Ngành nông nghiệp từ phát thải đến tạo tín chỉ carbon

Thị trường carbon đang trở thành công cụ chính để giảm phát thải khí nhà kính, tạo cơ hội mới cho nông nghiệp Việt Nam. Cam kết của Việt Nam trong việc giảm phát thải mở ra cơ hội lớn cho ngành này khi thiết lập và vận hành cơ chế tài chính, huy động nguồn lực quốc tế và trong nước thông qua việc phát triển thị trường carbon và thúc đẩy trao đổi tín chỉ carbon.

Ngày 24/01/2025, Chính phủ Việt Nam đã giao Bộ Tài chính xây dựng khung pháp lý cho các hoạt động tài chính trên thị trường carbon. Cụ thể, Bộ Tài chính sẽ xây dựng Nghị định về sàn giao dịch carbon, đảm bảo tính pháp lý và ổn định trong hoạt động giao dịch dựa trên các quy định của Luật Bảo vệ Môi trường. Đây là một bước tiến quan trọng để tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia.

Với đặc thù ngành nông nghiệp Việt Nam đa dạng từ chăn nuôi đến trồng trọt, trồng rừng có tiềm năng lớn trong việc chuyển hướng sang sản xuất giảm phát thải khí nhà kính. Các giải pháp nông nghiệp tuần hoàn, sinh thái và hữu cơ không chỉ giúp giảm tác động môi trường mà còn có thể tạo ra tín chỉ carbon có giá trị. Ngành nông nghiệp Việt Nam hiện cũng có lượng phát thải khí nhà kính lớn, nhưng đang tích cực chuyển mình hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững.

Đặc biệt là lâm nghiệp Việt Nam với hơn 14 triệu ha rừng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giảm nhẹ phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngành lâm nghiệp có lợi thế lớn nhờ khả năng giảm phát thải ròng âm, giúp tăng cường hấp thụ carbon từ rừng.

Chương trình chuyển nhượng kết quả giảm phát thải từ các tỉnh Bắc Trung Bộ đã thành công, chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 và thu về 51,5 triệu USD trong giai đoạn 2018-2019. Đây là một mô hình thành công, mở ra triển vọng lớn cho việc phát triển thị trường tín chỉ carbon rừng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã ký kết Ý định thư với Tổ chức Tăng cường tài chính Lâm nghiệp (Emergent) – cơ quan nhận ủy thác của Liên minh Giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính cho rừng (LEAF) về việc chuyển nhượng giảm phát thải khí nhà kính.

Theo ký kết, Việt Nam sẽ chuyển nhượng phần hấp thụ khí nhà kính (CO2) từ 4,26 triệu ha rừng ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trong giai đoạn 2022-2026 cho LEAF để đổi lấy khoản tài chính để đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng. Việt Nam được sử dụng tối đa 100% tổng lượng chuyển quyền giảm phát thải để thực hiện cam kết của Việt Nam trong thực hiện thỏa thuận Paris và đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam.

Theo ông Phạm Hồng Lượng, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm, thị trường tín chỉ carbon rừng có tiềm năng tạo ra nguồn thu lớn, thúc đẩy bảo vệ và phát triển rừng, tạo việc làm cho cộng đồng địa phương. Trong khi các nguồn lực tài chính cho hoạt động lâm nghiệp hiện vẫn còn nhiều khó khăn và thiếu ổn định, chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu thực tế của ngành.

Chăn nuôi cũng từng có Chương trình khí sinh học tại Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là đã đóng góp vào việc giảm phát thải khí nhà kính. Thông qua chương trình này, Việt Nam đã bán được 3.072.265 tín chỉ carbon để thu về 8,1 triệu USD. Chương trình đem lại lợi ích cho 1 triệu người dân tại 53 tỉnh, thành phố, bằng cách hỗ trợ xây dựng các công trình khí sinh học tại nông hộ, hướng tới giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất, chăn nuôi.

Ngành hàng lúa gạo Việt Nam cũng đang tích cực chuẩn bị cho việc tham gia thị trường carbon. Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long" đã được quốc tế ghi nhận. Ông Lê Thanh Tùng - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam (VIETRISA) cho biết, hiệp hội đặt mục tiêu phát triển thương hiệu gạo xanh, phát thải thấp vào năm 2025 và xây dựng nhãn hiệu cho gạo carbon thấp, tạo tiền đề cho việc bán tín chỉ carbon năm 2028.

Trên thế giới, thị trường carbon được chia thành hai loại: thị trường carbon bắt buộc và thị trường carbon tự nguyện. Việt Nam hiện chủ yếu tham gia vào thị trường carbon tự nguyện, nơi các tín chỉ có thể dễ dàng trao đổi, nhưng giá trị tín chỉ thường biến động và thấp hơn so với thị trường bắt buộc. Để tăng cường giá trị và ổn định cho tín chỉ carbon trong nước, việc phát triển cơ chế pháp lý và hệ thống chứng nhận quốc gia sẽ là yếu tố quan trọng trong tương lai.

Thị trường carbon sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển cho ngành lâm nghiệp và nông nghiệp Việt Nam, từ việc thúc đẩy bảo vệ môi trường, tạo ra nguồn thu tài chính bền vững đến việc cải thiện đời sống cộng đồng địa phương. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa tiềm năng này, Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ và tăng cường hợp tác quốc tế. Những bước tiến hiện tại sẽ là nền tảng vững chắc cho việc phát triển thị trường carbon trong tương lai.

Cục Lâm nghiệp đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy phát triển thị trường và triển khai thương mại tín chỉ carbon rừng trong thời gian tới. Đó là rà soát, cập nhật đóng góp do quốc gia tự quyết định lĩnh vực lâm nghiệp; nghiên cứu tiềm năng và phân bổ hạn ngạch giảm phát thải và hấp thụ carbon từ rừng cho các địa phương. Cục hoàn thiện thể chế chính sách về chuyển nhượng và quản lý tài chính nguồn thu từ tín chỉ carbon rừng; đồng thời xây dựng tiêu chuẩn carbon rừng Việt Nam, phương pháp luận tính toán kết quả giảm phát thải và hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định lượng giảm phát thải/tăng hấp thụ các-bon của rừng... Đặc biệt là tăng cường hợp tác, huy động nguồn lực quốc tế và khối tư nhân.

Ông Tô Xuân Phúc, Giám đốc Chương trình Chính sách, Thương mại và Tài chính Lâm nghiệp, Tổ chức Forest Trends cho biết, hiện mối quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước với các dự án carbon lâm nghiệp rất lớn. Tuy nhiên, Chính phủ hiện chưa có các chính sách hướng dẫn về loại hình đầu tư này. Chính phủ nên cân nhắc ban hành các cơ chế chính sách trong thời gian sớm, nhằm kích hoạt các dự án carbon lâm nghiệp, đáp ứng cả thị trường bắt buộc và tự nguyện. Hiệu quả của các cơ chế, chính sách không chỉ phụ thuộc vào việc huy động kinh phí mà còn phụ thuộc vào nguồn kinh phí này được sử dụng ra sao để có thể tối đa hóa hiệu quả của công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Bích Hồng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/nganh-nong-nghiep-tu-phat-thai-den-tao-tin-chi-carbon-20250330104901673.htm