nguồn từ một chân lý căn bản trong quản trị công hiện đại: Mọi quyền lực công đều phải trực tiếp phục vụ lợi ích công, chứ không chỉ bảo toàn cấu trúc quyền lực.

Mô hình chính quyền địa phương hai cấp - tỉnh và xã/phường giúp rút ngắn khoảng cách giữa trung tâm điều hành với người thụ hưởng chính sách. Khi cấp xã được trao nhiều quyền hơn, ngân sách rõ ràng hơn, tổ chức mạnh hơn, họ sẽ xử lý công việc gần dân, sát dân và theo đúng bối cảnh dân sinh thực tế. Những vấn đề như cấp giấy tờ, xử lý khiếu nại, đăng ký kinh doanh, cấp phép xây dựng… sẽ không phải qua “trạm trung gian” là cấp huyện nữa, từ đó giảm thời gian, chi phí và mâu thuẫn hành chính.

Hơn nữa, khi quyền lực gần dân hơn, thì sức ép từ sự giám sát xã hội cũng mạnh mẽ hơn. Cán bộ xã không thể làm sai một cách dễ dàng, bởi dân ở ngay đó, thấy và biết rõ. Đây chính là phương thức phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ gốc bằng minh bạch, trách nhiệm giải trình và sức ép dư luận.

Thứ hai, giảm tầng nấc, tăng hiệu lực và tốc độ của quyền lực. Một trong những căn bệnh trầm kha của hệ thống hành chính là tầng nấc trung gian, nơi quyền lực bị phân tán, chồng chéo, và thường dẫn đến sự trì trệ. Cấp huyện trong nhiều năm qua tồn tại như một “trạm trung chuyển”, vừa không đủ quyền lực để quyết định, vừa không đủ gần dân để phục vụ sát sao, nhưng lại là điểm phát sinh thủ tục, trì hoãn, xin – cho.

Khi giảm đi tầng nấc này, quyền lực được thiết kế lại theo hướng tuyến tính, thông suốt và rõ ràng hơn. Quyết định không còn qua nhiều lớp phê duyệt; trách nhiệm không còn bị “đẩy qua đẩy lại”; và dòng chảy chính sách trở nên ngắn, nhanh và chuẩn xác. Điều này không chỉ làm tăng hiệu lực của bộ máy mà còn làm rõ trách nhiệm cá nhân, điều kiện tiên quyết để kiểm soát quyền lực.

Thay vì "chưa tới tay", "chưa rõ thẩm quyền", người dân và doanh nghiệp sẽ được tiếp cận với chính sách nhanh chóng, chính quyền phản hồi kịp thời, đặc biệt là niềm tin công chúng được nâng cao nhờ vào sự rõ ràng, minh bạch và nhất quán trong hành xử công quyền.

Thứ ba, thiết kế lại chức năng, giải phóng bộ máy khỏi tư duy phân mảnh. Một sai lầm phổ biến trong cải cách là nhầm lẫn giữa “sáp nhập” và “cải cách thực chất”. Gom đầu mối cơ học mà không tái thiết kế chức năng và quy trình nội tại sẽ dẫn đến một “con rắn hai đầu”, nơi chức năng chồng lấn, trách nhiệm phân tán và năng suất tụt giảm.

Vì vậy, sắp xếp lại giang sơn không chỉ là thu gọn tổ chức, mà là thiết kế lại bộ máy theo nguyên tắc chức năng – đầu ra. Mỗi cơ quan phải có nhiệm vụ riêng, sản phẩm rõ ràng, không xâm lấn nhau. Chỉ khi đó, từng bộ phận mới thực sự vận hành như một mắc xích trong guồng máy chung thay vì vừa làm vừa chờ, vừa quản lý vừa né tránh trách nhiệm.

Đây là một chuyển đổi quan trọng từ mô hình hành chính truyền thống sang mô hình điều hành quản trị hiện đại, nơi quyền lực được trao đi cùng với trách nhiệm rõ ràng, nơi tổ chức vận hành theo nhiệm vụ chứ không theo “bản đồ quyền lực” cũ.

Thứ tư, sức mạnh quốc gia phải đến từ một bộ máy gọn, mạnh và thông minh. Trong thế giới hiện đại, một quốc gia hùng mạnh không thể tồn tại trong một bộ máy cồng kềnh và bảo thủ. Khi công nghệ và toàn cầu hóa rút ngắn mọi khoảng cách, thì một quyết định chậm trễ cũng có thể khiến đất nước mất cơ hội.

Việt Nam không thể bước vào kỷ nguyên hùng cường năm 2045 với một “bộ khung” hành chính được thiết kế từ thế kỷ trước. Phải tái lập, phải tinh gọn, phải tối ưu hóa. Không chỉ bằng việc giảm biên chế mà bằng cách xây dựng lại toàn bộ hệ điều hành quốc gia – nơi công nghệ, dữ liệu, con người và quy trình được kết nối một cách hiệu quả.

Hơn thế, "sắp xếp lại giang sơn" còn là một bước khởi đầu cho một nền quản trị số, chính phủ số và xã hội số. Một bộ máy thông minh, liên thông và phản ứng nhanh sẽ là nền tảng để Việt Nam không chỉ theo kịp, mà còn dẫn đầu trong các lĩnh vực mới như trí tuệ nhân tạo, công nghiệp 4.0, kinh tế xanh và đổi mới sáng tạo.

Mô hình chính quyền địa phương hai cấp - tỉnh và xã giúp rút ngắn khoảng cách giữa trung tâm điều hành với người thụ hưởng chính sách. (Nguồn: VGP)

Mô hình chính quyền địa phương hai cấp - tỉnh và xã giúp rút ngắn khoảng cách giữa trung tâm điều hành với người thụ hưởng chính sách. (Nguồn: VGP)

Thách thức không nhỏ nhưng không thể không làm

Không có cuộc cải cách lớn nào lại dễ dàng và "sắp xếp lại giang sơn" với quy mô toàn hệ thống dĩ nhiên sẽ đối mặt với vô vàn lực cản. Trước hết là tâm lý cục bộ địa phương: Mỗi tỉnh, mỗi huyện, mỗi xã đều gắn với một lịch sử, một bản sắc, không dễ dàng buông bỏ tên gọi hay quyền lực địa phương. Ở không ít nơi, địa giới hành chính được nhìn nhận không chỉ là ranh giới quản lý mà còn là biểu tượng của danh dự, của “chủ quyền địa phương”. Sáp nhập tỉnh, xã vì vậy không đơn thuần là việc kỹ thuật, mà đụng chạm đến cảm xúc cộng đồng, điều vốn luôn nhạy cảm và khó hóa giải nếu không có đối thoại thấu tình đạt lý.

Kèm theo đó là nỗi lo về quyền lợi cá nhân và vị trí cán bộ - lực cản phổ biến trong mọi cuộc tinh giản bộ máy. Khi sáp nhập tổ chức, giảm cấp hành chính hay hợp nhất đầu mối, tất yếu sẽ phát sinh việc điều chuyển, bố trí lại nhân sự, thậm chí có những vị trí sẽ bị cắt giảm. Dù mục tiêu là nâng cao hiệu lực quản trị, thì trong thực tế, những tác động trực tiếp đến quyền lợi con người luôn là trở ngại lớn nhất cho sự đồng thuận trong nội bộ.

Chưa dừng lại ở đó, một rào cản mang tính cấu trúc là sự thiếu đồng bộ của thể chế pháp lý hiện hành. Nhiều luật liên quan tổ đến chức bộ máy nhà nước, tổ chức chính quyền địa phương, ngân sách, phân cấp, phân quyền… vẫn đang vận hành theo mô hình ba cấp truyền thống. Nếu không kịp thời sửa đổi, bổ sung, thống nhất thể chế, thì cải cách dễ rơi vào tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, hoặc “trên mở đường, dưới không có xe chạy”. Khi đó, chủ trương lớn rất dễ bị bào mòn bởi những bất cập trong luật pháp và thực thi.

Nhưng khó không phải là lý do để trì hoãn, mà là lý do để hành động quyết liệt hơn. Những lực cản ấy dù lớn đến đâu cũng không thể trở thành lý do chính đáng để giữ lại một bộ máy cồng kềnh, chồng chéo và kém hiệu quả. Ngược lại, chính những khó khăn đó mới càng cho thấy tầm quan trọng và sự cấp bách của cải cách.

Sắp xếp lại giang sơn để vươn mình ra biển lớn

"Sắp xếp lại giang sơn" không chỉ là sắp xếp lại bản đồ hành chính. Đó là hành động thể hiện trí tuệ, dũng khí và khát vọng dẫn dắt đất nước vào kỷ nguyên mới – nơi mà mỗi đơn vị lãnh thổ không chỉ là địa giới, mà còn là thiết kế tối ưu cho phát triển. Và vậy, dù đầy thách thức, đây là công việc không thể không làm và nhất định phải làm cho bằng được.

Lịch sử Việt Nam từng chứng kiến nhiều cuộc cải cách hành chính, nhưng phần lớn mang tính kỹ thuật hoặc nửa vời. Lần này, cuộc “sắp xếp lại giang sơn” là một cuộc cách mạng toàn diện về thể chế từ thiết kế lại mô hình tổ chức, chức năng, quyền lực, đến xây dựng lại hạ tầng dữ liệu, phân bổ nguồn lực và thiết kế lại mối quan hệ giữa các cấp chính quyền.

Nó đòi hỏi: Tư duy cải cách cấp tiến, vượt khỏi lối mòn hành chính cũ; Dũng khí chính trị, để đối mặt với phản ứng cục bộ, bảo thủ; Năng lực tổ chức thực thi, từ thể chế hóa bằng luật pháp đến triển khai cụ thể; Lòng tin của nhân dân, bởi chỉ khi nhân dân đồng lòng, cải cách mới thành công.

Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa lịch sử. Muốn vươn mình thành quốc gia phát triển, không thể mang theo một bộ máy cồng kềnh, trì trệ. Phải tinh gọn, phải hiệu quả, phải "sắp xếp lại giang sơn". Không phải chỉ để gọn cho đẹp mắt, mà để bộ máy ấy thực sự trở thành công cụ kiến tạo phát triển, phục vụ nhân dân, dẫn dắt quốc gia bước vào tương lai.

"Sắp xếp lại giang sơn" là một cuộc dọn dẹp thể chế nhưng sâu xa hơn, đó là một cuộc làm mới tư duy lãnh đạo, tái thiết niềm tin công chúng và khởi động cho một kỷ nguyên kiến tạo hùng cường.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ts-nguyen-si-dung-sap-xep-lai-giang-son-de-vuon-minh-ra-bien-lon-321964.html